Tăng động ở trẻ em có phải là một bệnh
Hãy cùng xem qua lo lắng thường gặp của những người mẹ có con mắc bệnh tăng động giảm chú ý:
“Con tôi được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý. Tôi rất lo lắng khi có người nói đây là một bệnh tâm thần. Điều này có đúng không?”
Hãy cùng tìm hiểu để có một nhìn nhận đúng qua bài viết này nhé.
Thuật ngữ: Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder) – ADHD
Key takeaways
- Tăng động ở trẻ em do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể là lành tính hoặc bệnh lý.
- Rối loạn tăng động giảm chú ý thực sự là một bệnh, và thuộc nhóm bệnh tâm thần.
- Hiểu và chấp nhận bản chất của bệnh rất quan trọng để con được điều trị đúng cách.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì
Đây là một bệnh khiến trẻ kém tập trung, khó kiểm soát hành vi và năng động quá mức.
Khả năng tập trung và kiểm soát hành vi rất quan trọng với cuộc sống hàng ngày. Con cần có một mức độ chú tâm nhất định để học các kĩ năng mới như nói, viết, làm việc nhóm. Và trẻ cũng cần biết cách điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội xung quanh.
Về mặt chuyên môn, rối loạn tăng động giảm chú ý được xếp vào nhóm bệnh tâm thần (mental illness). Tuy nhiên, điều này gây nên một số vấn đề:
- Cha mẹ khó chấp nhận việc trẻ mắc bệnh tâm thần. Tâm thần thường gắn liền với những điều không hay như “điên’’, “không thể chữa khỏi”.
- Người mắc bệnh tâm thần thường chịu sự kì thị của xã hội.
- Gia đình cảm thấy khó hiểu khi trẻ bị bệnh nhưng bác sĩ lại không tìm ra nguyên nhân.
Hơn thế nữa, cha mẹ không thực sự coi đây là một bệnh mà là kết quả của sự nuôi dạy con sai cách hoặc ảnh hưởng của môi trường xung quanh.
Hiểu đúng về bệnh tăng động ở trẻ em
Trước hết bạn cần biết tâm thần không đồng nghĩa với điên. Mắc một bệnh tâm thần không có nghĩa người đó bị điên.
Tâm thần (metal) là từ dùng để chỉ các hoạt động diễn ra trong não bộ. Bao gồm nhận thức, suy nghĩ, ghi nhớ và cả các cảm xúc thường ngày. Do đó, tâm thần không có nghĩa là xấu.
Bệnh tâm thần là khi các hoạt động của não bộ bị rối loạn. Và dĩ nhiên việc tập trung và kiểm soát hành vi do não đảm nhận, nên ADHD được coi là bệnh tâm thần.
Bệnh tâm thần thường có các đặc điểm sau:
- Bệnh thường không rõ nguyên nhân.
- Quá trình chẩn đoán bệnh khá khác biệt, chủ yếu là quan sát và hỏi bệnh, ít cần xét nghiệm.
- Bệnh cần điều trị kéo dài, trong đó có các phương pháp không dùng đến thuốc.
- Đọc thêm: Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em.
Hiểu đúng và chấp nhận bản chất của bệnh là bước cần làm đầu tiên. Nếu không, bạn và con sẽ mất thời gian chạy chữa nhiều nơi mà không áp dụng phương pháp điều trị đúng đắn.
Tăng động giảm chú ý thực sự là một bệnh
Nhiều người không tin rằng ADHD là một bệnh, thay vào đó, đây chỉ là kết quả của giáo dục sai cách hoặc ảnh hưởng từ môi trường xã hội. Những thông tin sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn:
- ADHD có liên quan đến nhiều yếu tố như: sinh non, nhẹ cân, tiếp xúc với chất độc – thuốc lá.
- Nghiên cứu chỉ ra ADHD không có liên quan với cách nuôi dạy, điều kiện kinh tế thấp hoặc xem điện thoại quá nhiều.
- Các kết quả chụp ảnh não cho thấy vỏ não của người ADHD có bất thường ở thuỳ trán. Đây là vùng phụ trách việc tập trung và lên kế hoạch hành động.
- Cuối cùng, bệnh ADHD có thể cải thiện khi sử dụng các thuốc tâm thần.
- Đọc thêm: Không phải tất cả trẻ mất tập trung đều là ADHD
Như vậy, ADHD thực sự là một bệnh. Do đó, các phương pháp chẩn đoán và điều trị chuyên biệt mới là cách thực sự hiệu quả để cải thiện tình trạng của con.
- https://childmind.org/article/is-adhd-really-a-psychiatric-disorder/
- https://www.emedicinehealth.com/ask_is_adhd_classified_as_a_mental_illness/article_em.htm#ask_a_doctor
- https://www.understood.org/articles/en/is-adhd-a-mental-illness
- https://www.emedicinehealth.com/ask_is_adhd_classified_as_a_mental_illness/article_em.htm#doctors_response