Trẻ 2 tháng tuổi – Một cái nhìn tổng quan
Bài viết dành cho giai đoạn từ 1 tháng đến khi trẻ 2 tháng tuổi. Một tháng đầu tiên thật vất vả, nhưng bây giờ hẳn bạn đã quen hơn với việc chăm sóc con. Bài viết sẽ tóm gọn cho bạn những gì sẽ xảy ra khi trẻ tiếp tục phát triển và chạm đến cột mốc 2 tháng tuổi.
Phát triển ở trẻ 2 tháng tuổi
Cân nặng và chiều cao
Từ 1 tháng tuổi trở đi, bạn có thể dùng biểu đồ tăng trưởng chuẩn để theo dõi phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ.
Tốc độ tăng trưởng của trẻ như sau:
- Tăng cân khoảng 0,7 – 0,9kg một tháng.
- Chiều cao tăng khoảng 25cm từ lúc mới sinh cho đến 12 tháng.
- Chu vi vòng đầu phát triển khoảng 2cm mỗi tháng.
Tăng trưởng về chu vi vòng đầu là chỉ số quan trọng để đánh giá phát triển bộ não của trẻ. Bạn cũng cần hiểu rằng, những con số trên chỉ là trung bình đại diện. Một số trẻ có kiểu tăng trưởng “tăng vọt”, đặc biệt là về chiều dài; theo sau là giai đoạn tăng trưởng chậm. Một số khác thì có tốc độ tăng trưởng đều hơn.
Trẻ 2 tháng tuổi có thể làm được gì
Mặc dù mỗi em bé đều khác nhau, nhưng trong giai đoạn này trẻ cần đạt được các cột mốc về phát triển vận động như sau:
- Ngẩng đầu một góc 45 độ khi nằm sấp hoặc khi bế. Nếu bạn ôm con vào ngực, trẻ có thể ngửa đầu ra sau để nhìn bạn. Sức cơ trong giai đoạn này vẫn chưa hoàn thiện, bạn nên cẩn thận đỡ cổ và đầu của con.
- Tay và chân chuyển động trơn tru. Tầm với xa hơn so với lúc 1 tháng tuổi.
- Cầm các vật nhỏ trong tay. Đây là một bước phát triển vượt bậc! Không giống phản xạ nắm ở trẻ sơ sinh, bé bây giờ đã có đủ sức cơ để nắm chặt các vật trong tay.
- Đưa tay với các đồ vật trên cao. Đây là sự phối hợp giữa thị giác và vận động tay.
Phát triển trí não ở trẻ 2 tháng tuổi
So với giai đoạn sơ sinh, trẻ 2 tháng tuổi đã học được nhiều điều mới, phản ánh sự phát triển trí não và giác quan của trẻ.
- Tập trung tầm nhìn đồ vật. Chẳng hạn như khuôn mặt cha mẹ hoặc điện thoại di động. Thời gian tập trung lâu hơn so với sơ sinh.
- Theo dõi chuyển động của vật thể bên này sang bên kia. Bạn sẽ thấy con quan sát bạn di chuyển trong phòng. Hoặc dõi theo một món đồ chơi khi bạn di chuyển nó từ bên này sang bên kia.
- Xoay đầu về phía có âm thanh. Thính giác phát triển giúp trẻ có thể nghe được nhiều âm thanh hơn
- Trẻ bắt đầu thủ thỉ những âm thanh nhỏ như thể đang đáp lại hoặc bắt chước lời nói của bạn.
- Bạn sẽ thấy nụ cười đầu tiên của con. Đây không phải là phản xạ cười vô thức như ở trẻ sơ sinh. Trẻ thực sự cười để đáp ứng với các kích thích từ môi trường bên ngoài. Theo thời gian, trẻ sẽ nở nụ cười nhiều hơn khi nhận ra nụ cười của chúng dẫn đến nụ cười của mẹ.
Những dấu hiệu cần lưu ý
Không phải tất cả trẻ đều phát triển với tốc độ như nhau. Tuy nhiên, đến cuối tháng thứ 2 mà trẻ có những biểu hiện sau thì bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
- Không phản ứng với âm thanh lớn.
- Trẻ không nhìn theo các vật thể đang di chuyển, hoặc không tập trung nhìn vào một vật trước mắt.
- Không cười.
- Trẻ không thể đưa tay lên miệng.
- Không thể ngẩng đầu lên khi nằm sấp hoặc khi ôm trẻ vào ngực.
- Bạn thấy trẻ không hoặc ít xoay đầu.
- Điều yêu thích của trẻ 2 tháng tuổi phải là khuôn mặt của cha mẹ. Do đó, nếu trẻ không thể hiện các dấu hiệu phấn khích như đá chân hoặc vui vẻ khi nhìn thấy bạn, hãy đưa trẻ đi khám nhé.
Cho ăn và dinh dưỡng
Nuôi con bằng sữa mẹ
Nếu bạn nghỉ thai sản 6 tuần và dự định trở lại làm việc, đã đến lúc bắt đầu cho con bú bình và nhờ sự giúp đỡ của người khác.
- Nhờ sự giúp đỡ từ người khác: cha mẹ, anh chị, bạn đời hoặc bất kỳ ai bạn tin tưởng.
- Trong những lần bú bình đầu tiên, trẻ có thể bối rối hoặc bực bội khi ở gần bạn và ngửi thấy bạn, nhưng không nhận được vú mẹ.
- Tránh thời gian ngủ trưa và cho bú trước khi đi ngủ.
- Đừng bỏ cuộc. Sẽ cần một vài tuần để thử và làm quen trước khi bé chịu bú bình.
- Đọc thêm: Kết hợp sữa mẹ và sữa công thức sao cho đúng.
- Đọc thêm: Sữa mẹ để được bao lâu.
Lượng sữa cần thiết
Thông thường, trẻ 2 tháng tuổi sẽ bú khoảng 120 đến 150ml sữa công thức mỗi lần. Các lần bú cách nhau khoảng 3 – 4 giờ. Bạn có thể cân nhắc tăng lượng sữa công thức nếu trẻ:
- Bú xong nhanh chóng một chai sữa và dường như muốn bú thêm.
- Có vẻ muốn bú thường xuyên hơn.
- Thức dậy thường xuyên hơn vào ban đêm để bú.
- Tăng cân không tốt.
- Nếu trẻ liên tục muốn bú và không hài lòng với việc bú sữa công thức, bạn nên đưa trẻ gặp bác sĩ. Họ sẽ tư vấn về lượng sữa công thức và tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn.
- Đọc thêm: Cách chọn bình sữa cho con.
Đi tiêu
Việc đi tiêu của trẻ cũng có những thay đổi đáng kể. Trong khoảng thời gian từ 1 tháng đến 2 tháng, trẻ có thể đi tiêu nhiều lần trong ngày. Đôi khi, trẻ đi thường xuyên sau mỗi lần bú. Vào tháng thứ hai, nhu động ruột của trẻ bắt đầu giảm.
Trẻ bú sữa mẹ chỉ đi tiêu một lần trong ngày hoặc sau nhiều ngày là điều bình thường. Thậm chí nhiều trẻ chỉ đi tiêu một lần một tuần nếu chỉ bú sữa mẹ. Bạn không cần lo lắng, sữa mẹ rất tối ưu cho trẻ nên sẽ không có nhiều chất thải.
Đọc thêm: Trẻ bú bữa công thức bị táo bón.
Giấc ngủ ở trẻ 2 tháng tuổi
Trẻ có thể không ngủ ngon suốt đêm cho đến khi được ít nhất 6 tháng tuổi. So với lứa tuổi sơ sinh, trẻ sẽ thức nhiều hơn vào ban ngày và ngủ lâu hơn vào ban đêm.
Trẻ vẫn ngủ trung bình 16 giờ mỗi 24 giờ. Bạn có thể làm một số việc để giúp trẻ ngủ ngon hơn như:
- Tránh cho ăn với mục đích giúp trẻ đi ngủ.
- Tạo một số thói quen trước khi đi ngủ như mát xa cho trẻ, hát ru, bật quạt.
- Cuộn trẻ bằng khăn mềm.
- Sử dụng núm vú giả giúp trẻ ngủ ngon. Ngoài ra, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ còn cho biết dùng núm vú giả giúp giảm tỷ lệ đột tử ở trẻ sơ sinh.
- Đọc thêm: Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh.
Chăm sóc trẻ cơ bản
Trẻ 2 tháng tuổi có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe nhỏ, sau đây là những mẹo hữu ích:
- Nếu trẻ nghẹt mũi, bạn có thể nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch các chất gây kích ứng.
- Tưa miệng: Đây là bệnh nhẹ do nhiễm nấm men gây ra. Bệnh có thể chữa bằng thuốc kê đơn Nystatin.
- Trào ngược: Nhiều trẻ ọc sau ăn do bú quá no và van đóng phần trên dạ dày chưa trưởng thành. Điều này không đáng lo ngại, miễn là trẻ tăng cân và không gây ho hoặc sặc. Để ngăn trào ngược, hãy thử cho ăn với lượng nhỏ hơn và thường xuyên cho trẻ ợ hơi.
- Hăm tã rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và thường khỏi sau 3-4 ngày khi được bôi kem. Nếu không giảm và xung quanh có các chấm đỏ, trẻ có thể bị nhiễm nấm men và cần dùng thuốc kháng nấm.
- https://www.verywellfamily.com/your-5-week-old-baby-development-and-milestones-4170094
- https://www.verywellfamily.com/your-6-week-old-baby-development-and-milestones-4171559
- https://www.verywellfamily.com/your-7-week-old-baby-development-and-milestones-4171715
- https://www.verywellfamily.com/your-2-month-old-baby-development-and-milestones-4171959