Tác dụng phụ của vắc-xin ngừa cúm

Tiêm phòng vắc-xin cúm có thể khiến trẻ gặp một số tác dụng phụ. Tuy nhiên, lợi ích của việc chủng ngừa vượt xa mọi khó chịu mà trẻ có thể gặp phải. Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ nhỏ, con có thể bị các biến chứng nghiêm trọng nếu mắc cúm.

Key takeaways

  • Vắc-xin ngừa cúm không gây nên bệnh cúm.
  • Lợi ích từ việc tiêm vắc-xin cúm lớn hơn các khó chịu do tác dụng phụ.
  • Các tác dụng phụ thường gặp là mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ, đau cơ, buồn nôn, sưng đau nơi tiêm.
  • Nếu trẻ ốm sau tiêm vắc-xin, bạn cần phân biệt các triệu chứng là do tác dụng phụ hay do một bệnh hoàn toàn khác.

Lầm tưởng về chủng ngừa cúm

Từ lâu đã có những hiểu lầm về việc tiêm phòng cúm. Một trong những lầm tưởng phổ biến nhất là nó gây ra bệnh cúm, điều này không thể xảy ra vì vắc-xin không được tạo ra từ vi-rút sống.

Thuốc chủng ngừa cúm không thể gây bệnh. Các tác dụng phụ có thể xảy ra nhưng đây không phải là dấu hiệu trẻ bị cúm.

Tác dụng phụ thường gặp

Vắc-xin dạng tiêm

Các tác dụng phụ sẽ xuất hiện trong một hoặc hai ngày đầu và thường là nhẹ:

  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Sốt nhẹ
  • Đau cơ
  • Buồn nôn
  • Đau và sưng tại chỗ tiêm

Vắc-xin dạng xịt mũi

Để tránh kim tiêm, một số cha mẹ chọn loại thuốc xịt mũi FluMist cho con mình. Mặc dù nhanh và dễ sử dụng, thuốc vẫn có một số tác dụng phụ như:

  • Ho hoặc đau họng
  • Đau đầu
  • Sốt nhẹ
  • Đau cơ
  • Nghẹt mũi
  • Sổ mũi

Xử trí tác dụng phụ

Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào liên quan đến vắc xin cúm, hãy liên hệ bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Ngoài ra, bạn không nên sử dụng aspirin để hạ sốt, thuốc có thể gây hội chứng Reye, một bệnh làm tổn thương gan và não.

Đọc thêm: Chăm sóc trẻ sốt như thế nào cho đúng.

Các dị ứng tuy hiếm nhưng cũng có thể xảy ra, sốc phản vệ là biểu hiện nặng của dị ứng và có thể đe dọa tính mạng. Nếu trẻ bị sưng mặt, khó thở, nôn mửa, nổi mề đay, chóng mặt, tay chân lạnh hoặc ngất xỉu, hãy đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.

Đọc thêm: Xử trí phản vệ ở trẻ em.

Tác dụng phụ hay do bệnh lý khác

Nếu con bạn bị ốm sau khi tiêm vắc-xin cúm, nguyên nhân có thể từ việc tiêm phòng. Tuy nhiên, đó cũng có thể là một sự trùng hợp, trẻ bị ốm do một bệnh khác chứ không phải là do tiêm phòng.

Một số cha mẹ sẽ gán các triệu chứng hoặc bệnh lý cho mũi tiêm và tránh không sử dụng vắc-xin cúm. Điều này làm tăng nguy cơ trẻ bị cúm và mắc các biến chứng nghiêm trọng. Trước khi kết luận, bạn nên đặt ra những câu hỏi như:

  • Trẻ đã tiêm phòng cúm trước đây chưa? Nếu con của bạn đã từng tiêm mà không có phản ứng, thì khả năng cao là các triệu chứng KHÔNG phải do vắc-xin gây ra.
  • Các triệu chứng kéo dài bao lâu sau tiêm phòng? Nếu một triệu chứng kéo dài hơn 2 ngày hoặc ngày càng trầm trọng, thì trẻ có thể đang mắc một bệnh khác. Tốt nhất bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
  • Có ai khác bị bệnh không? Quan sát xem xung quanh có người khác mắc các triệu chứng tương tự như trẻ. Điều này đặc biệt đúng khi con được gửi trẻ, nơi vi rút dễ dàng lan truyền.
  • Trẻ có những triệu chứng nào khác? Vắc-xin ngừa cúm không có tác dụng phụ đặc trưng, các bệnh khác cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
  • Các triệu chứng bắt đầu khi nào? Các tác dụng phụ thường xuất hiện trong vòng 6 đến 12 giờ. Nếu bệnh xuất hiện từ 2 đến 3 ngày sau khi tiêm phòng, khả năng cao KHÔNG phải do vắc-xin gây ra.