Mách bạn sự khác biệt giữa probiotic và prebiotic

Có thể bạn đã nghe đến probiotic và prebiotic nhưng hai cái tên này có thể khiến bạn lẫn lộn. Vậy chúng khác nhau như thế nào và đem lại lợi ích gì cho sức khoẻ của trẻ nhỏ? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Key takeaways

  • Probiotic là các lợi khuẩn có trong thức ăn hoặc thực phẩm chức năng.
  • Prebiotic là các chất có nguồn gốc từ thực vật, thúc đẩy sự phát triển của hệ lợi khuẩn đường ruột.
  • Bổ sung pre – probiotic bằng thức ăn luôn là cách an toàn và tốt nhất.

Probiotic là gì

Trước hết hãy tìm hiểu về lợi khuẩn. Chúng là những vi sinh vật cộng sinh có lợi sống trong cơ thể con người. Lợi khuẩn có mặt ở nhiều cơ quan như hệ tiêu hoá, tiết niệu, sinh dục và da. Những sinh vật này tham gia chuyển hoá chất dinh dưỡng và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại.

Probiotic là những lợi khuẩn (vi khuẩn hoặc nấm) có trong thức ăn và thực phẩm chức năng. Probiotic khi dùng đúng chủng loại, liều lượng và cho mục đích phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa và điều trị một số bệnh lý.

Đọc thêm: Probiotic là gì và vai trò với sức khoẻ của trẻ nhỏ

Prebiotic là gì

Một cách đơn giản, prebiotic là các chất có nguồn gốc từ thực vật giúp cộng đồng lợi khuẩn trong cơ thể phát triển. Bạn có thể hiểu prebiotic là “thức ăn” của probiotic.

Cơ thể chúng ta không có enzym chuyển hoá prebiotic. Thay vào đó, các lợi khuẩn trong đường ruột sẽ chuyển hoá những chất này. Quá trình chuyển hoá tạo ra năng lượng để lợi khuẩn phát triển, đồng thời sinh ra một số chất có lợi cho sức khoẻ.

Một số prebiotic thường gặp là:

  • Fructans (inulin và fructooligosaccharides).
  • Galactooligosaccharides (GOS).
  • Oligofructose (fructose).
  • Tinh bột đề kháng.

Prebiotic có lợi ích gì cho sức khoẻ của trẻ

Vai trò đối với sức khoẻ của probiotic đã được đề cập trong những bài viết khác. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu về lợi ích của prebiotic.

Prebiotic khi được lợi khuẩn (probiotic) “tiêu hoá”, chúng sẽ:

  • Kích thích lợi khuẩn trong đường ruột phát triển mạnh mẽ.
  • Điều này giúp đường ruột của trẻ khoẻ mạnh và chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.
  • Prebiotic cũng kích thích ruột hấp thu khoáng chất.
  • Quá trình lên men prebiotic tạo ra acid béo chuỗi ngắn. Chất này là nguồn dinh dưỡng cho tế bào ruột, làm giảm pH môi trường và kích thích niêm ruột tái hấp thu nước.

Bổ sung probiotic và prebiotic bằng cách nào

Thức ăn là cách tốt nhất để bổ sung probiotic và prebiotic. Sau đây là một số nguồn thực phẩm phổ biến.

Thực phẩm có nhiều probiotic

  • Yaourt.
  • Kefir.
  • Kim chi.
  • Bắp cải muối.
  • Súp miso.

Bạn cần lưu ý không phải tất cả thức ăn và nước uống lên men đều chứa probiotic. Hãy cho con sử dụng các sản phẩm truyền thống, ít qua chế biến và có nhãn hiệu rõ ràng.

Đọc thêm: Probiotic trong thực phẩm lên men

Thực phẩm chứa nhiều prebiotic

Như đã đề cập ở trên, prebiotic chủ yếu có nguồn gốc từ thực vật. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các loại rau củ giàu prebiotic để bổ sung vào chế độ ăn của con:

  • Củ đậu.
  • Dưa leo.
  • Chuối.
  • Cần tây.
  • Các loại hạt.
  • Táo (giữ nguyên vỏ).

Sử dụng thực phẩm luôn là cách tốt nhất. Không chỉ bổ sung probiotic và prebiotic, chúng còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu khác.

Thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng sẽ giúp trẻ nhận đủ lượng probiotic và prebiotic cần thiết. Đặc biệt khi trẻ bị ốm, đang sử dụng kháng sinh hoặc nguồn cung cấp từ thức ăn là không đủ.

Thực phẩm chức năng bổ sung probiotic chứa các vi sinh vật còn sống và hoạt động. Sau đây là một số chủng thường gặp:

  • Lactobacillus.
  • Bifidobacterium.
  • Saccharomyces.
  • Streptococcus.

Khi chọn thực phẩm bổ sung probiotic, bạn hãy kiểm tra thời gian sống của vi sinh vật, thay vì hạn sử dụng. Sẽ không có lợi ích sức khoẻ gì nếu các lợi khuẩn trong sản phẩm đã chết hoặc bị bất hoạt.

Ngược lại với probiotic, prebiotic phần lớn là chiết xuất từ thực vật như:

  • Inulin từ rễ của một số loại cây.
  • Tinh bột đề kháng từ khoai tây.
  • Pectin từ táo.

Một số nghiên cứu cho thấy tiềm năng của thực phẩm chức năng trong ngăn ngừa và điều trị một số bệnh lý ở trẻ em. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học cho thấy sử dụng thực phẩm chức năng hàng ngày cho trẻ là có lợi.

Bạn cũng cần biết rằng, thực phẩm chức năng không được kiểm soát và quản lý chặt chẽ như thuốc. Do đó, nhãn mác của sản phẩm có thể không phản ánh đúng thành phần vi sinh vật có bên trong. Hãy chọn mua các sản phẩm uy tín, có xuất xứ và thành phần được liệt kê rõ ràng.