Tập thói quen giấc ngủ cho con – Mách bạn các phương pháp

Trung bình mỗi trẻ dành từ 9 đến 12 tiếng để ngủ. Giấc ngủ rất quan trọng với sự tăng trưởng và phát triển của con. Do đó, rất cần thiết để các bậc cha mẹ tập cho trẻ một thói quen giấc ngủ khoa học và hiệu quả.

Tập thói quen giấc ngủ cho con

Mục tiêu của việc tập thói quen giấc ngủ cho con là:

  • Giúp trẻ học cách tự đi vào giấc ngủ.
  • Trẻ có một giấc ngủ liên tục suốt đêm, ít bị ngắt quãng.
  • Nếu trẻ thức giấc, con có thể tự trấn an và đi vào giấc ngủ trở lại.
  • Thiết lập một “thời gian biểu giấc ngủ” cho con, cả giấc ngủ vào ban ngày và ban đêm.

Một thói quen ngủ khoa học và hiệu quả giúp trẻ có đủ năng lượng hoạt động vào ban ngày, tăng cường phát triển trí não và thể chất. Nhờ vậy, cha mẹ cũng bớt căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ (và cả cuộc sống) của mình.

Thời điểm bắt đầu

Trước 2 – 3 tháng, trẻ vẫn chưa hình thành đồng hồ sinh học. Đây là một yếu tố quan trọng để trẻ có thể thức-ngủ vào giờ cố định. Do đó, bạn không nên tập thói quen giấc ngủ cho con trước thời gian này.

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng 6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để tập thói quen giấc ngủ cho con. Ở lứa tuổi này, đồng hồ sinh học đã hình thành, ngoài ra trẻ đã có thể ngủ suốt đêm mà không thức giấc.

Tuy nhiên, thời điểm 6 tháng không hẳn đúng với tất cả trẻ em. Mỗi đứa trẻ là khác nhau, nhiều trẻ phải đợi đến 9 tháng mới có khả năng ngủ ngon suốt đêm.

Hãy chú ý đến giấc ngủ của con – Khi có thể ngủ suốt đêm, nghĩa là trẻ đã sẵn sàng để tập luyện thói quen ngủ.

Các mẹo cơ bản

Bất kể áp dụng phương pháp huấn luyện nào, các mẹo sau sẽ giúp ích cho bạn

  • Hãy tách biệt bạn và con. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo bạn không nên nằm chung giường với trẻ để đảm bảo an toàn giấc ngủ. Ngoài ra, sự tách biệt cũng giúp trẻ học được cách tự trấn an khi thức giấc.
  • Đặt con vào nôi khi trẻ còn tỉnh. Các nghiên cứu cho thấy nếu trẻ được đặt vào nôi rồi mới đi ngủ, chúng sẽ ít thức giấc và quấy khóc hơn.
  • Để trẻ có cơ hội tự trấn an. Bạn không nên vội đến bên khi nghe con khóc. Hầu hết trẻ sẽ thức giấc về đêm nhưng chúng sẽ ngủ lại. Do đó, hãy đợi vài phút và học cách phân biệt giữa tiếng khóc thoáng qua và tín hiệu thực sự cần cha mẹ hỗ trợ.
  • Hãy đều đặn và cố định. Cho ngủ vào giờ cố định và lặp lại đều đặn rất quan trọng để củng cố phản ứng giấc ngủ ở trẻ.
  • Cho con ngủ giấc ngắn ban ngày. Những giấc ngủ này giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ về đêm của trẻ. (Đọc thêm: Bé ngủ giấc ngắn ban ngày)

Các phương pháp

Hiện nay có nhiều cách để giúp con có một giấc ngủ ngon, nhưng không một cách nào là phù hợp với tất cả trẻ nhỏ. Sau đây là một số phương pháp bạn có thể tham khảo áp dụng.

Phương pháp cry it out

Đọc thêm: Tập cho con ngủ với phương pháp cry it out.

Hiểu đơn giản là “hãy để trẻ khóc”. Khi thực hiện phương pháp này, cha mẹ chỉ vỗ về con trong thời gian đầu và sau đó để trẻ tự mình đi vào giấc ngủ. Nếu trẻ quấy khóc, các phụ huynh được khuyến khích không phản ứng.

Điều này có nghĩa là bạn sẽ không chạy đến an ủi con, không vỗ về, không cho con bú. Mục tiêu cuối cùng là trẻ sẽ học được cách tự đặt mình vào giấc ngủ.

Nhiều người lo lắng trẻ có thể bị áp lực. Trẻ có thể nghĩ rằng không thể dựa vào cha mẹ lúc khó khăn. Do đó, gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ mẹ con.

Đổi lại, nhiều bậc cha mẹ nhận thấy phương pháp này thật phát huy hiệu quả nhanh chóng. Thông thường vào ngày thứ 7, trẻ sẽ tự đi vào giấc ngủ mà không cần cha mẹ ở bên.

Phương pháp Ferber

Phương pháp này khá giống với cry it out, nhưng diễn ra dần dần. Trong những đêm đầu, trẻ vẫn phải tự mình đi vào giấc ngủ. Nhưng nếu con khóc, bạn sẽ ngay lập tức đến bên an ủi. Dần dần, bạn tăng thời gian để trẻ khóc trước khi đến bên con, nhằm tạo cơ hội để trẻ học cách tự trấn an.

Phương pháp no tears

Đọc thêm: Tập cho trẻ ngủ với phương pháp no cry.

No tear được dịch một cách đơn giản là “không để trẻ khóc”. Phương pháp này hoàn toàn đối nghịch với cry it out. Cha mẹ được khuyến khích đến bên và an ủi con ngay khi trẻ khóc. Mục tiêu là trẻ sẽ học cách ngủ mà không phải khóc quá nhiều.

Những người ủng hộ phương pháp no tear cho rằng bạn không nên để trẻ khóc mà không được vỗ về. Về lâu dài, điều này có thể khiến trẻ căng thẳng và có cảm nhận không tốt về cha mẹ.

Phương pháp “phai mờ”

Nghe thật lạ phải không, sở dĩ gọi là phai mờ (Fading method) bởi vì cha mẹ sẽ biến mất dần khỏi tầm nhìn của trẻ.

Trong phương pháp này, bạn sẽ ngủ gần bên cạnh trẻ. Bạn có thể đặt nôi trẻ bên cạnh giường, đứng hoặc ngồi bên cạnh con cho đến khi chúng ngủ. Dần dần qua các đêm, bạn gia tăng khoảng cách với trẻ, nhưng vẫn đảm bảo trẻ có thể nhìn thấy bạn.

Ví dụ, ban đầu bạn ngồi ngay cạnh trẻ, sau vài đêm bạn ngồi cách nôi khoảng 1 mét và tiếp tục tăng dần. Cuối cùng trẻ có thể tự ngủ mà không cần đến sự hiện diện của bạn trong tầm mắt.

Các nhà khoa học nói gì

  • Một nghiên cứu vào năm 2012 phát hiện nồng độ cortisol (một hormone stress) tăng cao trong máu của trẻ sau khi ngưng khóc và đi vào giấc ngủ. Từ đó gợi ý tác động tiêu cực tiềm ẩn của phương pháp cry it out lên tâm lý của trẻ. Tuy nhiên, cỡ mẫu của nghiên cứu này là quá nhỏ (25 em bé).
  • Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) công bố một nghiên cứu cho thấy phương pháp cry it out không gây ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi và tâm thần của trẻ dưới 6 tuổi.
  • Một số nghiên cứu cho thấy phương pháp Ferber và Fading cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ của trẻ và cha mẹ. Hoàn toàn không ghi nhận bất kỳ tác động tiêu cực đến sức khoẻ tâm thần của trẻ sau 5 năm theo dõi.
  1. https://www.sleepfoundation.org/baby-sleep/sleep-training
  2. Improving infant sleep and maternal mental health: a cluster randomised trial – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17158146/
  3. Long-term mother and child mental health effects of a population-based infant sleep intervention: cluster-randomized, controlled trial – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18762495/
  4. Five-year follow-up of harms and benefits of behavioral infant sleep intervention: randomized trial – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22966034/