Trẻ 4 tháng tuổi – Một cái nhìn tổng quan

Bài viết dành cho giai đoạn từ 2 tháng đến khi trẻ 4 tháng tuổi. Trong khoảng thời gian này, trẻ sẽ có những bước phát triển vượt bậc. Trẻ trông rất khác so với lúc mới sinh và đã học thêm nhiều kĩ năng mới.

Phát triển ở trẻ 4 tháng tuổi

Chiều cao và cân nặng

Vào thời điểm 4 tháng, so với lúc mới sinh, trẻ đã tăng gấp đôi cân nặng và tăng 20% chiều dài. Nếu sinh non, trẻ có thể cần nhiều thời gian hơn để tăng trưởng.

Trẻ 4 tháng tuổi có thể làm gì

Trong giai đoạn từ 3 đến 4 tháng, trẻ sẽ học thêm nhiều kĩ năng mới:

  • Mút ngón tay cái: Khi được 3 tháng tuổi, trẻ đã có đủ sức cơ để đưa tay lên miệng. Lúc này, trẻ sẽ bắt đầu khám phá bàn tay của mình bằng cách mút ngón cái.
  • Ngẩng đầu nhiều hơn: Trẻ có thể ngẩng đầu lên ở một góc 90 độ và duy trì được trong một lúc.
  • Nằm sấp, chống hai tay và ngẩng đầu cao: Đây là biểu hiện cho thấy sức cơ ở cổ, thân mình và cánh tay đã tăng lên đáng kể.
  • Ngồi với sự hỗ trợ: Khi bạn ôm trẻ vào lòng, trẻ sẽ có thể ngồi dậy và giữ đầu khá ổn định.
  • Chịu sức nặng trên chân: bạn có thể đặt trẻ ở tư thế đứng để cảm nhận sức cơ ở chân của con.
  • Dùng hai tay để giữ đồ chơi hoặc vật nhỏ.
  • Tiếp cận đồ vật bằng một tay.
  • Cười một cách tự nhiên, thường xuyên nhất với mọi người.

Phát triển trí não ở trẻ 4 tháng tuổi

  • Trẻ có thể nhận ra các vật cách xa 40cm và thích nhìn các đồ vật với nhiều hình dạng và màu sắc. Thời gian tập trung quan sát cũng gia tăng.
  • Trước đây trẻ nhìn theo đồ vật ở chiều ngang. Bây giờ, trẻ đã có thể theo dõi với một góc 180 độ.
  • Tăng khả năng nghe: trẻ hướng về phía tiếng ồn lớn và bắt đầu bắt chước âm thanh lời nói.
  • Bập bẹ và cố gắng bắt chước ngôn ngữ.
  • Thích chơi và có thể phản ứng với cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như khóc nếu cuộc chơi dừng lại.
  • Bắt chước các biểu hiện trên khuôn mặt, chẳng hạn như mỉm cười hoặc cau mày.

Các dấu hiệu đáng lưu ý

Mỗi trẻ có thể phát triển với tốc độ khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu con có các biểu hiện sau:

  • Lé mắt.
  • Trẻ không nhìn theo đồ vật.
  • Không thể hiện sự thích thú với các vật, đặc biệt là khuôn mặt cha mẹ.
  • Tăng ít hơn 50% cân nặng so với lúc sinh.
  • Không thể giữ đầu.
  • Trẻ không thể ngồi với sự hỗ trợ.
  • Không cười.

Cho ăn và dinh dưỡng

Nuôi con bằng sữa mẹ

Khi trẻ được 4 tháng tuổi, bạn vẫn nên tiếp tục cho con bú mẹ. Tuy nhiên, bạn có thể gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, việc đi làm trở lại, nguồn sữa giảm và sử dụng thuốc điều trị bệnh khi cho con bú.

Nếu bạn gặp bất kỳ khó khăn nào, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ để trẻ vẫn tiếp tục được nuôi bằng sữa mẹ. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn cho con bú. Nói chuyện với chủ lao động để tạo điều kiện cho bạn nuôi con bằng sữa mẹ.

Đọc thêm: Nuôi con bằng sữa công thức cho người mới bắt đầu.

Cho ăn dặm

Trước đây, các bác sĩ thường khuyên cho trẻ ăn dặm lúc 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất về thời điểm thích hợp.

Làm thế nào bạn biết trẻ đã sẵn sàng để thử thức ăn đặc? Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đưa ra các dấu hiệu sau:

  • Có thể ngẩng cao đầu: Trẻ nên có khả năng tự ngồi trên ghế dành cho trẻ sơ sinh và giữ thẳng đầu.
  • Trẻ há miệng khi có thức ăn ở gần: Ví dụ trẻ há miệng khi bạn đưa thìa kem đến gần.
  • Đủ cân nặng: Trẻ nặng ít nhất ​​13 kg trở lên hoặc tăng gấp đôi trọng lượng lúc sinh.

AAP khuyến cáo cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Trẻ chỉ nên bú sữa mẹ (không uống nước, nước trái cây hoặc bất kỳ loại thức ăn đặc nào). Sau 6 tháng, bạn có thể cho trẻ làm quen với thức ăn đặc. Ngoài ra, AAP vẫn khuyến cáo tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ cho đến ít nhất 12 tháng tuổi.

Hiện không có khuyến cáo chính thức về thời điểm cai sữa, vì vậy đây là một quyết định cá nhân, tuỳ thuộc vào điều kiện của bạn.

Đọc thêm: Trẻ mấy tháng ăn dặm là phù hợp? – Hiểu đúng, bắt đầu đúng

Giấc ngủ ở trẻ 4 tháng tuổi

Khi được 4 tháng tuổi, bạn có thể gặp khó khăn với “sự suy giảm giấc ngủ” ở trẻ.

  • Trẻ thức dậy thường xuyên hơn vào ban đêm.
  • Không chịu ngủ.
  • Thường hay cáu kỉnh.

“Sự suy giảm giấc ngủ” thường bắt đầu vào khoảng 4 tháng. Đây chỉ là hiện tượng tạm thời và không cần quá lo lắng. Một số mẹo hữu ích trong giai đoạn này là:

  • Tiếp tục duy trì thời gian ngủ như trước.
  • Đặt trẻ nằm xuống khi vẫn tỉnh táo. Các nghiên cứu chỉ ra đặt trẻ vào nôi khi còn tỉnh táo giúp trẻ ít thức giấc về đêm hơn.
  • Dùng núm vú giả. AAP khuyến nghị sử dụng núm vú giúp giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
  • Tiếp tục ngủ trưa.
  • Đọc thêm: Giấc ngủ của trẻ sơ sinh.

Chăm sóc cơ bản

Các bệnh lý phổ biến ở độ tuổi này bao gồm cảm lạnh, nôn trớ và tưa miệng. Dưới đây là một số thông tin có thể giúp ích:

  • Cảm lạnh: Bệnh thường nhẹ và tự khỏi sau khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, nếu cảm lạnh kéo dài hơn 10-14 ngày hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng kèm theo, chẳng hạn như sốt cao, bạn nên đưa con đi khám.
  • Sốt: Đây là triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Nếu phải hạ sốt bằng thuốc, bạn nên dùng acetaminophen. Đọc thêm: Hạ sốt cho trẻ.
  • Tưa miệng: Đây là các mảng trắng trong miệng hoặc lưỡi. Bệnh thường gặp gây nên bởi nấm men. Bạn có thể điều trị cho con bằng thuốc kê đơn Nystatin.
  • Nôn trớ: Trẻ nôn trớ sau khi bú do nhiều nguyên nhân. Ví dụ như bú quá nhiều, dạ dày của trẻ thường nằm ngang hoặc van đóng phần trên dạ dày đóng không kín. Nếu trẻ nôn trớ thường xuyên, bạn có thể giảm lượng sữa, bú nhiều cử nhỏ và giúp trẻ ợ hơi sau khi bú.