Tập luyện giấc ngủ cho con bằng phương pháp no cry

Hầu hết trẻ em sẽ thức giấc ban đêm và quấy khóc khiến các bậc cha mẹ rất vất vả và lo lắng. Bạn có đang trong tình trạng như vậy và mong muốn có một giải pháp để cải thiện giấc ngủ cho cả bạn và con? Hãy cùng tham khảo qua cách tập luyện giấc ngủ cho con bằng phương pháp No cry nhé!

Bài tổng hợp: Tập thói quen giấc ngủ cho con – Mách bạn các phương pháp.

Phương pháp no cry là gì

Phương pháp no cry được dịch đơn giản là “không để trẻ khóc”. Đây là một cách tập thói quen giấc ngủ cho con được giới thiệu bởi tác giả Elizabeth Pantley.

Phương pháp cho rằng giờ ngủ rất quan trọng với sự phát triển của trẻ nhỏ và là cơ hội để xây dựng tình cảm bền vững giữa cha mẹ và con. Do đó, trẻ không nên trải qua bất kỳ một trải nghiệm tiêu cực nào trong giấc ngủ. Để làm được như vậy cha mẹ nên tích cực vỗ về, âu yếm, cho con bú ngay khi trẻ khóc và giúp con mau chóng đi vào giấc ngủ trở lại.

Ý tưởng của phương pháp này là:

  • Nếu cha mẹ đáp ứng các nhu cầu của trẻ càng sớm càng tốt, trẻ sẽ có cảm nhận tích cực về cha mẹ.
  • Để trẻ khóc liên tục mà không nhận được sự an ủi có thể gây tác động tiêu cực lên tâm trí của trẻ và khiến con sợ hãi giờ đi ngủ.
  • Mục tiêu cuối cùng là sau giai đoạn hỗ trợ, trẻ có thể tự đi vào giấc ngủ mà không cần đến cha mẹ.
phương pháp no cry

Phương pháp No cry khuyến khích cha mẹ an ủi, vỗ về con ngay khi trẻ khóc.

Ưu và khuyết điểm

Hãy cùng điểm qua một số mặt khác nhau để bạn hiểu được phương pháp này có thực sự phù hợp với mình hay không.

Ưu điểm

  • Đây là một phương pháp nhẹ nhàng và không gây nhiều gánh nặng tâm lý cho các bậc phụ huynh.
  • Giúp con có được trải nghiệm tốt về giấc ngủ và cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ.
  • Thắt chặt mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ nhỏ.

Khuyết điểm

  • Bạn sẽ mất nhiều thời gian để chăm chú theo dõi con, đồng nghĩa bạn sẽ ngủ ít hơn.
  • Theo thời gian trẻ có thể rất phụ thuộc và bám lấy bạn.
  • Phải mất một thời gian dài để bạn thấy phương pháp này phát huy tác dụng.

Cách này có thực sự hiệu quả

Bạn cần biết không một phương pháp tập luyện giấc ngủ nào là phù hợp cho tất cả trẻ em. Thậm chí một trẻ cũng cần thử qua nhiều cách khác nhau.

So với phương pháp cry it out, no cry cần nhiều thời gian hơn để mang lại kết quả. Tuy nhiên, những người ủng hộ cách này cho rằng đây là khoảng thời gian ý nghĩa vì cha mẹ và trẻ ít chịu các áp lực tâm lý. Do đó, bạn cần tự quyết định phương pháp nào là phù hợp với gia đình mình.

  • Nếu bạn sẵn sàng hi sinh thời gian và giấc ngủ để con có thể cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ thì no cry là cách phù hợp với bạn.
  • Nếu bạn không muốn mất thời gian để chăm lo giấc ngủ cho con, hãy chọn cry it out. Tuy nhiên, cả bạn và trẻ có thể phải trải qua một số stress tâm lý.

Cách thực hiện

Bạn không yên tâm khi để con khóc và cảm thấy phương pháp no cry phù hợp với gia đình. Hãy thử qua các mẹo thực hiện sau nhé:

  • Bước 1: Cho trẻ ngủ các giấc ngắn vào ban ngày một cách đều đặn. Những giấc ngủ như vậy giúp trẻ ngon giấc hơn vào ban đêm.
  • Bước 2: Cho trẻ đi ngủ sớm, tránh để trẻ quá mệt vào buổi chiều tối. Khi trẻ hoạt động nhiều và quá mệt, chúng sẽ khó đi vào giấc ngủ. Trẻ ngủ sớm hơn sẽ có giấc ngủ ngon và ít bị gián đoạn hơn.
  • Bước 3: Thiết lập một thói quen giấc ngủ (bedtime routine) cho con. Bạn có thể làm bất kỳ điều gì để con dễ đi vào giấc ngủ. Ví dụ như tắm cho con, cho bú, hát ru, đọc sách, vỗ về; nhưng cần đảm bảo các kích thích này được lặp lại một cách đều đặn.
  • Bước 4: Tạo một môi trường thoải mái và an toàn để trẻ dễ đi vào giấc ngủ. Hãy chú ý đến “gu” giấc ngủ của con. Một số trẻ thích bóng tối và yên lặng, một số khác thích nghe các âm thanh nhẹ nhàng dễ chịu. Đặc biệt, trẻ nhỏ rất thích được quấn khăn xung quanh người khi ngủ.
  • Bước 5: Nếu trẻ khóc, hãy đến bên và xác định xem trẻ đang muốn gì. Sau đó mau chóng đáp ứng nhu cầu của trẻ. Bạn có thể bế trẻ lên, hát ru, vỗ về hoặc cho bú đến khi trẻ rơi vào giấc ngủ. Sẽ mất một thời gian để trẻ nhận ra đây là lúc để ngoan ngoãn ngủ một giấc dài.
  • Bước 6: Học cách phân biệt giữa tiếng khóc thật sự với các âm thanh do trẻ thức giấc thoáng qua. Hầu hết trẻ đều thức giấc vào ban đêm nhưng mau chóng ngủ lại sau đó nếu môi trường xung quanh không có sự thay đổi. Bạn chỉ nên chạy đến khi trẻ thật sự khóc và phát tín hiệu cần sự quan tâm của cha mẹ.

Phản biện đối với phương pháp no cry

Bác sĩ nhi khoa William Sears cùng Elizabeth Pantley (tác giả của The No-Cry Sleep Solution) tin rằng kỹ thuật no cry mang lại cho trẻ những trải nghiệm tích cực về giấc ngủ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ cry it out (cũng như hầu hết các bác sĩ nhi khoa) không đồng ý. Họ cho rằng việc trẻ nhỏ khóc một mình trong thời gian ngắn không gây tổn thương cho trẻ. Mọi thứ vẫn an toàn miễn là trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ, vui vẻ và năng động vào ban ngày. Họ nói rằng chiến lược no cry có thể khiến trẻ quá phụ thuộc vào sự an ủi của cha mẹ, khiến trẻ khó học cách tự đi vào giấc ngủ.

Đọc thêm: Tạo kích thích cho trẻ ngủ – Ưu điểm và bất lợi.