Tắm cho bé – Tất cả những gì bạn cần biết
Bạn mới sinh con và đang quan tâm đến việc tắm cho bé. Tuy nhiên, có nhiều hướng dẫn khác nhau và bạn không biết như thế nào mới là đúng. Hãy để bài viết giải đáp những thắc mắc của bạn bằng các thông tin từ Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) nhé.
Bao giờ tắm cho bé lần đầu tiên
WHO khuyến cáo hãy đợi đến sau 24 giờ đầu đời rồi tắm cho bé, hoặc ít nhất là 6 giờ đầu (1).
Nhưng tại sao phải đợi lâu như vậy?
- Tắm trẻ quá sớm ngay sau sinh có thể khiến con bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết. Nguyên nhân do da của trẻ chưa trưởng thành nên nhiệt độ dễ thất thoát qua da.
- Tắm cho trẻ ngay làm gián đoạn quá trình da kề da và bú sữa non. Hai hoạt động này rất quan trọng để tăng cường gắn kết mẹ con và cung cấp dinh dưỡng cho trẻ.
- Khi tắm, bạn có thể vô tình làm trôi lớp vernix tự nhiên trên da của con. Vernix là một lớp sáp trắng bao phủ da trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh, có vai trò như một chất làm ẩm, giúp giảm nguy nhiễm khuẩn và mất nước qua da. Đối với trẻ sinh non thiếu tháng, lớp sáp này rất quan trọng để bảo vệ làn da của con.
Bao lâu thì tắm cho bé một lần
Trẻ sơ sinh ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài và hiếm khi đổ mồ hôi nên sẽ không cần tắm mỗi ngày.
Tắm quá thường xuyên có thiển khiến bé bị hạ thân nhiệt, làm khô và bong tróc da. Tần suất tắm được khuyến cáo trong độ tuổi từ lúc mới sinh đến khi trẻ biết bò là (2):
- Trẻ sinh đủ tháng: 2 lần/tuần.
- Trẻ sinh thiếu tháng: mỗi 4 ngày một lần.
Tắm cho bé như thế nào
Nếu bạn lần đầu có con và chưa biết tắm cho bé như thế nào, hãy tham khảo các bước sau nhé (3):
- Hãy chuẩn bị dụng cụ đầy đủ, bao gồm thau tắm, nước ấm, xà phòng, khăn mềm.
- Đặt trẻ trên một mặt phẳng an toàn gần với thau tắm, thoải mái cho bạn và cho con. Tuyệt đối không nên ngâm trẻ vào nước, làm vậy sẽ khiến trẻ bị hạ thân nhiệt nhanh chóng.
- Dùng tay hoặc khăn mềm để tắm cho con. Bạn không nên dùng các loại khăn hoặc miếng cọ quá cứng, kì cọ quá mạnh sẽ khiến da của trẻ bong tróc.
- Trong suốt quá trình tắm, hãy quấn con trong một khăn lớn khô ráo. Bạn tắm đến vùng nào thì mở khăn che vùng đó ra. Làm vậy sẽ đảm bảo trẻ không bị mất nhiệt qua da quá nhiều.
- Bắt đầu tắm phần mặt trước, cẩn thận không để nước rơi vào mắt trẻ. Sau đó đến các phần khác của cơ thể và cuối cùng là vùng mặc tã.
- Bạn có thể dùng tay hoặc khăn mềm thấm nước (vắt khô) để tắm cho con. Nếu được, bạn không nên dùng 1 chiếc khăn từ đầu đến cuối để phòng tránh dây nhiễm giữa các vùng cơ thể.
- Hãy chú đến các vùng như dưới cánh tay, sau tai, xung quanh cổ và cơ quan sinh dục (đặc biệt ở bé gái).
- Bạn hoàn toàn có thể tắm cho trẻ sơ sinh bằng nước ấm. Nước là lựa chọn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Nếu bạn muốn dùng sữa tắm, hãy chọn các loại có dạng dịch lỏng, không chứa xà phòng, có pH trung tính hoặc axit nhẹ, không mùi và không gây kích ứng mắt.
- Khi rốn của trẻ rụng và lành hẳn, bạn có thể bắt đầu tắm bằng cách cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với nước. Tuy nhiên, hãy tắm nhanh nhất có thể nhé.
- Đọc thêm: Hăm tã ở trẻ nhỏ – Tất cả những gì bạn cần biết.
- Đọc thêm: Chọn sản phẩm an toàn cho làn da của con.
Làm gì để đảm bảo an toàn cho con
- Không nên để trẻ tắm trong tư thế ngồi, con còn rất nhỏ không thể ngồi vững và có thể té ngã.
- Hãy để mọi dụng cụ cần thiết ở chung một chỗ, gần vị trí của bạn và dễ lấy. Làm vậy sẽ hạn chế việc bạn chạy đi lấy cái gì đó và để con một mình trong nhà tắm. Tuyệt đối giữ trẻ trong tay, nếu cần đi đâu đó hãy đưa con theo cùng.
- Chỉ một phút lơ là không chú ý đến con cũng có thể khiến trẻ ngạt nước. Sự thật là hầu hết tình trạng đuối nước ở trẻ em xảy ra trong nhà và có thể phòng tránh được.
- Nhiệt độ nước tắm nên bằng với thân nhiệt (37 – 37,5 độ C), bạn có thể cảm nhận độ nóng bằng cách để cổ tay hoặc cùi chỏ vào trong nước.
- Hãy giữ ấm cho con tối đa, một khi đã cởi quần áo bạn nên đặt trẻ ngay vào nước ấm.
- https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/bathing-skin-care/Pages/Bathing-Your-Newborn.aspx
- Children and newborn skin care and prevention – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21437530/
- https://www.nhs.uk/conditions/baby/caring-for-a-newborn/washing-and-bathing-your-baby/
- https://raisingchildren.net.au/newborns/health-daily-care/hygiene-keeping-clean/bathing-a-newborn