Sử dụng thuốc long đàm cho trẻ em – Khuyến cáo từ WHO

Các dược chất long đàm thường có mặt trong nhiều loại thuốc điều trị ho và cảm lạnh. Vậy bạn có hiểu rõ về các loại thuốc long đàm cho trẻ em? Hãy cùng tìm hiểu xem WHO nói gì về vấn đề này nhé!

Các thuốc điều trị cảm lạnh

Các thuốc giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh rất đa dạng, bao gồm các nhóm thuốc sau:

  1. Giảm ho.
  2. Long đàm.
  3. Giảm triệu chứng mũi (nghẹt mũi, sổ mũi).
  4. Hạ sốt.

Vậy một thuốc điều trị cảm lạnh tốt cần có đặc điểm gì? Đây là những thuốc giúp giảm triệu chứng hiệu quả mà không gây tác dụng phụ đáng kể cho trẻ nhỏ. Đặc biệt, thuốc không làm che mờ triệu chứng dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Các biện pháp giúp tống xuất đàm

Có 2 cách để làm sạch đàm trong đường dẫn khí.

Thuốc long đàm (expectorants): kích thích phế quản tăng tiết chất nhầy, giúp đàm dễ tống xuất ra ngoài thông qua phản xạ ho và hoạt động của lông chuyển.

  • Guaifenesin.
  • Iodinated glycerol.
  • Potassium iodide.
  • Terpin hydrate.

Thuốc tan đàm (mucolytics): thuốc khiến đàm loãng hơn và dễ tống xuất hơn.

  • N-acetylcysteine.
  • S-carboxymethyl cysteine.
  • Bromhexine.
  • Ambroxol.

Thuốc long đàm cho trẻ em

Cơ chế tác dụng

Guaifenesin là loại thuốc long đàm được dùng phổ biến ở trẻ em. Thuốc kích thích dây thần kinh X làm tăng tiết chất nhầy ở phế quản. Kết quả là thể tích đàm tăng lên và dễ dàng được tống xuất khi ho.

Guaifenesin thường được phối hợp với các dược chất giảm ho, kháng histamine và giảm nghẹt mũi. Ví dụ thuốc Bé ho có chứa Dextromethorphan (thuốc ức chế ho), Chlorpheniramine (kháng histamine) và Guaifenesin.

Hiệu quả

Bạn cần biết đến nay vẫn chưa có nghiên cứu đánh giá hiệu quả của thuốc long đàm ở trẻ em. Hiệu quả long đàm được suy ra từ các nghiên cứu ở người lớn.

Tuy nhiên, ngay với người lớn, các bằng chứng khoa học cho thấy không có sự thay đổi về tính chất đàm và mức độ ho ở bệnh nhân đã dùng thuốc long đàm.

Tác dụng phụ

Do kích thích lên thần kinh X, thuốc cũng làm rối loạn hoạt động dạ dày. Tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn và nôn ói.

Khuyến cáo của WHO

Việc thêm thuốc long đàm vào siro ho không cải thiện triệu chứng ho và cảm lạnh ở trẻ nhỏ.

Hiệu quả của thuốc long đàm có trong siro ho vẫn còn chưa rõ ràng

Thuốc tan đàm

Cơ chế tác dụng

Thuốc tan đàm có chứa nhóm thiol tự do, nhóm này cắt đứt cầu nối sulfhydryl trong cấu trúc của đàm khiến đàm loãng hơn.

Hiệu quả

Thuốc thật sự làm đàm loãng hơn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu đối chứng đánh giá hiệu quả của thuốc tan đàm ở cả người lớn lẫn trẻ em.

Tác dụng phụ

Tác dụng phụ thường gặp của N-acetylcysteine (thuốc tan đàm phổ biến) là rối loạn tiêu hoá, co thắt phế quản và sốt.

Khuyến cáo của WHO

Thuốc nhìn chung là an toàn khi sử dụng ở trẻ lớn hơn 2 tuổi. Ngoài ra, trẻ cần có phản xạ ho tốt và uống nước đầy đủ để thuốc phát huy hiệu quả.

Sử dụng thuốc tan đàm có thể giúp ích trong các bệnh lý hô hấp mạn tính. Tuy nhiên, không khuyến cáo sử dụng thuốc tan đàm cho trẻ mắc các bệnh lý hô hấp cấp tính như cảm lạnh và ho.

thuốc long đàm
Thuốc bisolvon có chứa bromhexin hydrochloride là một dược chất làm đàm trở nên loãng hơn

Xông hơi ở trẻ em

Cơ chế tác dụng

Xông hơi là phương pháp tận dụng hơi nước để điều trị bệnh. Hơi nước có thể làm tan đàm và giảm các kích thích ở đường dẫn khí, từ đó giúp giảm ho.

Hiệu quả

Tác dụng tan đàm của hơi nước đến nay vẫn chưa được chứng minh. Một nghiên cứu đánh giá hiệu quả của hơi nước đã so sánh giữa nhóm 2 nhóm trẻ em bị cảm lạnh: dùng hơi nước và không dùng. Kết quả cho thấy hơi nước không mang lại lợi ích gì mà còn làm tổn thương thêm niêm mạc đường hô hấp.

Tác dụng phụ

Nguy cơ chính của liệu pháp xông hơi nước là tai nạn bỏng do nhiệt độ cao. Ngoài ra, hơi nước còn gây co thắt phế quản ở bệnh nhân hen.

Khuyến cáo của WHO

Trẻ bị cảm lạnh nên bổ sung thêm nước bằng đường uống, đây là cách hiệu quả và an toàn. Do thiếu bằng chứng về tính hiệu quả và nguy cơ gây bỏng, xông hơi nước không nên dùng để điều trị ho và cảm lạnh ở trẻ nhỏ.

World Health Organization. (‎2001)‎. Cough and cold remedies for the treatment of acute respiratory infections in young children. World Health Organization.

https://apps.who.int/iris/handle/10665/66856