Sơ cứu trẻ sốt co giật làm sao cho đúng

Co giật do sốt là một rối loạn thường gặp ở trẻ em, tỷ lệ co giật cao nhất ở trẻ dưới 3 tuổi. Tuy trông đáng sợ nhưng những cơn co giật thường lành tính. Hãy cùng tham khảo bài viết để biết cách sơ cứu trẻ sốt co giật nhé.

Dấu hiệu của sốt co giật

Đây là tình trạng cơn co giật khởi phát khi trẻ sốt cao, cụ thể:

  • Trẻ có sốt: bạn sờ thấy trẻ nóng và xác nhận trẻ thật sự sốt bằng cách đo nhiệt độ.
  • Co giật: trẻ mất ý thức, không phản ứng với các kích thích từ bên ngoài. Ngoài ra, trẻ có thể ngã xuống, cứng người, cong ưỡn lưng, nắm chặt bàn tay và co giật tay chân.
  • Các biểu hiện khác khó nhận thấy: trẻ nhìn liếc cố định sang một bên, chỉ co giật một tay hoặc chân.
  • Bạn cần biết rằng co giật không phải là một bệnh mà là một triệu chứng thần kinh do nhiều nguyên nhân gây ra. Ở trẻ em, co giật thường được chia thành co giật có sốt và không sốt. Khi co giật kèm theo sốt, các bác sĩ thường nghĩ đến một bệnh lý nhiễm trùng ở trẻ.

Nguyên nhân gây sốt co giật

Có thể chia thành hai nhóm nguyên nhân

Sốt co giật không do nhiễm trùng thần kinh trung ương

Ổ nhiễm trùng có thể nằm ở cơ quan khác như viêm tai giữa, nhiễm trùng tiểu, viêm ruột. Đây là kiểu co giật phổ biến ở trẻ em, thường gặp từ 3 tháng đến 5 tuổi.

Sốt co giật do nhiễm trùng thần kinh trung ương

Viêm màng não: có thể do vi khuẩn hoặc virus, đây là bệnh cảnh nghiêm trọng, cần nhận biết và điều trị sớm.

Viêm não: nhiều loại virus gây viêm não như bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não do HSV.

Sốt co giật có nguy hiểm không

Tuỳ vào bệnh lý gây sốt mà sốt co giật có thể nguy hiểm hoặc không. Các nguyên nhân gây sốt như viêm tai giữa, viêm họng, viêm ruột có thể ít nguy hiểm hơn. Ngược lại, viêm màng não, viêm não, nhiễm trùng huyết là những bệnh đặc biệt nghiêm trọng.

Sơ cứu trẻ sốt co giật

Đặt trẻ nằm trên một mặt phẳng cứng, an toàn.

Bảo vệ đường thở:

  • Quan sát và loại bỏ bất kỳ vật gì trong miệng trẻ để phòng ngừa nghẹt thở (khi co giật trẻ mất phản xạ bảo vệ đường thở). Ví dụ, trẻ co giật lúc đang ăn.
  • Nếu trẻ nôn, đặt trẻ nằm nghiêng bên để tránh hít sặc.

Những việc không nên làm:

  • Việc chèn một vật gì đó vào miệng trẻ là không cần thiết. Nó có thể gây tổn thương nướu, răng và lưỡi của trẻ.
  • Đôi khi trẻ có thể cắn vào lưỡi, nhưng thường nhẹ và trẻ không thể “nuốt lưỡi” được.
  • Không cố ghì chặt trẻ để ngăn co giật. Bạn sẽ không thể làm gì để cơn co giật dừng lại được.
  • Không hồi sức tim phổi cho trẻ, tình trạng ngưng thở thường chỉ kéo dài từ 5 – 10 giây và không đáng lo nếu trẻ không tím tái. Thay vào đó, bạn nên thực hiện các bước ở mục bảo vệ đường thở.

Nhanh chóng hạ thân nhiệt:

  • Bỏ bớt quần áo và lau mát để hạ nhiệt độ.
  • Khi trẻ đang co giật, tuyệt đối không cho trẻ uống bất kỳ thứ gì.

Các câu hỏi thường gặp

Có cách nào để ngăn chặn sốt co giật không?

Co giật do sốt thường khởi phát khi trẻ sốt cao. Nếu trẻ bị sốt, bạn cần hạ nhiệt cho trẻ, điều này sẽ làm giảm khả năng trẻ co giật. Tuy nhiên, việc dùng thuốc hạ sốt cũng cần phải đúng cách. (Đọc thêm: Sử dụng Acetaminophen cho trẻ).

Làm cách nào để hạ nhiệt độ cho trẻ?

Hãy bỏ bớt quần áo, chăn mền, khăn quấn. Cho trẻ uống nước và nước trái cây cũng giúp hạ nhiệt, tuy nhiên không nên cho trẻ uống nước khi đang co giật. Nếu trẻ sốt cao, bạn có thể dùng siro paracetamol hoặc ibuprofen. Tạo môi trường mát mẻ bằng cách mở cửa sổ và điều chỉnh nhiệt độ phòng.

Đọc thêm: Xử trí khi trẻ co giật.

Làm cách nào để cởi bỏ quần áo cho trẻ bị co giật?

Trẻ bị co giật do sốt có thể cứng người hoặc cử động nhiều. Cố gắng cởi quần áo khỏi từng chi một.

Tôi có nên sử dụng một túi đá để làm mát trẻ không?

Không, việc chườm một món đồ đông lạnh lên vùng da nóng có thể gây đau và khó chịu.

Tôi có nên cho trẻ tắm nước lạnh để làm mát?

Không, nước lạnh sẽ gây khó chịu và có thể gây hạ thân nhiệt.

Cơn co giật do sốt thường kéo dài bao lâu?

Các cơn co giật thường ngắn, kéo dài khoảng 1 – 3 phút, tự ngưng mà không cần điều trị.

Sốt co giật có tái phát không

Có, sốt co giật phổ biến ở trẻ và có 40% trẻ sốt co giật sẽ tái phát trong vòng vài năm đến. Trong đó chỉ có 3% trẻ tiến triển thành co giật không sốt

Sốt co giật có gây tổn thương não của trẻ không

Không, sốt co giật không gây tổn thương não, chậm phát triển tâm thần, giảm khả năng học tập.

  1. Pediatric Telephone Advice – Seizure with Fever (Febrile Seizure) – Barton D. Schmitt M.D.
  2. Co giật trẻ em – Giáo trình Nhi khoa – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  3. https://www.redcross.org.uk/first-aid/learn-first-aid-for-babies-and-children/febrile-seizure