So sánh các loại sữa công thức – Dễ hiểu, dễ áp dụng
Mua loại sữa công thức nào cho con có lẽ là một thách thức lớn đối với cha mẹ vì trên thị trường có quá nhiều sự lựa chọn. Hẳn bạn đã từng thắc mắc không biết sữa công thức được phân loại như thế nào và tại sao lại có nhiều nhãn hiệu đến thế. Bài viết sẽ giúp bạn so sánh các loại sữa công thức và biết cách chọn sữa cho con.
Key takeaways
- Sữa công thức được phân loại dựa trên mức năng lượng, thành phần protein (đạm) và carbohydrate (đường).
- Bạn nên dựa vào 3 khía cạnh trên để chọn loại sữa công thức phù hợp với con.
- Những công dụng đặc biệt nên là yếu tố được quan tâm tiếp theo, không phải là tiêu chí hàng đầu để lựa chọn sữa.
So sánh các loại sữa công thức
Để dễ áp dụng khi chọn sữa công thức cho con, bạn nên phân loại sữa công thức theo ba phương diện sau:
- Mức năng lượng mà sữa cung cấp (hàm lượng calo trong sữa).
- Thành phần đạm (protein).
- Thành phần đường (carbohydrate).
Mức năng lượng trong sữa
Như bạn đã biết, sữa mẹ hoặc sữa công thức là nguồn năng lượng duy nhất cho trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu đời. Sự tăng trưởng về thể chất và phát triển trí não phụ thuộc rất lớn vào mức calo có trong sữa. Tuy nhiên, không phải mọi đứa trẻ đều có nhu cầu năng lượng như nhau, một số bé sẽ cần nhiều hơn để đạt được tốc độ phát triển cần thiết, ví dụ:
- Trẻ sinh non.
- Trẻ có cân nặng lúc sinh thấp.
- Trẻ bị bệnh kéo dài hoặc bệnh nặng.
Trong những trường hợp trên, con cần dùng sữa có hàm lượng calo cao hơn hay còn gọi là sữa cao năng lượng. Thông thường, sữa cao năng lượng có mức calo từ 22 – 24kcal/oz, chỉ số này ở sữa công thức thông thường là 20kcal/oz.
Nếu con của bạn sinh đủ tháng, có cân nặng lúc sinh hợp lý và hoàn toàn khoẻ mạnh; sữa công thức thông thường là lựa chọn phù hợp nhất.
Ngược lại, nếu trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc mắc bệnh mạn tính; hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn về cách dùng sữa cao năng lượng nhé.
Đọc thêm: Mách bạn biết trẻ sơ sinh cần bao nhiêu sữa mỗi ngày.
Thành phần đạm trong sữa
Thông thường, đạm (protein) trong sữa công thức có nguồn gốc từ đạm sữa bò. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm kiếm thêm nhiều nguồn đạm khác, ví dụ như từ đậu nành hoặc gạo. Tại sao lại như vậy?
- Một số trẻ bị dị ứng với protein từ sữa bò khiến bé tiêu chảy, tiêu máu và nhiều vấn đề sức khoẻ khác. Khi đó, sữa có protein từ thực vật giúp giảm triệu chứng.
- Một số nghiên cứu chỉ ra sữa có protein từ thực vật giúp cải thiện tình trạng cho trẻ bị chàm da, quấy khóc đêm hoặc viêm ruột.
- Gia đình có truyền thống ăn chay và không muốn trẻ sử dụng sản phẩm từ động vật có thể dùng sữa từ thực vật.
Tóm lại về thành phần đạm, hãy cân nhắc ba điều sau khi mua sữa cho con nhé:
- Nếu con hoàn toàn khoẻ mạnh và không gặp bất kỳ vấn đề sức khoẻ nào, sữa công thức thông thường nên là lựa chọn hàng đầu.
- Nếu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, hãy đưa con đến gặp bác sĩ để được tư vấn về cách dùng sữa thuỷ phân giảm dị ứng.
- Sữa có đạm từ thực vật được quảng cáo giúp trẻ dễ tiêu hoá, giảm nguy cơ chàm da, giảm khóc đêm và giảm viêm ruột. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu bằng chứng khoa học khẳng định những hiệu quả trên.
Thành phần đường trong sữa
Hầu hết sữa công thức thông thường có thành phần đường là lactose giống với sữa mẹ. Đây là loại đường tốt nhất cho con vì hệ tiêu hoá của trẻ sơ sinh vốn được thiết kế để tiêu hoá loại đường này.
Tuy nhiên, một số loại sữa công thức lại có thành phần đường khác như:
- Đường bắp: tinh bột từ bắp được thuỷ phân thành các chuỗi glucose hoặc fructose.
- Đường sucrose: là loại đường mía mà chúng ta thường hay dùng.
Sữa có chứa đường từ bắp hoặc sucrose thường dùng trong những trường hợp:
- Trẻ bị bất dung nạp lactose bẩm sinh (thiếu enzym lactase tiêu hoá lactose).
- Trẻ bất dung nạp lactose do niêm mạc ruột tổn thương trong bệnh viêm ruột, tiêu chảy kéo dày.
- Trẻ bị bệnh tăng galactose máu.
Phân loại sữa theo công dụng
Sau khi đã chọn được loại sữa có mức năng lượng, thành phần đạm – đường phù hợp với con, bạn có thể quan tâm đến những loại sữa có công dụng đặc biệt.
Sữa thuỷ phân giảm dị ứng
Thành phần đạm bò trong sữa được cắt nhỏ để giảm dị ứng. Loại sữa này thường dùng cho trẻ bị dị ứng đạm sữa bò hoặc có nguy cơ cao bị chàm da.
Đọc thêm: Dị ứng sữa bò – Cha mẹ cần làm gì.
Sữa chống trào ngược
Nôn trớ là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, đây là hiện tượng sinh lý và hầu hết không gây hại. Tuy nhiên, sự lo lắng của cha mẹ đã tạo ra nhu cầu cho dòng sữa chống trào ngược. Loại sữa này thường được bổ sung tinh bột để khiến sữa đặc hơn.
Sữa chống trào ngược thực sự giúp giảm số lần nôn trớ. Tuy nhiên, ảnh hưởng về lâu dài (ví dụ như phát triển thể chất) đến trẻ vẫn chưa được tìm hiểu kỹ.
Đọc thêm: Sữa công thức chống trào ngược có an toàn cho bé không.
Sữa tiếp nối (next step formula milk)
Đây là loại sữa dùng cho trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi (lứa tuổi ăn dặm). Sữa được quảng cáo có bổ sung thêm sắt, các loại vitamin, DHA và nhiều chất dinh dưỡng khác hơn sữa công thức thông thường. Tuy nhiên, hiệu quả cải thực sự của loại sữa này vẫn còn chưa được chứng minh rõ ràng.
Đọc thêm: Chọn sữa cho bé 6 tháng tuổi đúng cách và khoa học.
- Infant formula – AAFP – https://www.aafp.org/afp/2009/0401/p565.html
- https://www.nhs.uk/conditions/baby/breastfeeding-and-bottle-feeding/bottle-feeding/types-of-formula/
- https://www.cdc.gov/nutrition/infantandtoddlernutrition/formula-feeding/choosing-an-infant-formula.html
- https://cen.acs.org/food/food-ingredients/infant-formula-scientists-make-like/99/i1
- Standard Infant Formula and Formula Feeding–Cow Milk Protein Formulas – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28461620/
- What’s in the Bottle? A Review of Infant Formulas – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27646861/