Tại sao trẻ bị táo bón – Bạn đã hiểu đúng chưa

Táo bón rất thường gặp ở trẻ em. Vậy tại sao trẻ bị táo bón, bao giờ bệnh thuyên giảm và tại sao bệnh thường kéo dài khó điều trị? Bài viết sẽ giúp bạn có câu trả lời.

Key takeaways

  • Táo bón chức năng là dạng thường gặp nhất ở trẻ em.
  • Bệnh có nguyên nhân từ thói quen nhịn đi tiêu, chế độ ăn ít chất xơ, tập dùng bô sai cách và áp lực tâm lý.
  • Khi nhịn đi tiêu, phân ứ lại làm tăng áp lực lên thành ruột. Khiến cơ thành ruột bị teo và liệt.
  • Quá trình điều trị cần nhiều thời gian để cơ hoạt động lại bình thường.

Nguyên nhân gây táo bón

Táo bón là tình trạng trẻ đi tiêu ít hơn mọi ngày, đi tiêu khó khăn phải rặn nhiều và phân cứng to. Có hai nhóm nguyên nhân chính gây táo bón.

Bài viết này tập trung vào táo bón chức năng. Đây là bệnh rất phổ biến ở trẻ em và khiến cha mẹ lo lắng. Ngoài ra, để giúp con mau khỏi bệnh, sự hiểu biết của cha mẹ là rất quan trọng.

Tại sao trẻ bị táo bón chức năng

Bạn có thể hiểu táo bón chức năng là hậu quả của các yếu tố như: nín giữ phân, nhịn đi tiêu, chế độ ăn không hợp lý, thiếu vận động. Và hoàn toàn không có một bệnh thật sự gây táo bón.

Tất cả các yếu tố trên khiến phân ngày càng ứ đọng trong ruột của trẻ. Lượng phân quá nhiều khiến thành ruột giãn to, căng cứng. Đến một mức độ, áp suất trong ruột quá lớn khiến cơ thành ruột teo và liệt, mất cử động.

Khi ruột không cử động để đưa thức ăn xuống dưới, phân sẽ tiếp tục ứ đọng và gây táo bón. Cuối cùng, dù bạn cho trẻ uống thuốc hay bơm hậu môn thì phân cũng không thể ra ngoài.

Để khôi phục lại hoạt động bình thường của thành ruột sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, bạn không thể mong đợi trẻ đi tiêu bình thường chỉ sau một vài ngày.

Bây giờ, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về các nguyên nhân nhé.

Đọc thêm: Trẻ bị táo bón phải làm sao – Hiểu đúng về cách điều trị

Nhịn đi tiêu

Trẻ bắt đầu biết nhịn vào năm 2 – 3 tuổi. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ không chịu đi vệ sinh:

  • Trẻ mãi chơi nên không muốn đi tiêu.
  • Trẻ bị tổn thương ở hậu môn gây đau khi đi tiêu (ví dụ bệnh nứt hậu môn). Do đó, con sợ khi phải đi ị.
  • Dạy con dùng bô không đúng cách khiến trẻ ngại đi vệ sinh.
  • Trẻ bị sang chấn tâm lý.

Việc trẻ nhịn đi tiêu diễn ra âm thầm mà cha mẹ không hề biết. Do đó, bạn nên để ý đến số lần đi tiêu trong ngày của con. Nếu trẻ tiêu ít, bạn có thể hỏi con nguyên nhân là gì và can thiệp kịp thời.

Chế độ ăn

Chất xơ hút nước từ lòng ruột vào phân giúp làm mềm phân.

Do đó, nếu trong chế độ ăn của trẻ thiếu chất xơ và nước, việc đi tiêu sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, tất cả cha mẹ điều biết rất khó để khuyến khích con ăn rau xanh và trái cây.

Đọc thêm: Ăn gì để giảm táo bón cho trẻ – Cụ thể, dễ hiểu.

Đọc thêm: Nhu cầu nước hàng ngày ở trẻ em.

Tập đi bô sai cách

Việc tập cho trẻ dùng bô (nhà vệ sinh) cần diễn ra đúng cách, cụ thể là:

  • Đúng thời điểm, khi trẻ đã sẵn sàng về mặt vận động và ý thức.
  • Dựa trên ý thích và hứng thú của trẻ, không ép buộc.
  • Diễn ra dần dần để trẻ tập làm quen, không la mắng trừng phạt khi trẻ làm sai.

Vậy tập cho trẻ dùng bô sai cách sẽ gây hậu quả gì:

  • La mắng khiến trẻ lo sợ và ngại dùng bô, kết quả là trẻ nhịn đi tiêu nhiều hơn.
  • Trẻ có thể học được cách dùng bô nhưng sẽ mau quên và ị trong quần khi cuộc sống có áp lực tâm lý.
  • Hình thành thói quen đi tiêu không tốt.
  • Đọc thêm: Tập cho trẻ dùng bô – lấy trẻ làm trung tâm.

Áp lực tâm lý

Trẻ em cũng gặp các áp lực tâm lý. Tuy nhiên, cha mẹ có thể bỏ qua nếu chỉ dùng góc nhìn của người lớn. Vậy đó có thể là những stress nào:

  • Bị cha mẹ la mắng.
  • Cha mẹ cãi vã, gia đình không hoà thuận.
  • Gia đình mới sinh em bé và trẻ ít được quan tâm hơn trước.
  • Chuyển nhà, chuyển nơi ở.
  • Trẻ đến môi trường mới như trường học, đi du lịch.
  • Hoặc bất kỳ điều gì gây xáo động trong cuộc sống của trẻ.

Dù trông nhỏ bé nhưng những áp lực tâm lý này có thể khiến trẻ không muốn đi tiêu. Nếu để lâu dài không giải quyết sẽ dẫn đến tình trạng táo bón.

Đọc thêm: Làm gì khi trẻ không chịu dùng bô sau khi đã tập được.

Tại sao trẻ táo bón kéo dài

Những nguyên nhân nêu trên thường bị xem nhẹ và bỏ qua. Trên thực tế, các bác sĩ thường kê thuốc để trẻ đi tiêu chứ ít khi tư vấn về tâm lý, chế độ ăn hoặc cách dùng bô.

Cha mẹ thường mong muốn trẻ mau đi tiêu bình thường trở lại mà ít quan tâm đến cách chăm sóc con.

Hệ quả là những nguyên nhân chính không được giải quyết, táo bón không thể chấm dứt hoặc tái phát khi ngưng thuốc.

Do đó, nếu con bị táo bón kéo dài, điều quan trọng nhất bạn cần là một nhìn nhận đúng.

Táo bón có nguyên nhân từ những chăm sóc đơn giản hàng ngày. Bạn không nên mong đợi trẻ mau chóng đi tiêu bình thường trở lại. Thay vào đó, hãy dành thời gian thay đổi chế độ ăn, thói quen đi tiêu hoặc giảm áp lực tâm lý của trẻ.