Tè dầm ở trẻ em – Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP)

Tè dầm là một vấn đề rất thường gặp ở trẻ em. Bài viết giới thiệu đến bạn những thông tin khoa học từ Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP). Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn sẽ có cái nhìn đúng về tè dầm và biết cách xử trí khi trẻ gặp vấn đề này.

Tè dầm rất phổ biến

Bạn có biết tại Hoa Kỳ có đến 5 triệu trẻ em tè dầm. Do đó, nếu con của bạn gặp vấn đề này, trẻ hoàn toàn không phải là một trường hợp cá biệt.

Phần lớn trẻ nhỏ học cách dùng bô hoặc toilet để đi vệ sinh vào năm 2 – 4 tuổi nhưng một số trẻ vẫn tè dầm dù đã lớn. Điều này là hoàn toàn bình thường, mỗi trẻ đều có tốc độ phát triển khác nhau.

Theo thống kê, có đến 20% trẻ 5 tuổi, 10% trẻ 7 tuổi và 5% trẻ 10 tuổi vẫn tè dầm.

Tại sao trẻ tè dầm

Đầu tiên, bạn cần biết việc đi tiểu do bàng quang phụ trách. Khi bàng quang đầy nước tiểu, nó sẽ phát tín hiệu đến não để điều khiển cơ thể đi vệ sinh. Nếu hoàn cảnh không phù hợp, não mách bảo cơ thể nhịn tiểu bằng cách co các cơ thắt ở cổ bàng quang, giữ nước tiểu ở bên trong. Như vậy, khả năng nhịn tiểu phụ thuộc vào hoạt động điều khiển của não bộ và sức mạnh của cơ thắt cổ bàng quang.

Những yếu tố sau đây có thể là nguyên nhân của tình trạng tè dầm:

  • Cơ thể trẻ tạo ra quá nhiều nước tiểu vào ban đêm.
  • Thể tích bàng quang của trẻ vẫn còn nhỏ, không đủ để chứa lượng nước tiểu.
  • Trẻ vẫn chưa học được cách nhịn và đi tè vào lúc thích hợp. Não của trẻ cần thời gian để điều khiển hoạt động các cơ thắt ở bàng quang.
  • Trẻ bị táo bón, điều này khiến trực tràng đầy lên và đè vào bàng quang. Áp lực bàng quang tăng lên khiến trẻ khó nhịn tiểu.
  • Giấc ngủ của trẻ quá sâu khiến con không thể thức dậy để đi tè (khi bàng quang phát tín hiệu nó đã đầy).
  • Trẻ thực sự đang bị một bệnh lý tiềm ẩn.

Bạn nên làm gì

Thực tế là việc tập đi toilet (dùng bô) không liên quan đến khả năng không tè dầm. Nhiều trẻ đã học được kỹ năng dùng bô vào ban ngày vẫn có thể làm ướt giường khi về đêm. Điều này là hoàn toàn bình thường.

Những lúc như vậy, bạn đơn giản chỉ cần mặc lại tã cho trẻ. Nhiều chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên tiếp tục mặc tã cho trẻ vào ban đêm trong 3 tháng đầu tập dùng bô. Hiện tượng tè dầm sẽ biến mất dần khi trẻ lớn lên.

Tuy nhiên, nếu trẻ đã đến tuổi đi học mà vẫn còn tè dầm, khả năng cao trẻ KHÔNG THỂ phát triển khả năng kiểm soát hoạt động bàng quang.

Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về vấn đề tè dầm của con hoặc trẻ có biểu hiện bệnh, hãy đưa con đến gặp bác sĩ. Bạn sẽ trả lời một số câu hỏi từ bác sĩ như:

  • Có bất thường trong cách trẻ đi tiểu?
  • Nước tiểu có gì lạ không?
  • Tiền sử trong gia đình có ai tè dầm ?
  • Trẻ thường đi tiểu vào điểm nào trong ngày, bao nhiêu lần một ngày?
  • Có những thay đổi nào trong gia đình của bạn hay không, ví dụ như chuyển nhà, cha mẹ ly dị, nhà có em bé mới?
  • Trẻ có uống nước ngọt có gas, nước trái cây, nước có chứa caffein trước khi đi ngủ?
tè dầm

Khi tè dầm trẻ cũng hoang mang và lo lắng, bạn hãy động viên và giải thích để con hiểu về vấn đề này

Dấu hiệu bệnh lý

Như bạn đã biết mỗi trẻ đều có một tốc độ phát triển khác nhau và nhiều trẻ vẫn còn tè dầm khi đã lớn. Do đó, rất khó để kết luận tình trạng tè dầm của trẻ có phải là bệnh lý hay không.Tuy nhiên, những dấu hiệu sau có thể gợi ý cho bạn.

  • Trẻ đã học được cách đi toilet (hoặc dùng bô) trong 6 tháng nhưng đột nhiên bắt đầu tè dầm trở lại.
  • Ghi nhận sự thay đổi trong số lần đi tiểu và lượng nước tiểu của trẻ.
  • Dòng nước tiểu yếu hoặc nhỏ giọt.
  • Nước tiểu đục hoặc có máu. Bạn cũng cần chú ý vị trí đáy quần của trẻ.
  • Tè dầm cả vào ban ngày và ban đêm.
  • Trẻ đột nhiên đi tiểu ngay sau một vận động mạnh như ho, hắt hơi, đứng dậy.
  • Trẻ không thể kiểm soát, không thể nhịn đi tiêu.

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Họ sẽ thực hiện các xét nghiệm để đánh giá chức năng thận và bàng quang. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ giới thiệu trẻ đến gặp chuyên gia thận học nhi khoa.

Một thái độ đúng

  • Không nên chọc ghẹo, làm trẻ xấu hổ. Đây thực sự không phải là lỗi của trẻ và con của bạn hoàn toàn không muốn như vậy. (Xem lại phần tại sao trẻ tè dầm).
  • Hãy an ủi con. Trẻ cũng thực sự rất hoang mang và lo lắng, do đó bạn nên an ủi và động viên con. Hãy cho con biết hầu hết trẻ em đều tè dầm và chuyện này sẽ hết khi trẻ lớn lên.
  • Bảo vệ giường và chăn gối. Bạn có thể dùng một miếng chống thấm lót bên dưới để phòng khi trẻ tè dầm.
  • Hãy để trẻ giúp bạn trong việc dọn dẹp khu vực bị ướt. Điều này giúp trẻ học được tinh thần trách nhiệm. Tuyệt đối không nên phạt trẻ bằng cách này.
  • Trước khi đi ngủ, hãy để trẻ đi vệ sinh và không cho trẻ uống nước quá nhiều.
  • Hãy khen ngợi và thưởng cho con nếu có một đêm trẻ không tè dầm.
  • Cuối cùng, bạn hãy học cách chú ý đến thói quen đi tiêu – đi tiểu vào ban ngày của trẻ. Những thông tin này rất hữu ích cho bác sĩ nếu tình trạng tè dầm của trẻ kéo dài.