Sốt siêu vi ở trẻ em kéo dài bao lâu
Để trả lời chính xác sốt siêu vi ở trẻ em kéo dài bao lâu thật là khó. Sốt chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, trẻ có thể đang mắc một bệnh lý tiềm ẩn bên dưới chưa biểu hiện ra hết. Hơn thế nữa, mỗi bệnh lại có thời gian kéo dài khác nhau.
Do đó, trong bài viết này chúng tôi đề cập đến một số bệnh thường gặp, tất cả đều do siêu vi (virus) gây nên và có biểu hiện sốt. Hy vọng sau bài viết, bạn sẽ có được câu trả lời cho riêng mình.
Key takeaways
- Thời gian kéo dài của sốt siêu vi tuỳ thuộc vào loại bệnh và tình trạng sức khỏe của trẻ. Thông thường, bệnh kéo dài khoảng 1 tuần.
- Các bệnh thường gặp là cảm lạnh, sốt phát ban, tay chân miệng, sốt xuất huyết. Trong đó hai bệnh cuối cùng là đặc biệt nguy hiểm.
- Ban hồi phục sau nhiễm siêu vi có đặc điểm: xuất hiện lúc trẻ giảm sốt, điểm hồng nhỏ, gồ nhẹ hoặc phẳng, mờ dần sau 2 ngày, không ngứa không đau, không kèm mụn nước.
Cảm lạnh kéo dài bao lâu
Đây là bệnh lý cực kỳ phổ biến ở trẻ em, nhất là lứa tuổi đi nhà trẻ. Ước tính trẻ có thể mắc đến 6 – 8 đợt cảm lạnh một năm.
Bệnh gây ra bởi nhiều chủng virus khác nhau như Enterovirus, Coronavirus nhưng thường gặp nhất là các chủng Rhinovirus. Cảm cúm và cảm lạnh là hoàn toàn khác nhau.
Một chìa khoá để nhận biết bệnh cảm lạnh là triệu chứng ở mũi rất nổi bật. Trẻ thường sốt nhẹ, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi. Các triệu chứng khác là ho, đau họng, mệt mỏi. Đặc biệt, trẻ chảy mũi vàng xanh không có nghĩa là trẻ đang nhiễm vi khuẩn.
Diễn tiến của bệnh cảm lạnh:
- Trẻ sốt nhẹ trong 1 – 2 ngày đầu tiên của bệnh.
- Triệu chứng ở mũi như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi xuất hiện và đạt đỉnh vào ngày thứ 3 – 6 của bệnh.
- Bệnh giảm dần và chấm dứt vào ngày thứ 10 – 14.
- Đọc thêm: Trẻ bị cảm lạnh nên làm gì – Hướng dẫn đầy đủ cho cha mẹ.
Như vậy, bệnh cảm lạnh có thể kéo dài đến 14 ngày. Tuỳ vào tác nhân và cơ địa của trẻ mà diễn tiến bệnh có thể khác so với trên.
Sốt phát ban kéo dài bao lâu
Sốt phát ban là gì
Đây là thuật ngữ chỉ chung cho một nhóm bệnh trong đó trẻ sốt kèm theo phát ban, bệnh có thể gây ra bởi cả virus và vi khuẩn. Có thể kể ra một số bệnh như:
- Sởi.
- Rubella.
- Tay chân miệng.
- Bệnh thứ năm (bệnh má đỏ, slapped cheek disease).
- Bệnh thứ sáu (Roseola Infantum).
- Nghe thật lạ phải không! Đừng lo lắng, chúng ta sẽ không đi sâu vào từng bệnh (bạn có thể tìm hiểu kĩ hơn về sốt phát ban ở bài viết khác).
Đặc điểm của ban lành tính
- Phần lớn các bệnh phát ban do siêu vi thường tự thuyên giả trong vòng 1 tuần.
- Ban thường xuất hiện vào thời gian cuối của bệnh, khi trẻ giảm sốt.
- Thường là các điểm hồng, nhỏ, kích thước khoảng 2 – 5mm, bằng phẳng hoặc gồ nhẹ, khi ấn tay vào sẽ biến mất.
- Không đau, không ngứa.
- Mờ dần sau 1 – 2 ngày.
- Không kèm theo mụn nước
Đặc điểm của ban nguy hiểm
- Xuất hiện vào đầu hoặc giữa của giai đoạn bệnh.
- Ban ấn tay vào không mất.
- Ban điển hình của tay chân miệng.
- Khi ban xuất hiện trẻ không khỏe hơn mà tình trạng bệnh ngày càng xấu đi.
Bệnh tay chân miệng kéo dài bao lâu
Đây là bệnh nguy hiểm ở trẻ em. Bệnh tay chân miệng biểu hiện ban đầu với các triệu chứng nhẹ nhưng có thể diễn tiến xấu đi nhanh chóng, thậm chí đe dọa tử vong.
Bệnh gây ra bởi 2 chủng virus chính là Coxsackievirus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, chủng EV71 đặc biệt nguy hiểm, gây bệnh cảnh nặng nề cho trẻ.
Đặc điểm ban tay chân miệng
Chìa khoá để nhận biết bệnh là phát ban điển hình của bệnh tay chân miệng và/hoặc loét miệng dưới 7 ngày. Cụ thể như sau:
- Sốt từ nhẹ đến cao.
- Phát ban dạng sẩn hồng ban nổi gồ trên da, có thể kèm theo mụn nước
- Vị trí ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông, cơ quan sinh dục.
- Mụn nước ở miệng có thể vỡ ra thành vết loét.
- Triệu chứng nặng: sốt cao khó hạ, ngủ gà, giật mình chới với, đi đứng loạng choạng, ngồi không vững, thở mệt, tím tái.
Diễn tiến của bệnh
- Ngày 1 – 2: sốt nhẹ đến cao.
-
Ngày 2 – 5: bệnh có thể diễn tiến theo 2 hướng
- Bệnh nhẹ: trẻ phát ban và loét miệng điển hình của bệnh tay chân miệng, hoặc
- Bệnh nặng: đây là giai đoạn nguy hiểm, các triệu chứng nặng xuất hiện như giật mình chới với, yếu chi, run tay, thở mệt. Nặng hơn nữa là suy hô hấp tuần hoàn, có thể tử vong.
- Ngày 6 – 7: giai đoạn phục hồi và lui bệnh
- Sau 7 ngày từ lúc khởi bệnh, trẻ hạ sốt, bớt quấy khóc, ăn uống được. Các vết loét miệng lành dần, mụn nước xẹp hoặc biến mất, không để lại sẹo.
Như vậy bệnh tay chân miệng có thể kéo dài 7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến theo hướng xấu, cần đặc biệt theo dõi trẻ vào ngày thứ 2 – 5 của bệnh.
Sốt xuất huyết kéo dài bao lâu
Sốt xuất huyết đặc biệt nguy hiểm. Bệnh gây giảm tiểu cầu, xuất huyết và sốc tuần hoàn; có thể đe doạ tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Vậy làm sao để cha mẹ nhận biết sớm bệnh sốt xuất huyết? Diễn tiến của bệnh có thể gợi ý cho bạn:
- Ngày 1 – 3: sốt cao, đột ngột, liên tục. Mặt và họng đỏ. Có thể kèm theo dấu xuất huyết
- Ngoài ra, trẻ có thể than đau bụng, buồn nôn, thậm chí nôn hoặc tiêu ra máu.
- Bệnh có thể chẩn đoán sớm bằng xét nghiệm NS1.
- Ngày 3 – 5: lúc này sốt thường giảm, người bệnh cảm thấy dễ chịu nhưng đây là giai đoạn nguy hiểm. Tiểu cầu giảm, máu cô đặc, trẻ bị sốc tuần hoàn, có thể xuất huyết và suy đa tạng.
- Từ ngày thứ 6 trở đi: giai đoạn phục hồi, trẻ giảm sốt, cảm giác ăn ngon miệng. Một số trường hợp có ban hồi phục, ban đỏ kèm theo ngứa.
Tóm lại, bệnh sốt xuất huyết có thể kéo dài ít nhất từ 7 – 10 ngày. Trong đó ngày thứ 3 – 5 là giai đoạn nguy hiểm và bệnh nhân thường giảm sốt vào giai đoạn này.
- Bệnh tay chân miệng – Giáo trình Nhi khoa – Tập II – Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
- Bệnh sốt xuất huyết – Giáo trình Nhi khoa – Tập II – Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
- http://pages.mrotte.com/1_6_disease.html