Sữa công thức chống trào ngược có an toàn cho bé không
Con thường trào ngược, nôn trớ sau ăn và điều này khiến bạn lo lắng. Bạn dự tính cho con sử dụng sữa công thức chống trào ngược nhưng vẫn chưa hiểu rõ về loại sữa này. Sữa có đặc điểm gì, nên sử dụng trong trường hợp nào và có an toàn cho con không? Bài viết sẽ giúp bạn giải đáp toàn bộ những thắc mắc này nhé!
Key takeaways
- Trào ngược là một hiện tượng sinh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Trào ngược sẽ hết khi trẻ được 18 tháng.
- Trào ngược ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Sữa công thức chống trào ngược thực sự giúp giảm số lần nôn trớ.
- Tuy nhiên, sữa công thức chống trào ngược không nên là lựa chọn đầu tiên.
Trào ngược ở trẻ nhỏ
Trào ngược là khi thức ăn trong dạ dày đi lên thực quản thay vì tiếp tục xuống ruột non. Do đó, thuật ngữ chính xác là trào ngược dạ dày thực quản (GER – Gastroesophageal reflux). Đây là một hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ và hầu hết không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bé.
Nôn trớ là khi thức ăn trào ngược lên đến miệng và nôn ra ngoài. Như vậy, nôn trớ là một biểu hiện dễ thấy của trào ngược. Trào ngược vẫn có thể xảy ra dù trẻ không nôn trớ.
Trong một số ít trường hợp, trào ngược diễn ra thường xuyên ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ:
- Axit dạ dày khiến thực quản bị viêm và tổn thương.
- Thức ăn trào ngược có thể đi vào đường dẫn khí khiến trẻ khò khè và viêm phổi.
- Nôn trớ thường xuyên khiến trẻ khó nuôi dưỡng, chậm tăng cân, chậm phát triển.
- Trào ngược cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ thường quấy khóc.
Chỉ khi trào ngược gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ, vấn đề điều trị mới được đặt ra. Tuy nhiên, dù trào ngược đơn thuần cũng đủ khiến cha mẹ lo lắng và tìm cách giải quyết. Đây chính là lý do các hãng sản xuất tạo ra sữa công thức chống trào ngược.
Sữa công thức chống trào ngược
Sữa công thức chống trào ngược là loại sữa được chế biến sao cho đậm đặc hơn sữa công thức thông thường.
Ý tưởng nằm sau loại sữa này là:
- Sữa đậm đặc hơn hẳn sẽ khó trào ngược từ dạ dày lên thực quản.
- Trên thực tế, nhiều bà mẹ đã thử thêm bột ngũ cốc vào sữa để khiến nó đặc hơn, và cách này thực sự giúp trẻ giảm nôn trớ.
Có nhiều loại chế phẩm được thêm vào để khiến sữa công thức đặc hơn như:
- Tinh bột bắp.
- Tinh bột gạo.
- Chất xơ từ các loại đậu.
Sữa công thức chống trào ngược có thực sự hiệu quả không
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá hiệu quả thực sự của loại sữa công thức này. Cùng tham khảo một số kết quả nghiên cứu nhé.
Sữa công thức chống trào ngược thực sự:
- Giảm số lần nôn trớ (là biểu hiện bạn có thể thấy trực tiếp được)
- Giúp trẻ tăng cân dễ hơn.
Tuy nhiên, khi đo lường bằng các thiết bị chuyên dụng, loại sữa này không giúp cải thiện dòng trào ngược từ dạ dày lên thực quản (là điều mà bạn không thể nhìn thấy được).
Đặc biệt, các nghiên cứu không chỉ ra được một thương hiệu sữa công thức tốt nhất, hiệu quả nhất trên thị trường.
Ngoài ra, có một số lưu ý bạn cần biết khi đánh giá hiệu quả của sữa công thức chống trào ngược:
- Hầu hết các nghiên cứu đánh giá hiệu quả của loại sữa này không đủ hoàn chỉnh để đưa ra một khuyến cáo dinh dưỡng chính thức.
- Các nghiên cứu thường tiến hành trên trẻ khoẻ mạnh. Do đó, chúng ta không biết được sữa có hữu ích cho những trẻ bị viêm phổi, khò khè, viêm thực quản hay không.
Sữa công thức chống trào ngược có an toàn cho trẻ không
Câu trả lời là có. Đến nay các nghiên cứu vẫn chưa ghi nhận tác dụng phụ nguy hiểm nào đe doạ đến sức khoẻ của trẻ. Loại sữa này vẫn đảm bảo những yếu tố nền tảng của sữa công thức:
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng.
- Hỗ trợ sự phát triển về thể chất của trẻ. Trên thực tế, sữa chống trào ngược rất hiệu quả cho trẻ chậm tăng cân.
Những tác dụng phụ thường gặp là:
- Thay đổi tính chất phân khiến cha mẹ lo lắng.
- Gây rối loạn tiêu hoá, khiến trẻ đau bụng, tiêu chảy, táo bón.
- Sữa đặc khiến trẻ khó nuốt, một số bé còn từ chối bú sữa.
Sữa công thức chống trào ngược có an toàn 100% không? Không ai có thể trả lời chính xác. Tuy nhiên, bạn cần biết một số nguy cơ về lâu dài khi sử dụng loại sữa này:
- Sữa đặc hơn chứa nhiều năng lượng hơn. Chế độ nuôi dưỡng giàu năng lượng lúc nhỏ có thể khiến trẻ mắc các bệnh tim mạch và béo phì khi lớn lên.
- Một số nghiên cứu chỉ ra sữa có thể gây giảm hấp thu các khoáng chất như canxi, sắt, kẽm.
Bạn cần làm gì
Như đã thấy ở trên, sữa công thức chống trào ngược có cả những ưu điểm cũng như nguy cơ. Vậy bạn cần làm gì khi con trào ngược, nôn trớ?
Bạn cần hiểu rõ trào ngược – nôn trớ là một hiện tượng sinh lý và lành tính. Tình trạng này sẽ hết khi trẻ được 18 tháng. Nếu trẻ trào ngược nhưng vẫn vui vẻ, tăng cân đều đặn và không có bất kỳ vấn đề sức khoẻ nào; bạn sẽ không cần can thiệp gì thêm.
Nếu quá lo lắng hoặc trào ngược ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của con:
- Hãy thử áp dụng các biện pháp đơn giản trước. Ví dụ như giảm số lượng sữa và tăng số cữ bú, tránh cho ăn trẻ bú quá no, vỗ lưng ợ hơi, giữ trẻ thẳng lưng trong khoảng 30 phút sau bú.
- Bạn không nên thay thế sữa mẹ bằng sữa công thức chỉ với mục đích chống trào ngược.
- Nếu tất cả những cách trên không hiệu quả, sữa công thức chống trào ngược sẽ được dùng đến.
Khi sử dụng sữa công thức chống trào ngược cho con bạn cần:
- Đưa trẻ đến gặp bác sĩ đến được thăm khám và tư vấn cách dùng sữa.
- Dùng sữa công thức thay vì bổ sung trực tiếp bột ngũ cốc vào sữa.
- Hãy cẩn thận với các loại sữa được làm đặc từ tinh bột gạo do nguy cơ nhiễm độc arsenic (Đọc thêm: Ngũ cốc ăn dặm – Chọn bột ngũ cốc phù hợp cho con)
- Theo dõi sát diễn tiến tăng cân của con cũng như các triệu chứng trào ngược
- Thickened infant formula: What to know – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29495000/
- The Effect of Thickened-Feed Interventions on Gastroesophageal Reflux in Infants: Systematic Review and Meta-analysis of Randomized, Controlled Trials – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19001038/
- https://www.uptodate.com/contents/gastroesophageal-reflux-in-infants?search=gerd&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1
- Thickened Feedings for Infants with Gastroesophageal Reflux – https://www.aafp.org/afp/2019/1001/p437.html