Tiếng ho của trẻ có ý nghĩa gì
Con của bạn ho khan, ho có đàm hoặc kèm khò khè. Bạn thắc mắc không biết tiếng ho của trẻ như vậy có ý nghĩa gì? Liệu việc nhận biết các kiểu ho có hữu ích không? Bài viết sau sẽ giúp bạn có câu trả lời.
Đọc thêm: Thuốc ho cho trẻ em – Nên hay không nên.
Nhận biết các tiếng ho của trẻ
Bất kể trẻ ho kiểu gì cũng đều có thể khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm vì hầu hết nguyên nhân gây ho ở trẻ nhỏ là do nhiễm virus. Các bệnh này thường lành tính và tự khỏi mà không cần điều trị gì thêm.
Bài viết đề cập đến những kiểu tiếng ho ở trẻ em cùng nguyên nhân gợi ý. Đây là những trường hợp gần gũi và thiết thực đối với cha mẹ.
Ho khan
Ho khan là khi tiếng ho nghe khô, không kèm theo đàm. Nguyên nhân gây ho khan rất đa dạng.
Ho khan kèm đau họng
Nếu con chỉ ho khan và đau họng, nguyên nhân có thể do các tác nhân từ bên ngoài khiến họng bị khô và kích ứng. Ví dụ trẻ ho khan và đau họng khi nằm máy lạnh quá nhiều, tiếp xúc với không khí khô vào mùa đông hoặc hít phải khói thuốc lá.
Ho khan kèm triệu chứng cảm cúm
Ngoài ho trẻ còn các triệu chứng như sốt, đau họng, đau nhức cơ, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, chảy mũi. Khả năng cao trẻ đang bị cúm – một bệnh lý phổ biến gây nên bởi virus.
Ho khan kèm sốt, mệt mỏi, khó thở, mất vị/khứu giác
Đây là những dấu hiệu cảnh báo nhiễm COVID – 19. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng gặp trong các bệnh nhiễm trùng hô hấp trên. Hãy liên hệ với cơ sở y tế để đảm bảo có xét nghiệm chẩn đoán COVID – 19 chính xác nhất.
Ho khan kèm nôn hoặc trào ngược
Trào ngược là một vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi do hệ tiêu hoá vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Hiện tượng này có thể nặng lên khiến trẻ ho khan hoặc thậm chí là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Ho có đàm
Đây là khi tiếng ho của trẻ nghe có vẻ “ẩm ướt”, cảm giác như có khối đàm di chuyển trong họng khi ho. Đàm có thể chảy xuống từ phía trên như trong bệnh viêm xoang, chảy mũi. Hoặc có thể được đẩy từ dưới lên như trong bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
Một điểm bạn cần lưu ý là ho đàm không phải là dấu hiệu giúp bạn phân biệt giữa nhiễm virus và vi khuẩn. Ngoài ra, ho đàm thường kéo dài và sẽ hết sau 2 đến 4 tuần.
Ho kèm khò khè
Viêm tiểu phế quản
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ ho kèm khò khè là viêm tiểu phế quản. Đây là một bệnh lý gây nên bởi virus RSV, thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi.
Trẻ bị viêm tiểu phế quản còn có các triệu chứng khác như thở nhanh, thở mệt, sốt, chảy mũi, nôn ói. Bệnh viêm tiểu phế quản thường tự thuyên giảm và chỉ cần đến một số điều trị hỗ trợ khác.
Hen (suyễn)
Hen là nguyên nhân thứ hai khiến trẻ ho kèm khò khè. Hiểu một cách đơn giản, đây là bệnh lý khiến đường dẫn khí của trẻ co thắt, giảm đường kính. Điều này làm trẻ ho, khó thở và khò khè
Dị ứng – phản vệ
Cuối cùng, khò khè cũng gặp trong các trường hợp dị ứng hoặc phản vệ. Các dị ứng nguyên từ môi trường bên ngoài kích thích hệ miễn dịch hoạt động gây nhiều triệu chứng. Ví dụ, ngoài ho và khò khè trẻ còn bị nổi mề đay, đỏ/chảy nước mắt, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, khó thở.
Hãy xem qua bài: Xử trí phản vệ ở trẻ em để học cách nhận biết sớm và sơ cứu khi trẻ bị dị ứng – phản vệ nhé.
Ho ông ổng
Nếu trẻ ho nghe thô ráp và to vang như tiếng chó sủa, khả năng cao trẻ đang bị viêm thanh khí phế quản cấp (bệnh croup). Đây là bệnh gây nên bởi virus, chúng khiến dây thanh âm ở họng viêm và sưng lên. Do đó, trẻ có tiếng ho nghe vang ông ổng.
Bệnh viêm thanh khí phế quản thường nặng lên về đêm, đi kèm các triệu chứng như thở rít (tiếng thở có âm sắc cao), khàn tiếng, khó thở, sốt, chảy mũi. Nếu bạn lo lắng hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Ho gà
Bệnh ho gà gây nên bởi vi khuẩn Bordetella pertussis. Căn bệnh này có tiếng ho đặc trưng:
- Trẻ ho thành cơn, rũ rượi, mỗi cơn có 15 – 20 tiếng ho liên tiếp. Càng về sau tiếng ho càng yếu dần.
- Ho nhiều khiến trẻ ngừng thở dẫn đến giảm oxy máu và tím tái. Trẻ ho nhiều và mạnh đến nổi đỏ mặt, tĩnh cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
- Cơn ho khởi đầu bằng tiếng rít lúc hít vào, nghe như tiếng gà kêu.
Đây là một căn bệnh nguy hiểm, nếu trẻ có triệu chứng đúng với mô tả ở trên hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
Ho gà có thể phòng tránh được bằng vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván, do đó bạn nên chú ý cho con tiêm phòng đầy đủ.
Ho kèm thở nhanh, thở mệt
Viêm tiểu phế quản và viêm phổi là hai nguyên nhân khiến trẻ vừa ho vừa thở nhanh. Trẻ có dấu hiệu phải cố gắng để hít thở như co kéo cơ hô hấp, rút lõm lồng ngực.
Trong những trường hợp nặng, trẻ bị suy hô hấp, tím tái, giảm oxy máu. Do đó, nếu bạn nghi ngờ trẻ bị viêm phổi hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
Lời kết
Vậy là chúng ta đã điểm qua những nguyên nhân tương ứng với từng tiếng ho của trẻ. Bài viết không thể đề cập đến tất cả các nguyên nhân nhưng đây là những tình huống thường gặp và gần gũi với cha mẹ. Hy vọng việc hiểu các kiểu ho có ý nghĩa gì sẽ giúp bạn yên tâm hơn khi chăm sóc con bị ho. Không chỉ vậy, nó còn giúp bạn nhận biết sớm các trường hợp nguy hiểm để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
- https://www.whattoexpect.com/first-year/health-and-safety/baby-toddler-cough-symptoms/
- https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/cough-0-12-months/
- https://blogs.rch.org.au/drmargie/2015/06/16/how-to-recognise-the-different-types-of-cough-in-children/
- https://www.chla.org/blog/health-and-safety-tips/decoding-your-babys-cough