Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em – bình thường hay bất thường

Bạn có biết không, bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng gặp ở trẻ em đấy. Bên cạnh ọc ói sau ăn bú, trào ngược còn gây nhiều vấn đề sức khoẻ khác cho bé. Cùng tìm hiểu thêm về căn bệnh tưởng lạ mà quen này để chăm sóc con tốt hơn nhé.

Key takeaways

  • Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em thường xuất hiện lúc 2 tháng tuổi, giảm dần sau 6 tháng và chấm dứt lúc 12 – 18 tháng tuổi.
  • Trào ngược rất phổ biến ở trẻ dưới 1 tuổi và không gây hại cho trẻ.
  • Nôn trớ là một trong số các biểu hiện của trào ngược.
  • Đôi khi trào ngược ảnh hưởng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ, gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là gì

Bình thường, thức ăn đi từ miệng, thực quản vào dạ dày và cuối cùng xuống ruột non. Điểm phân cách giữa thực quản và dạ dày là cơ thắt tâm vị, đóng vai trò như một cánh cửa ngăn thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản.

Tuy nhiên, dịch dạ dày vẫn có thể vượt qua cánh cửa và đi vào thực quản. Trên thực tế, trào ngược rất phổ biến ở trẻ nhỏ; ước tính có gần 50% trẻ dưới một tuổi ghi nhận hiện tượng này (1).

Bạn có thể yên tâm vì dòng trào ngược dạ dày thực quản thường không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ. Trào ngược sẽ giảm dần và chấm dứt khi bé được 12 đến 18 tháng tuổi (2).

Cùng tìm hiểu một số thuật ngữ nhé (3)

  • Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em (GER – Gastroesophageal reflux): dịch dạ dày trào ngược vào thực quản, thường gặp và không gây hại ở trẻ nhỏ.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD – Gastroesophageal reflux disease): dòng trào ngược quá nhiều, diễn ra thường xuyên ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ.
  • Nôn trớ, ọc (regurgitation): trẻ ọc thức ăn hoặc sữa sau buổi ăn, thường nhẹ và không gây hại, nôn trớ là một trong số các biểu hiện của GER.
  • Nôn ói (vomiting): trẻ nôn mạnh thức ăn ra ngoài, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bé.

Tại sao bạn cần quan tâm

Như bạn có thể thấy, trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em có hai mức độ, lành tính và bệnh lý.

Trong phần lớn trường hợp lành tính, trẻ bị trào ngược sẽ có biểu hiện:

Các biểu hiện trên thường chỉ thoáng qua; tuy trông đáng lo nhưng không thực sự ảnh hưởng xấu đến ăn uống, giấc ngủ và tăng trưởng thể chất của bé.

Ngược lại, trào ngược quá thường xuyên có thể gây hại cho con, khi đó chúng ta gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Triệu chứng của bệnh thay đổi tuỳ thuộc vào độ tuổi (4) (5).

Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi:

  • Ọc ói sau ăn nhiều khiến trẻ khó nuôi, chậm tăng cân.
  • Dòng trào ngược khiến trẻ quấy khóc, khó chịu.
  • Trẻ cong lưng, vặn xoắn người quá thường xuyên dễ bị lầm tưởng là đang co giật.
  • Dòng trào ngược gây viêm thực quản, viêm phổi, khò khè tái phát nhiều lần.

Ở trẻ lớn, triệu chứng khá giống với người lớn:

  • Đau, bỏng rát ở ngực bụng.
  • Ợ hơi, ợ chua.
  • Cảm giác có dòng trào ngược từ bụng lên ngực.

Đọc thêm: Vỗ lưng ợ hơi cho trẻ – Chi tiết từng bước cho mẹ.

Như vậy, bạn có thể thấy trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là nguyên nhân cho nhiều lo lắng của cha mẹ như:

  • Con tôi thường hay ọc ói sau ăn
  • Bé khó nuôi, chậm tăng cân.
  • Bé bị khò khè, viêm phổi phải nhập viện nhiều lần.
  • Hoặc đơn giản hơn là trẻ quấy khóc nhiều, ngủ không ngon giấc.

Bệnh có cần điều trị không

Dòng trào ngược là hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng đến một mức độ cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ.

Và điểm quan trọng nhất mà cha mẹ cần biết về trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là:

  • Nếu chỉ là trào ngược đơn thuần thì không cần điều trị, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn cách chăm sóc con để giảm trào ngược.
  • Nếu trào ngược ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của con, bên cạnh những thay đổi trong cách chăm sóc, trẻ đôi khi sẽ cần dùng thuốc.

Đọc thêm: Điều trị trào ngược cho trẻ – Hỏi đáp ngắn.

  1. Gastroesophageal Reflux: Management Guidance for the Pediatrician – https://publications.aap.org/pediatrics/article/131/5/e1684/31266/Gastroesophageal-Reflux-Management-Guidance-for
  2. Prevalence and natural history of gastroesophageal reflux: pediatric prospective survey – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19255002/
  3. Pediatric Gastroesophageal Reflux Clinical Practice Guidelines: Joint Recommendations of the North American Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition (NASPGHAN) and the European Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition (ESPGHAN) – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5958910/
  4. Functional gastro-intestinal disorder algorithms focus on early recognition, parental reassurance and nutritional strategies – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26584953/
  5. Gastroesophageal reflux in infants – https://www.uptodate.com/contents/gastroesophageal-reflux-in-infants?search=gerd&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1