Táo bón ở trẻ em – Hiểu đúng, xử trí đúng
Táo bón ở trẻ em là một vấn đề thường gặp và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Mỗi lần trẻ đi tiêu khó khăn có thể khiến cả gia đình bạn lo lắng. Nguyên nhân gì làm cho trẻ bị táo bón? Có những phương pháp nào để điều trị? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời.
Key takeaways
- Điểm quan trọng để xác định táo bón là trẻ đi phân cứng, rặn nhiều và đau hậu môn khi đi tiêu.
- Nếu trẻ đi tiêu ít chỉ 1 – 2 lần mỗi tuần nhưng phân mềm, dễ đi, không rặn nhiều, không đau thì trẻ không bị táo bón.
- Thói quen nhịn đi tiêu phổ biến ở trẻ từ 2 – 3 tuổi và những trẻ mới đi mẫu giáo. Bạn cần chú ý những dấu hiệu nghi ngờ trẻ nín giữ phân để có biện pháp nhắc nhở, can thiệp kịp thời.
- Bạn không nên lạm dụng phương pháp thụt tháo vì nguy cơ làm mất phản xạ đi tiêu của trẻ.
Táo bón là gì?
Táo bón là tình trạng:
- Trẻ đi tiêu không thường xuyên.
- Bị đau khi đi tiêu, khó đi phải rặn nhiều.
- Phân có kích thước lớn và cứng.
Số lần đi tiêu bình thường của trẻ
Số lần đi tiêu của trẻ phụ thuộc vào độ tuổi và sinh lý:
- Tuần đầu tiên, trẻ sơ sinh đi tiêu trung bình 4 lần/ngày. Phân có màu đen hoặc xanh lục và dính (phân su)
- Từ 0 – 3 tháng, trẻ đi khoảng 2 – 3 lần/ngày. Một số trẻ đi tiêu sau mỗi lần bú nhưng cũng có trẻ 5 – 7 ngày mới đi tiêu 1 lần. Thông thường, trẻ bú sữa công thức có số lần đi tiêu ít hơn trẻ bú mẹ.
- Trẻ < 3 tuổi, thường đi tiêu 1 – 2 lần/ngày.
- Trẻ > 3 tuổi là 1 lần/ngày.
Những hiểu lầm thường gặp
Infant dyschezia – “Chứng khó đi tiêu ở trẻ nhỏ”. Đây là một rối loạn chức năng xảy ra ở trẻ khỏe mạnh, đặc biệt những trẻ dưới 9 tháng tuổi. Trẻ rặn khóc khi đi tiêu nhưng trong khoảng 10 phút thì đi tiêu được và phân mềm. Tình trạng này sẽ tự mất đi khi trẻ lớn lên, bạn đừng lo lắng về vấn đề này.
Một số trẻ có thói quen chỉ đi tiêu 1 – 2 lần mỗi tuần, nhưng phân mềm, không đau, không rặn nhiều. Nếu con bạn ở trong tình huống này thì trẻ không bị táo bón, đó chỉ là cơ địa sinh lý của trẻ.
Làm sao để biết trẻ bị táo bón?
Bạn cần quan sát thói quen đi tiêu của trẻ để biết trẻ có bị táo bón hay không, những dấu hiệu cần chú ý bao gồm:
- Số lần đi tiêu của trẻ ít hơn so với mọi ngày. Mỗi trẻ có thói quen đi tiêu khác nhau do đó bạn nên so sánh với những ngày bình thường của trẻ.
- Phân cứng, to hoặc có thể tròn, nhỏ như phân dê. Bạn cần quan sát kỹ tính chất phân cứng, điều này quan trọng hơn số lần đi tiêu của trẻ.
- Trẻ gồng người, đỏ mặt, rặn nhiều khi đi tiêu.
- Đau hậu môn, khóc khi đi tiêu. Điều này khiến trẻ sợ và né tránh việc đi tiêu, trẻ sẽ nín giữ phân làm cho phân ngày càng lớn hơn.
- Máu đỏ tươi bọc ngoài phân cứng hoặc trên giấy chùi do phân to gây nứt hậu môn.
- Trẻ táo bón có thể có xì hơi nhiều hơn.
Khi tình trạng táo bón diễn tiến nặng hơn, trẻ có thể bị trĩ, sa hậu môn, són phân, tiêu không kiểm soát. Nếu để trẻ bị táo bón quá lâu, bạn sẽ càng khó giúp trẻ đi tiêu bình thường trở lại.
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ
Táo bón chức năng
Phần lớn nguyên nhân táo bón ở trẻ là táo bón chức năng. Bạn có thể hiểu táo bón chức năng là hậu quả của các yếu tố như: nín giữ phân, nhịn đi tiêu, chế độ ăn không hợp lý, thiếu vận động.
Nguyên nhân bệnh lý
Một phần nhỏ tình trạng táo bón ở trẻ là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn. Tình huống này thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Các nguyên nhân này sẽ cần sự can thiệp của bác sĩ:
- Nhược giáp.
- Đái tháo đường.
- Bất thường đại tràng, hậu môn.
Các yếu tố gây táo bón ở trẻ?
Thói quen nhịn đi tiêu
Trẻ có thể nhịn đi tiêu vì nhiều nguyên nhân. Ví dụ trẻ không muốn cắt ngang trò chơi của mình để đi tiêu. Hành vi này cũng xảy ra với trẻ bắt đầu đi mẫu giáo, môi trường mới, nhà vệ sinh lạ khiến trẻ lo lắng, không dám đi tiêu.
Nhịn đi tiêu khiến phân tích trữ lại, to lên, khiến trẻ đau vào lần đi tiêu tiếp theo. Trải nghiệm này làm trẻ sợ và tiếp tục nhịn. Tất cả những điều trên tạo thành vòng tròn bệnh lý.
Hành vi nín giữ phân xảy ra sớm nhất khi trẻ được 1 tuổi và phổ biến hơn ở trẻ 2 – 3 tuổi. Bạn sẽ thấy trẻ dành thời gian dài đứng ở một góc, bám chặt vào một đồ vật, gồng cứng người, nhón gót, bắt chéo chân hoặc ngồi xổm.
Tập dùng bô khi trẻ chưa sẵn sàng
Bạn chỉ nên tập cho trẻ tự đi tiêu khi trẻ đã thực sự sẵn sàng để học, nếu không trẻ sẽ cảm thấy bị ép buộc. Điều này sinh ra tâm lý chống đối, trẻ sẽ không đi tiêu nhằm chống lại bạn. Kết quả là bạn đã góp phần gây nên tình trạng táo bón cho trẻ.
Đọc thêm: Tập cho trẻ dùng bô – Lấy trẻ làm trung tâm
Ăn uống không hợp lý
Khẩu phần ăn đa dạng, cân đối các thành phần dinh dưỡng là rất cần thiết. Trẻ ăn ít trái cây, rau củ và uống thiếu nước có thể dẫn đến tình trạng táo bón. Nếu trẻ chỉ bị táo bón nhẹ, việc bổ sung thêm chất xơ có thể giảm táo bón.
Thiếu vận động
Trẻ dành phần lớn thời gian xem tivi, chơi trò chơi điện tử sẽ không vận động đủ. Những trẻ này có nguy cơ bị táo bón cao hơn các trẻ khác. Việc tham gia các hoạt động vui chơi, chạy nhảy giúp thúc đẩy thức ăn di chuyển trong ruột.
Cách điều trị táo bón
Thụt tháo
Thụt tháo là phương pháp rất nhanh để giúp trẻ thoát phân ra, nhưng nó chỉ giải quyết tạm thời lượng phân ứ đọng tại một thời điểm. Trẻ sẽ rất nhanh bị táo bón trở lại nếu bạn không giải quyết các nguyên nhân. Bạn không nên lạm dụng phương pháp thụt tháo vì nó có thể làm mất phản xạ đi tiêu của trẻ.
Sử dụng thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng làm mềm phân, giúp trẻ dễ đi tiêu hơn. Việc sử dụng thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ, bạn không nên tự ý làm việc này. Một sai lầm mà bạn có thể mắc phải là ngưng thuốc ngay khi trẻ vừa hết táo bón. Thuốc cần được duy trì một thời gian, khoảng thời gian này chính là lúc để bạn tập cho trẻ những thói quen đi tiêu tốt hơn.
Chế độ ăn hợp lý
Thay đổi chế độ ăn có thể hiệu quả với táo bón nhẹ. Bạn nên tăng lượng chất xơ từng ít một. Nếu bạn tăng nhanh đột ngột có thể làm trẻ bị đau bụng, đầy hơi. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý trẻ có uống đủ nước hay không.
Xem thêm: Nhu cầu nước hàng ngày ở trẻ em.
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Bạn cần chú ý những dấu hiệu sau để đưa trẻ đến gặp bác sĩ:
- Trẻ bị táo bón nặng, kéo dài.
- Bạn thấy trẻ đi tiêu phân có máu.
- Trẻ không tăng cân, sụt cân.
- Bạn nhìn thấy khối ở bụng của trẻ.
Điều trị táo bón thành công đòi hỏi sự kiên trì, hợp tác của cha mẹ với bác sĩ. Hy vọng bài viết này đã giúp cho bạn có được những thông tin hữu ích trong hành trình cùng con vượt qua táo bón.
- https://www.uptodate.com/contents/constipation-in-infants-and-children-evaluation?search=constipation%20in%20children&source=search_result&selectedTitle=2~150&usage_type=default&display_rank=2#H3517558960
- https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/constipation-in-children
- https://www.nhs.uk/conditions/baby/health/constipation-in-children/
- https://www.verywellfamily.com/constipation-2632029
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3215436/