Thuốc nhuận tràng cho bé – Sử dụng sao cho đúng cách
Táo bón rất phổ biến ở trẻ em và thường kéo dài khó điều trị. Thuốc nhuận tràng là cách điều trị thường gặp nhất, tuy nhiên, sẽ có một số khó khăn khi bạn cho bé dùng thuốc. Sau đây là một số tình huống thường gặp:
- Bé uống thuốc duphalac kéo dài nhưng táo bón không khỏi.
- Bác sĩ kê thuốc bơm hậu môn (ví dụ: rectiofar) và bạn lo lắng về tác dụng phụ của loại thuốc này.
- Bé uống thuốc nhuận tràng đi tiêu được nhưng sau đó bị đau bụng, tiêu chảy.
- Bạn ngừng cho con uống thuốc và bé bắt đầu táo bón trở lại.
Vậy cha mẹ cần sử dụng thuốc nhuận tràng cho bé như thế nào để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao?
Thuốc nhuận tràng tác động như thế nào
Có thể chia thành các nhóm tác động chính sau.
Tăng áp suất thẩm thấu
Thuốc hút nước vào lòng ruột và làm cho phân mềm hơn. Do đó giúp phân dễ lưu chuyển trong ruột già và thải ra ngoài. Các thuốc thuộc nhóm này là:
- Lactulose (Duphalac).
- PolyEtylenGlycol 3350 – PEG (Marcogol 3350, PEGinpol).
- Sữa magie.
- Dầu khoáng.
Kích thích làm tăng hoạt động ruột
- Senna, bisacodyl: thuốc chiết xuất từ thảo dược kích thích thần kinh làm tăng nhu động ruột.
Thuốc bơm hậu môn
- Các thuốc bơm hậu môn cũng làm tăng áp suất thẩm thấu trong lòng ruột giúp phân dễ thoát ra ngoài.
Bài viết này tập trung vào các thuốc: Lactulose, PEG và thuốc bơm hậu môn, vì chúng được sử dụng phổ biến nhất.
Quá trình điều trị táo bón
Nếu con bạn bị táo bón kéo dài, quá trình điều trị sẽ có gồm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn tháo phân: bác sĩ sẽ kê thuốc để giúp trẻ đi tiêu được. Mục tiêu của giai đoạn này là nhanh chóng tống xuất khối phân lớn và cứng ra ngoài.
- Giai đoạn duy trì: trẻ uống thuốc để duy trì phân mềm dễ đi tiêu trong một thời gian. Phối hợp song song là thay đổi lối sống.
- Khi trẻ đã đi tiêu phân mềm thường xuyên và thay đổi lối sống thành công, liều thuốc nhuận tràng sẽ giảm dần và ngưng.
- Đọc thêm: Trẻ bị táo bón phải làm sao – Hiểu đúng về cách điều trị.
Mỗi giai đoạn có cách dùng thuốc khác nhau. Sau đây là cách dùng thuốc theo Hiệp hội Tiêu hoá – Gan mật – Dinh dưỡng Nhi khoa Bắc Mỹ (NASPGHAN)(1):
- Giai đoạn tháo phân: Thuốc ưu tiên dùng hàng đầu là PEG (PolyEtylenGlycol 3350). Nếu không có PEG, có thể thay thế bằng thuốc bơm hậu môn.
- Giai đoạn duy trì: Thuốc ưu tiên dùng hàng đầu là PEG. Nếu không có PEG, có thể thay thế bằng lactulose.
Không khuyến cáo dùng thêm thuốc bơm hậu môn trong giai đoạn duy trì.
Lưu ý, hiện nay thuốc nhuận tràng phổ biến trên thị trường là lactulose (duphalac) chứ không phải là PEG. Vì vậy, bạn sẽ thấy bác sĩ thường kê lactulose cho con.
Điều trị trong vòng bao lâu
Giai đoạn tháo phân sẽ kéo dài trong 3 đến 6 ngày (với cả thuốc uống và bơm hậu môn).
Giai đoạn duy trì thường kéo dài khoảng 2 tháng. Trong đó trẻ phải đi tiêu phân mềm ít nhất 1 tháng trước khi ngưng thuốc. Thuốc nhuận tràng sẽ được giảm liều dần và ngưng chứ không ngưng đột ngột.
Mục tiêu điều trị lý tưởng là trẻ đi tiêu 1 lần/ngày và KHÔNG có 2 ngày liên tiếp không đi tiêu (2).
Những sai lầm trong điều trị táo bón
Khi chăm sóc trẻ táo bón kéo dài, cha mẹ thường mắc các sai lầm sau:
- Trông mong con mau đi tiêu lại bình thường. Các thuốc nhuận tràng cần ít nhất 48 giờ để phát huy tác dụng. Hơn nữa, giai đoạn tháo phân có thể kéo dài đến 6 ngày. Toàn bộ quá trình điều trị có thể kéo dài đến nhiều tháng hoặc nhiều năm.
- Chỉ chú ý đến việc dùng thuốc. Chỉ dùng thuốc là không đủ, bạn cần thay đổi lối sống của con. Bao gồm thay đổi thói quen đi tiêu, tập đi bô, chế độ giàu chất xơ và giảm các stress tâm lý.
- Bỏ quên yếu tố tâm lý. Một số yếu tố khiến trẻ ngại đi tiêu dẫn đến thói quen nín giữ phân. Thói quen này gây táo bón kéo dài và không cải thiện sau dùng thuốc. Do đó, hãy tâm sự với con để xem con đang gặp khó khăn gì. (Đọc thêm: Tại sao trẻ bị táo bón – bạn đã hiểu đúng chưa).
- Ngừng thuốc nhuận tràng quá sớm. Nếu bạn ngừng cho trẻ uống thuốc quá sớm, táo bón sẽ tái phát. Trẻ cần thời gian để khôi phục hoạt động của ruột và thay đổi lối sống.
- Lạm dụng thuốc bơm hậu môn. Việc dùng thuốc có thể khiến trẻ đau và hoảng sợ, làm trẻ nhịn đi tiêu nhiều hơn. Ngoài ra, lạm dụng thuốc bơm hậu môn có thể làm mất phản xạ đi tiêu của con.
Hỏi đáp về dùng thuốc nhuận tràng cho bé
Phần hỏi đáp dưới đây có thể dùng cho cho cả hai loại thuốc Lactulose và PEG (1) (3) (4)
Lactulose khi vào đường ruột sẽ được vi khuẩn chuyển hoá, làm tăng áp suất thẩm thấu trong lòng ruột. Kéo nước vào phân, làm phân mềm hơn và dễ tống xuất ra ngoài.
PEG cũng hút nước vào đường ruột, nhưng thuốc không được vi khuẩn chuyển hoá.
Cả lactulose và PEG đều khiến trẻ tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi và chướng bụng.
Theo các nghiên cứu, PEG ít gây tác dụng phụ và hiệu quả hơn lactulose.
Thuốc có thể dùng an toàn cho hầu hết các lứa tuổi. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu dùng cho trẻ dưới 14 tuổi.
Nếu dùng liều cao kéo dài có thể khiến trẻ tiêu chảy. Tiêu chảy quá nặng gây mất nước và điện giải. Tuy nhiên, hiện các nghiên cứu cho thấy thuốc tương đối an toàn khi dùng kéo dài.
Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn kỹ hơn, thông thường sẽ có 3 vấn đề cần quan tâm:
- Có bệnh lý khiến trẻ táo bón. Ví dụ các bệnh gây bất thường hệ tiêu hoá hoặc thần kinh sẽ khiến trẻ táo bón không cải thiện sau dùng thuốc. Tìm hiểu thêm về các dấu hiệu nguy hiểm tại đây.
- Liều thuốc không đủ. Có trẻ cần dùng liều cao nhưng cũng có trẻ chỉ cần liều thấp là đi tiêu được. Bác sĩ sẽ quyết định liều dùng cho con.
- Trẻ ngại đi tiêu. Bác sĩ và gia đình sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân là gì và giải quyết.
Theo khuyến cáo của NASPGHAN, bạn chỉ nên dùng thuốc bơm hậu môn trong giai đoạn điều trị tháo phân. KHÔNG dùng thêm thuốc bơm hậu môn trong giai đoạn duy trì (Xem phần: quá trình điều trị táo bón ở trên).
Thuốc chỉ có tác dụng kéo nước vào lòng ruột mà không ảnh hưởng đến hệ thần kinh nên sẽ không gây nghiện.
- https://www.naspghan.org/files/documents/pdfs/position-papers/Constipation_Feb_2014.pdf
- https://www.uptodate.com/contents/chronic-functional-constipation-and-fecal-incontinence-in-infants-children-and-adolescents-treatment?source=history_widget#H10191134
- https://www.nhs.uk/medicines/lactulose/#:~:text=Babies%20and%20children%20can%20take,t%20suitable%20for%20some%20people.
- http://naspghn.informz.net/NASPGHN/data/images/PEG%203350%20FAQ.pdf
- https://patient.info/medicine/lactulose-for-constipation-duphalac