Thuốc ho cho trẻ em – Nên hay không nên

Ho rất thường gặp ở trẻ em, thống kê có ¾ trẻ từ 0 – 4 tuổi ho ít nhất một lần mỗi năm. Do đó, sử dụng thuốc ho cho trẻ cũng là vấn đề gần gũi và quan trọng đối với cha mẹ. Vậy bạn có biết sử dụng thuốc ho cho trẻ đúng cách và an toàn? Bài viết này sẽ giúp bạn có câu trả lời.

Key takeaways

  • Hầu hết các thuốc điều trị ho không kê đơn (OTC) mua được ở hiệu thuốc không giúp giảm ho hiệu quả.
  • Dextromethorphan, kháng histamine, codein có nhiều tác dụng phụ và nguy cơ gây nghiện nếu quá liều.
  • Nhìn chung, các thuốc ho có nguồn gốc thiên nhiên khá an toàn. Đặc biệt, mật ong, cao/dầu gió có hiệu quả giảm ho và an toàn khi dùng cho trẻ em.
  • FDA Hoa Kỳ khuyến cáo không dùng thuốc ho OTC cho trẻ dưới 2 tuổi.

Cha mẹ lo lắng điều gì

Ho vốn là một phản xạ có lợi giúp giữ cho đường dẫn khí sạch sẽ và thông suốt. Tuy nhiên, khi trẻ ho quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ vậy, trẻ ho còn khiến cha mẹ mất ngủ và lo lắng. Vậy cha mẹ nghĩ gì khi con của mình ho?

  • Trẻ có thể đang mắc một căn bệnh nguy hiểm, ví dụ như viêm phổi hoặc hen.
  • Trẻ sẽ bị nghẹt thở do đàm làm tắc đường dẫn khí.
  • Ho nhiều khiến lồng ngực bị tổn thương.
  • Trẻ có thể bị đột tử trong lúc ngủ (SIDS).
  • Với những lo lắng như vậy, cha mẹ sẽ mong muốn dùng thuốc để con mau hết ho.

Thuốc ho cho trẻ có những loại nào

3 nhóm thuốc điều trị ho

  1. Ức chế ho (antitussive).
  2. Kích thích, khiến ho hiệu quả hơn (protussive).
  3. Long đàm.

Bài viết này sẽ tập trung chủ yếu vào các thuốc có tác dụng ức chế ho. Hiện nay, thuốc ức chế ho có thể chia thành 2 loại: thuốc kê đơn và không kê đơn (OTC – bán rộng rãi ở các hiệu thuốc mà không cần bác sĩ kê đơn).

Thuốc ho không kê đơn (OTC)

Thuốc ho kê đơn

Bạn cũng cần biết các tên thuốc nêu trên chỉ là dược chất. Trên thực tế, các thuốc ho được bán thường bao gồm nhiều loại dược chất khác nhau. Ví dụ, thuốc Bé ho có thành phần:

  • Dextromethorphan hydrobromide – Thuốc ức chế ho.
  • Chlorpheniramine maleate – Thuốc kháng histamine.
  • Guaifenesin – Thuốc long đàm.

Thuốc ho có hiệu quả không

Các nghiên cứu khoa học cho biết, KHÔNG một loại thuốc nào (cả kê đơn và OTC) được chứng minh giúp giảm ho hiệu quả.

Bạn cần suy nghĩ theo cách của các nhà khoa học. Họ chỉ kết luận hiệu quả của một loại thuốc sau khi áp dụng trên số đông bệnh nhân, chứ không phải với một số cá nhân.

  • Dextromethorphan. Nhiều nghiên cứu chỉ ra loại thuốc này không giúp cải thiện mức độ ho và chất lượng giấc ngủ so với không dùng thuốc (giả dược).
  • Kháng histamine (diphenhydramine, chlorpheniramine). Cũng tương tự với dextromethorphan, các nghiên cứu cho thấy 2 loại thuốc này không giúp giảm ho so với không dùng thuốc (giả dược).
  • Thuốc ho thảo dược. Nhóm thuốc này có rất nhiều thương hiệu và làm từ các loại thực vật khác nhau. Tuy nhiên, các bằng chứng về tính hiệu quả của thuốc ho thảo dược vẫn còn thiếu.

Dextromethorphan dạng siro

thuốc ho cho trẻ

Thuốc Benadryl có chứa chất kháng histamine diphenhydramine

Tại sao tôi vẫn thấy thuốc hiệu quả

Đây thực sự là một câu hỏi khó trả lời. Thuốc có lẽ thực sự đã phát huy hiệu quả nhưng cũng có thể do hiệu ứng giả dược (placebo effect).

Hiệu ứng giả dược là khi bệnh nhân được dùng thuốc và cảm thấy hiệu quả, nhưng trên thực tế bệnh cải thiện không phải do thuốc.

Có thể lý giải hiệu ứng giả dược của các loại thuốc ho như sau:

  • Niềm tin của cha mẹ vào tác dụng của thuốc ho.
  • Bệnh cải thiện đúng theo diễn tiến tự nhiên, không phải do thuốc. Ví dụ, phần lớn trẻ ho do nhiễm virus sẽ hết ho trong vòng 10 ngày bất kể có dùng thuốc hay không.
  • Một số chất trong thuốc ho kích thích tiết nước bọt và chất nhầy ở đường dẫn khí làm dịu cảm giác khó chịu.

Thuốc ho cho trẻ có nguy hiểm không

Tác dụng phụ

Mỗi loại thuốc ho đều có tác dụng phụ khác nhau:

  • Dextromethorphan. Thuốc ức chế các thụ thể ho ở trung ương não. Với liều cao thuốc gây ảo giác, co giật, rối loạn vận động và hôn mê.
  • Kháng histamine. Thuốc giảm ho nhờ tác dụng giảm tiết chất nhầy, giảm co thắt cơ và an thần. Thuốc gây các tác dụng phụ như ảo giác, mất ngủ, co giật, kích động.
  • Codein. Khi vào cơ thể codein được chuyển hoá thành morphine. Ở một số người mức độ chuyển hoá này cao làm tăng nồng độ morphine trong máu. Hai tác dụng phụ lớn nhất của codein là gây suy hô hấp và khiến bệnh nhân nghiện thuốc.

FDA Hoa Kỳ khuyến cáo không dùng codein cho trẻ dưới 12 tuổi, trẻ bị ngưng thở khi ngủ, béo phì hoặc rối loạn chức năng hô hấp.

Nguy cơ gây nghiện

Các thuốc tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương như dextromethorphan, codein, promethazine có nguy cơ khiến bệnh nhân nghiện thuốc.

Những thuốc có mức độ gây nghiện thấp là diphenhydramine, chlorpheniramine, corticoid, thuốc ho thảo dược và mật ong.

Bạn có nên quá lo lắng

Câu trả lời là không. Với các tác dụng phụ và khả năng gây nghiện nêu trên bạn có thể lo lắng về việc dùng thuốc ho cho con. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ này rất thấp, tỷ lệ tử vong do thuốc là 0.6%. Đặc biệt, phần lớn trường hợp tác dụng phụ là do cha mẹ không giám sát con khiến trẻ dùng thuốc quá liều và ngộ độc .

Giảm ho bằng mật ong

Mật ong khá hiệu quả và an toàn cho trẻ bị ho, tuy nhiên không nên dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi

Thuốc ho nào là an toàn và hiệu quả

Thật ngạc nhiên, theo các bằng chứng khoa học thì cao (dầu gió) và mật ong là những cách điều trị ho hiệu quả và an toàn. Nhìn chung các loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên như thuốc ho thảo dược, cao/dầu gió, mật ong khá an toàn, ít tác dụng phụ và không gây nghiện.

Cao/dầu gió

Một nghiên cứu chỉ ra trẻ em dùng cao (vapor rubs) giúp giảm ho và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Loại thuốc này cũng có khá an toàn và ít gây nghiện. Tuy nhiên, trẻ có thể ngộ độc nếu ăn phải thuốc nên bạn cần cất giữ thuốc cẩn thận.

Mật ong

Mật ong giảm ho thông qua tác dụng kháng vi khuẩn, kháng virus và kháng viêm. Một nghiên cứu năm 2018 đã so sánh mật ong với các thuốc ho khác và giả dược. Kết quả cho thấy:

  • Mật ong giúp giảm ho tốt hơn so với không dùng thuốc.
  • Hiệu quả hơn diphenhydramine, ngang bằng với dextromethorphan.

Tuy nhiên, chất lượng của các bằng chứng khoa học còn thấp nên không có thể khuyến cáo hay bác bỏ việc sử dụng mật ong. Mật ong khá an toàn và không gây nghiện.

Bạn KHÔNG nên dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi do nguy cơ ngộ độc botulinum.

Bạn nên làm gì

Hiểu về ho

Ho là một phản xạ có lợi để loại bỏ các chất gây hại và giữ cho đường dẫn khí được sạch sẽ, thông suốt. Phần lớn trẻ ho do nhiễm virus và thường khỏi trong vòng 10 ngày. Không chỉ vậy, những nguyên nhân nguy hiểm gây ho chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Do đó, bạn chỉ nên sử dụng thuốc ho cho con khi ho nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt ban ngày và giấc ngủ của con.

Đọc thêm: Tiếng ho của trẻ có ý nghĩa gì.

Giới hạn tuổi đối với các thuốc ho

  • FDA Hoa Kỳ khuyến cáo KHÔNG sử dụng thuốc điều trị ho và cảm lạnh dạng không kê đơn (OTC) cho trẻ dưới 2 tuổi.
  • KHÔNG sử dụng thuốc ho có chứa codein cho trẻ dưới 12 tuổi.
  • KHÔNG sử dụng mật ong để điều trị ho cho trẻ dưới 1 tuổi do nguy cơ ngộ độc botulinum.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thành phần thuốc

Đây là việc bạn nên làm thay vì chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của dược sĩ bán thuốc. Các loại thuốc điều trị ho phổ biến như dextromethorphan, kháng histamine, codein gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nếu quá liều.

Không chỉ vậy, những dược chất này còn có trong nhiều loại thuốc khác nhau. Điều này làm gia tăng nguy cơ quá liều dù bạn đã tuân thủ theo hướng dẫn của dược sĩ. Do đó, bạn nên lưu ý một số điều sau khi sử dụng thuốc ho cho con:

  • Đảm bảo liều lượng thuốc phù hợp với lứa tuổi và cân nặng của trẻ.
  • Không dùng các thuốc có chung thành phần để tránh quá liều.
  • Sử dụng thuốc ho chỉ trong một thời gian ngắn.

Ưu tiên sử dụng những phương pháp an toàn

Khi con bị ốm bạn nên áp dụng những phương pháp an toàn như:

  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ nước và dinh dưỡng.
  • Dùng thuốc hạ sốt đúng cách.
  • Các thuốc ho có nguồn gốc thảo dược, cao/dầu gió và mật ong là những phương pháp giúp giảm ho an toàn và hiệu quả. Hãy ưu tiên sử dụng những cách này.
  • Kiên nhẫn chờ đợi bệnh thuyên giảm cũng là một phần của quá trình điều trị.
  1. Lam, S., Homme, J., Avarello, J., Heins, A., Pauze, D., Mace, S., Dietrich, A., Stoner, M., Chumpitazi, C. E., & Saidinejad, M. (2021). Use of antitussive medications in acute cough in young children. Journal of the American College of Emergency Physicians open2(3), e12467. https://doi.org/10.1002/emp2.12467.
  2. Worrall G. (2011). Acute cough in children. Canadian Family Physician57(3), 315–318. – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3056681/
  3. Chang AB, Landau LI, Van Asperen PP, Glasgow NJ, Robertson CF, Marchant JM, Mellis CM; Thoracic Society of Australia and New Zealand. Cough in children: definitions and clinical evaluation. Med J Aust. 2006 Apr 17;184(8):398-403. doi: 10.5694/j.1326-5377.2006.tb00290.x. PMID: 16618239. – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16618239/