Trẻ 1 tháng tuổi – Một cái nhìn tổng quan

Bài viết giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về chăm sóc trẻ sơ sinh từ 1 tuần đến 1 tháng tuổi. Đây là một hành trình dài đối với cả bạn và con, cả gia đình sẽ cùng trải qua nhiều thay đổi và học hỏi những điều mới.

Phát triển ở trẻ 1 tháng tuổi

Cân nặng và chiều cao

Trẻ sẽ có hiện tượng sụt cân sinh lý vào ngày 4 – 5 sau sinh. Tuy nhiên, trẻ sẽ lấy lại cân nặng ban đầu vào ngày thứ 10 và tiếp tục tăng cân rất nhanh sau đó.

Trẻ phát triển với mức tăng 20–30 gram mỗi tuần và tăng thêm 4,5-5 cm vào cuối tháng đầu tiên.

Khi trẻ được 1 tháng tuổi, bạn nên đưa con đi khám để đánh giá mức độ tăng trưởng. Các bác sĩ sẽ đo chiều dài – cân nặng và so sánh với đường cong tăng trưởng chuẩn. Việc này giúp xác định tốc độ tăng trưởng của trẻ có phù hợp hay không.

Trẻ 1 tháng tuổi có thể làm gì

Khi trẻ càng lớn, sức cơ ở cổ và thân mình sẽ tăng lên. Nhờ vậy, trẻ học được cách kiểm soát đầu và cổ tốt hơn. Trẻ từ 2 – 3 tuần có thể ngóc đầu dậy một vài giây, thậm chí có thể xoay đầu.

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi có thể:

  • Giữ đầu ở tư thế thẳng trong một vài phút.
  • Đưa tay đến mặt và miệng nhưng không giữ được lâu.
  • Xoay đầu sang các hướng.
  • Giữ chặt nắm tay.

Các hoạt động trí não khác

Lúc 2 – 3 tuần, trẻ bắt đầu chú ý quan sát gương mặt người và lắng nghe cuộc trò chuyện. Mặc dù trẻ không hiểu nhưng bạn nên nói to để trẻ có thể nghe. Việc này sẽ hỗ hợp cho sự phát triển ngôn ngữ của con.

Khi được 1 tháng tuổi, trẻ có thể:

  • Nhận ra gương mặt cha mẹ, trẻ mở mắt to để nhìn và biểu hiện thích thú.
  • Trẻ học cách quan sát gương mặt người.
  • Nhìn được rõ hơn, tầm nhìn tăng lên khoảng 45cm.
  • Trẻ bắt đầu thủ thỉ những âm thanh nhỏ.
  • Có thể xoay đầu về hướng có âm thanh quen thuộc như giọng nói của cha mẹ.

Trong 1 tháng đầu tiên, tốc độ phát triển có thể khác nhau giữa các trẻ. Một số phát triển nhanh rõ rệt, một số khác có thể chậm hơn, điều này là hoàn toàn bình thường.

Những dấu hiệu đáng lưu ý

Trong 1 tháng đầu đời, không có nhiều dấu hiệu để nhận biết các bất thường trong phát triển của trẻ. Bạn không cần quá lo lắng về vấn đề này, hãy để con có thời gian của mình.

Một dấu hiệu có thể theo dõi được là phát triển thính giác. Trẻ sơ sinh có thể nghe được âm thanh lớn. Do đó, nếu trẻ không phản ứng với âm thanh lớn hoặc khó bị đánh thức để cho bú, bạn nên đưa trẻ đi khám sức khỏe.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo cha mẹ nên đưa con đi khám nếu trẻ có các dấu hiệu sau:

  • Bú kém. Ngậm núm vú không tốt hoặc bú ít hơn so với bình thường.
  • Không chớp mắt khi ánh sáng chiếu vào mắt.
  • Không hướng mắt dõi theo các vật thể.
  • Trẻ không chú ý vào một vật trước mắt.
  • Các chi quá cứng hoặc quá mềm, cảm giác lỏng lẻo (biểu hiện rối loạn trương lực cơ).
  • Tứ chi thường giữ nguyên ở một tư thế nhất định.
  • Không phản ứng với âm thanh lớn.

Cho ăn và dinh dưỡng

Thời gian cho bú ở trẻ 1 tháng tuổi

Trẻ sơ sinh cần bú mẹ mỗi 2 – 3 giờ, tức 8 – 12 lần bú một ngày. Mỗi lần bú nên kéo dài từ 15 phút đến khoảng 1 tiếng. Thời gian giữa hai lần bú được tính từ lúc trẻ bắt đầu bú. Ví dụ, trẻ bắt đầu lúc hai giờ sáng, lần bú kéo dài 1 tiếng, trẻ vẫn có thể thức dậy và đòi bú vào lúc bốn giờ.

Các dấu hiệu cho thấy trẻ đang đói

  • Trẻ thức dậy, quấy khóc.
  • Di chuyển tay chân.
  • Đưa tay lên miệng.
  • Miệng trẻ bắt đầu bú (dù không có sữa mẹ).
  • Xoay đầu về các hướng
  • Xoay đầu về phía bầu vú nếu được bế.

Khủng hoảng ở tuổi sơ sinh

Đây là khoảng thời gian khó khăn với bạn vì trẻ thức dậy thường xuyên và đòi bú nhiều hơn. Đừng lo lắng, đây là hiện tượng bình thường, trẻ cần cung cấp thêm dinh dưỡng cho tốc độ phát triển vượt bậc. Giai đoạn này thường xảy ra vào tuần thứ hai. Bạn chỉ cần cho trẻ bú bất kỳ lúc nào con muốn và thời gian này sẽ chóng qua.

Dùng núm vú giả

Đây là một vấn đề chưa có câu trả lời chính xác. Một số bác sĩ khuyên không nên dùng để giảm lẫn lộn với núm vú của mẹ, gây cản trở việc bú mẹ. Đồng thời giúp duy trì nguồn sữa mẹ ổn định.

Tuy nhiên, AAP khuyến cáo nên dùng núm vú giả. Các nghiên cứu chỉ ra dùng núm vú giả giúp giảm tỷ lệ đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden infant death syndrome -SIDS).

trẻ 1 tháng tuổi

Sử dụng núm vú giả còn là điều tranh cãi

Giấc ngủ của trẻ 1 tháng tuổi

Ở độ tuổi này, hầu hết trẻ vẫn chưa ngủ ngon suốt đêm. Thông thường, trẻ sẽ ngủ 16 – 18 tiếng mỗi 24 giờ. (Đọc thêm: Giấc ngủ của trẻ sơ sinh – Bạn có hiểu đúng)

Miễn là trẻ tăng cân tốt và không có dấu hiệu mắc bệnh, bạn có thể để con ngủ bao lâu tùy thích.

AAP khuyến cáo cha mẹ nên ở cùng phòng với con trong vòng 6 tháng, nhưng tuyệt đối không ngủ chung giường. (Đọc thêm: Có nên cho trẻ nằm nôi)