Tất cả những gì bạn cần biết khi vệ sinh bình sữa cho con
Trong sáu tháng đầu đời, sữa là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho trẻ. Tuy nhiên, nhiễm trùng khi bú sữa là nguyên nhân quan trọng khiến trẻ nhập viện, đặc biệt với bé bú bình. Vậy làm sao để vệ sinh bình sữa và các vật dụng khác đúng cách, cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Key takeaways
- Vệ sinh bàn tay và các vật dụng khi chuẩn bị sữa cho con rất quan trọng. Hầu hết nhiễm trùng ở trẻ nhỏ lây qua đường tiêu hoá.
- Nếu trẻ nhỏ hơn 3 tháng, suy giảm miễn dịch hoặc đang bị bệnh nặng, bạn cần khử khuẩn các vật dụng mỗi ngày.
- Nếu trẻ lớn và khoẻ mạnh, khử khuẩn hàng ngày là không cần thiết.
- Bạn có thể khử khuẩn bằng cách luộc đối với các sản phẩm không chứa BPA, sản phẩm thuỷ tinh hoặc tráng thuỷ tinh.
Vệ sinh bình sữa và các vật dụng khác
Bạn sẽ ngạc nhiên với số lượng vật dụng cần được vệ sinh sạch sẽ trước khi chuẩn bị sữa cho con đấy:
- Bình sữa, bao gồm phần thân, núm vú, nắp đậy, vòng xiết. Một số loại bình còn có màng, van và muỗng nhỏ.
- Lon sữa bột, nắp đậy, muỗng múc sữa.
- Máy hút sữa nếu bạn cho con dùng sữa mẹ.
- Rất nhiều các vật dụng bên lề như ly tách, muỗng, chậu rửa, nùi giẻ, que rửa, khăn lau.
- Cuối cùng và quan trọng nhất là đôi bàn tay của bạn.
- Đọc thêm: Cách chọn bình sữa cho trẻ sơ sinh.
Vệ sinh bình sữa bằng máy rửa
Việc đầu tiên là hãy đảm bảo máy rửa chén của bạn có chất lượng tốt và phù hợp để rửa các vật dụng dùng cho em bé. Sau đây là từng bước chi tiết:
- Tháo rời từng bộ phận (thân, nắp, núm vú, van, màng).
- Tráng sạch bằng cách để các bộ phận dưới dòng nước đang chảy mạnh, không ngâm rửa trong chậu. Nước có thể nóng hoặc lạnh.
- Đặt các bộ phận vào máy rửa, ưu tiên để ở vị trí cao nhất.
- Khởi động máy rửa, nếu có thể hãy dùng nước nóng hoặc chế độ khử khuẩn (sanitizing setting) để tiêu diệt nhiều vi khuẩn nhất có thể.
- Sau khi rửa xong, bạn lấy các vật dụng ra với bàn tay đã rửa sạch.
- Nếu các vật dụng chưa khô hãy để trên khăn giấy sạch và để thoáng gió, không dùng khăn lau khô, như vậy dễ làm dây nhiễm vi khuẩn.
Vệ sinh bình sữa bằng tay
Đầu tiên và quan trọng nhất là rửa tay với xà phòng trong vòng 20 giây, sau đây là từng bước chi tiết:
- Tháo rời từng bộ phận (thân, nắp, núm vú, van, màng).
- Tráng sạch bằng cách để các bộ phận dưới dòng nước đang chảy mạnh, không ngâm rửa trong chậu. Nước có thể nóng hoặc lạnh.
- Bạn cần một chậu rửa riêng để vệ sinh các vật dụng chuẩn bị sữa cho con. Không nên dùng chung với chậu rửa chén thông thường.
- Đổ đầy chậu với nước nóng pha xà phòng.
- Cọ rửa các bộ phận bằng dụng cụ dành riêng.
- Tráng lại bằng cách để các bộ phận dưới dòng nước chảy mạnh.
- Nếu các vật dụng chưa khô hãy để trên khăn giấy sạch và để thoáng gió, không dùng khăn lau khô, như vậy dễ làm dây nhiễm vi khuẩn.
Tôi có cần vệ sinh lon sữa bột không
Lon sữa cũng là vị trí có nhiều bàn tay chạm vào, tuy nhiên không có nghiên cứu cho thấy trẻ bị nhiễm khuẩn từ vỏ ngoài của lon sữa. Nếu bột sữa vẫn khô thì nguy cơ nhiễm khuẩn là thấp.
Bạn không nên rửa lon sữa bằng nước, thay vào đó hãy dùng giấy hoặc khăn khô để lau chùi bên ngoài. Bạn có thể xịt dung dịch khử khuẩn và đợi lon sữa khô rồi mới mở nắp sử dụng. Tuyệt đối không vệ sinh bên trong lon sữa.
Vệ sinh muỗng múc sữa
Việc quan trọng nhất là bạn cần dùng đúng loại muỗng đi kèm với lon sữa và không đặt muỗng ở nhiều vị trí khác nhau. Nếu muỗng vẫn khô thì nguy cơ nhiễm khuẩn là thấp. Chỉ vệ sinh nếu muỗng lấm bẩn, rơi xuống đất hoặc chạm vào vị trí không an toàn. Cách thức cũng giống như vệ sinh bình sữa.
Tôi có cần khử khuẩn các dụng cụ không
Các việc nêu trên chỉ là vệ sinh chùi rửa thông thường; vậy bạn có cần khử khuẩn không, bằng cách nào và tần suất ra sao?
Tần suất khử khuẩn phụ thuộc vào điều kiện nguồn nước và thói quen vệ sinh của các thành viên trong gia đình. Nếu nơi bạn sinh sống có nguồn nước không đảm bảo chất lượng, khử khuẩn là rất cần thiết.
Nếu trẻ dưới 3 tháng, sinh non, suy giảm miễn dịch hoặc đang bệnh nặng; khử khuẩn các dụng cụ hàng ngày là đặc biệt quan trọng. Ngược lại, việc này là không cần thiết đối với trẻ lớn và khoẻ mạnh; bạn chỉ cần rửa vệ sinh bình sữa sau mỗi lần dùng là đủ.
Cách khử khuẩn các dụng cụ:
- Có nhiều cách để khử khuẩn, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất để biết nên khử khuẩn như thế nào là phù hợp.
- Luộc. Bạn cho vật dụng vào nồi nước và luộc trong vòng 5 phút. Tuy nhiên không phải tất cả đều luộc được, đặc biệt với các vật dụng làm bằng nhựa. Bình sữa làm bằng thuỷ tinh hoặc có tráng lớp thuỷ tinh bên trong sẽ giúp bạn yên tâm hơn khi luộc.
- Hấp bằng lò vi sóng. Một số sản phẩm tuyệt đối không nên cho vào lò vi sóng, do đó hãy đọc và tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhé.
- Vệ sinh bằng hoá chất. Pha 2 muỗng hoá chất vào một lượng nước vừa đủ trong chậu, sau đó ngâm các bộ phận vào nước trong 2 phút. Làm sạch lại bằng cách chùi rửa , không tráng dưới dòng nước để tránh sót hoá chất bám trên dụng cụ
Sau khi khử khuẩn, hãy để dụng cụ khô một cách tự nhiên, không dùng khăn lau khô để giảm nguy cơ dây nhiễm vi khuẩn.
- https://www.cdc.gov/healthywater/hygiene/healthychildcare/infantfeeding/cleansanitize.html
- https://www.healthline.com/health/parenting/sterilize-baby-bottles
- https://www.nhs.uk/conditions/baby/breastfeeding-and-bottle-feeding/bottle-feeding/sterilising-baby-bottles/
- https://www.verywellfamily.com/how-to-sterilize-baby-bottles-nipples-and-more-290136