Thuốc giảm nghẹt mũi cho trẻ em – Khuyến cáo từ WHO

Trong bệnh lý cảm lạnh triệu chứng ở mũi là nổi bật nhất. Trẻ thường sổ mũi, nghẹt mũi và hắt hơi. Vậy các bậc cha mẹ nên dùng thuốc giảm nghẹt mũi cho trẻ như thế nào? Liệu những loại thuốc này có hiệu quả và an toàn? Hãy cùng tìm hiểu xem WHO nói gì về vấn đề này nhé!

Các thuốc điều trị cảm lạnh

Các thuốc giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh rất đa dạng, bao gồm các nhóm thuốc sau:

  1. Giảm ho.
  2. Long đàm.
  3. Giảm triệu chứng mũi (nghẹt mũi, sổ mũi).
  4. Hạ sốt.

Vậy một thuốc điều trị cảm lạnh tốt cần có đặc điểm gì? Đây là những thuốc giúp giảm triệu chứng hiệu quả mà không gây tác dụng phụ đáng kể cho trẻ nhỏ. Đặc biệt, thuốc không nên làm che mờ triệu chứng dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Cơ chế tác động của thuốc giảm nghẹt mũi

Những loại thuốc này tác động lên thần kinh chi phối cho mạch máu ở niêm mạc mũi, khiến các mạch máu co lại. Sự co mạch giúp niêm mạc mũi giảm sung huyết, giảm tiết chất nhầy. Kết quả là trẻ giảm nghẹt mũi và chảy nước mũi.

Các thuốc giảm nghẹt mũi có thể dùng ở dạng viên uống, dạng xịt hoặc nhỏ giọt; một số loại dược chất phổ biến là:

  • Ephedrine.
  • Oxymetazoline.
  • Phenylephrine.
  • Phenylpropanolamine.

Thuốc giảm nghẹt mũi dạng xịt

Hiệu quả

Bạn cần biết rằng hiện không có nghiên cứu đối chứng (RCTs) đánh giá hiệu quả của các thuốc giảm nghẹt mũi ở trẻ em. Do đó, hiệu quả của thuốc được đánh giá chủ yếu trên đối tượng người lớn.

Một nghiên cứu với Oxymetazoline chỉ ra thuốc giúp giảm triệu chứng ở mũi. Trong khi đó, một nghiên cứu khác với tramazoline lại cho thấy thuốc không có hiệu quả. Như vậy, hiệu quả của các thuốc giảm triệu chứng mũi – đặc biệt là ở trẻ em – vẫn chưa rõ ràng.

Tác dụng phụ

Đây thực sự là một khía cạnh mà các bậc cha mẹ cần lưu ý.

Các thuốc giảm nghẹt mũi dạng xịt hoặc nhỏ giọt nếu dùng quá 2 – 3 ngày có thể gây phản ứng dội. Đây là hiện tượng sau khi dùng thuốc, niêm mạc mũi còn xung huyết và phù nề nhiều hơn so với trước khi dùng. Kết quả là tình trạng nghẹt mũi không được giải quyết mà còn nặng nề hơn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ sơ sinh do ở độ tuổi này trẻ chưa biết thở bằng miệng.

Ngoài ra, bạn rất khó kiểm soát liều lượng của thuốc xịt. Một nghiên cứu cho biết chỉ cần thay đổi tư thế bình xịt cũng dẫn đến thay đổi lớn về liều lượng thuốc. Các thuốc giảm triệu chứng mũi cũng gây nhiều tác dụng phụ đáng kể. Ví dụ, trẻ nếu dùng quá liều oxymetazoline có thể bị lừ đừ, kích thích, thậm chí co giật.

Khuyến cáo từ WHO

Do khó kiểm soát liều lượng và nguy cơ gây tác dụng phụ nghiêm trọng, WHO khuyến cáo không sử dụng thuốc giảm nghẹt mũi dạng xịt hoặc nhỏ giọt cho trẻ sơ sinh và nhũ nhi

Thuốc giảm nghẹt mũi dạng xịt và nhỏ giọt rất đa dạng, tuy nhiên hiệu quả không rõ ràng và có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng

Thuốc giảm nghẹt mũi dạng uống

Các nghiên cứu đã chứng minh thuốc giảm nghẹt mũi dạng uống thực sự có hiệu quả ở người lớn. Tuy nghiên ở trẻ em, hiệu quả của loại thuốc này vẫn chưa được chứng minh.

Tương tự như dạng xịt mũi, thuốc uống cũng gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Trẻ có thể bứt rứt quấy khóc, mất ngủ, ảo giác và co giật.

WHO khuyến cáo thuốc giảm nghẹt mũi dạng viên có thể dùng ngắn hạn cho người lớn. Tuy nhiên, do các quan ngại về tác dụng phụ và hiệu quả chưa được chứng minh, WHO không khuyến cáo dùng loại thuốc này ở trẻ em.

Thuốc kháng histamine

Về cơ chế và tác dụng phụ của thuốc, bạn có thể tham khảo ở bài viết: Điều trị cảm lạnh ở trẻ em – WHO nói gì.

Thuốc kháng histamine có hiệu quả cao trong giảm nghẹt mũi và sổ mũi do dị ứng. Vì vậy, giả thuyết đặt ra là loại thuốc này có thể làm giảm triệu chứng ở mũi khi trẻ bị cảm lạnh.

Bạn cần biết dị ứng và cảm lạnh đều gây sổ mũi và nghẹt mũi, nhưng theo cơ chế khác nhau. Do đó, kháng histamine thực sự có ích trong bệnh lý dị ứng nhưng hiệu quả của nó trong bệnh cảm lạnh vẫn chưa rõ ràng.

Hiện không có bằng chứng khẳng định hiệu quả của kháng histamine trong bệnh cảnh nhiễm trùng hô hấp trên cấp tính ở trẻ em. Do đó, sử dụng kháng histamine (đơn chất hay phối hợp) để điều trị loại bệnh lý này là không phù hợp.

World Health Organization. (‎2001)‎. Cough and cold remedies for the treatment of acute respiratory infections in young children. World Health Organization. https://apps.who.int/iris/handle/10665/66856