Trẻ 6 tháng tuổi – Một cái nhìn tổng quan

Bài viết dành cho giai đoạn từ 4 tháng đến khi trẻ 6 tháng tuổi. Vậy là bạn đã đi được một nửa đoạn đường đến cột mốc 1 tuổi. Thời điểm 6 tháng sẽ đánh dấu nhiều bước phát triển vượt bậc của trẻ.

Phát triển ở trẻ 6 tháng tuổi

Cân nặng và chiều cao

Khi được 5 tháng, trẻ có cân nặng tăng gấp đôi so với lúc sinh. Mỗi trẻ có tốc độ tăng trưởng khác nhau. Trung bình, trẻ sẽ tăng 0.4 – 0.9kg và 2cm mỗi tháng.

Trong những tháng đầu đời, trẻ có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, từ tháng thứ 5 – 6, tốc độ tăng chậm lại. Ví dụ, trẻ có thể tăng gấp đôi trọng lượng lúc sinh vào tháng thứ 4 – 5, nhưng chỉ tăng gấp 3 trọng lượng sơ sinh khi được 1 tuổi.

Trẻ 6 tháng tuổi có thể làm gì

Mỗi trẻ có tốc độ phát triển khác nhau, đặc biệt là khi sinh non. Trẻ sinh non cần nhiều thời gian hơn để bắt kịp những trẻ sinh đủ tháng. Sau đây là một số cột mốc phát triển về vận động:

  • Giữ đầu ổn định trong thời gian dài (khi nằm sấp hoặc bế).
  • Xoay đầu về mọi phía.
  • Ngồi tựa được.
  • Về sau, bé có thể xoay, trườn, lật.
  • Đứng được nếu sóc nách, điều này cho thấy sức mạnh cơ bắp ở chân đã tăng lên.
  • Chụp lấy vật bằng hai tay.
  • Chuyền vật giữa hai tay một cách chính xác.
  • Như vậy, so với những tháng đầu đời, sức mạnh cơ bắp đã tăng lên đáng kể, đặc biệt ở cổ và thân mình.

Phát triển trí não ở trẻ 6 tháng tuổi

Về các giác quan

  • Thị lực tốt hơn, có thể nhìn bao quát khắp căn phòng. Trẻ thích nhìn vào các mô hình, hình dạng và màu sắc.
  • Nhận dạng những khuôn mặt quen thuộc, đặc biệt là của cha mẹ.
  • Mỉm cười với mọi người.
  • Trẻ nghe tốt hơn và phản hồi lại khi bạn nói chuyện với trẻ.
  • Tìm hiểu về thế giới thông qua vị giác và xúc giác.

Về trí não

  • Ở giai đoạn này, trẻ thức nhiều hơn để khám phá thế giới xung quanh.
  • Bắt đầu học về quan hệ nhân quả. Chẳng hạn, nếu trẻ làm rơi đồ vật thì sẽ gây ra âm thanh. Trẻ có thể thích thú với những sự việc này đến nỗi muốn lặp đi lặp lại.
  • Bắt chước các biểu hiện trên khuôn mặt như mỉm cười hoặc cau mày.
  • Bập bẹ và cố gắng bắt chước lời nói.
  • Tạo ra các âm thanh gắn liền với cảm xúc như tiếng kêu khi đói, tiếng kêu buồn chán, thất vọng.
  • Ở giai đoạn này, trẻ có thể biết buồn khi phải rời xa cha mẹ.

Các dấu hiệu đáng quan tâm

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ:

  • Không thể giữ đầu thẳng.
  • Trẻ không cố gắng với lấy các vật xung quanh.
  • Không đưa các vật dụng như đồ chơi cho vào miệng.
  • Dường như không phản hồi với âm thanh.
  • Trẻ không cười hoặc tạo ra những tiếng động bài tỏ sự thích thú.
  • Không bập bẹ những tiếng sơ khởi.
  • Không đáp lại tình cảm từ bạn.
  • Theo dõi thấy trẻ không tăng cân.

Cho ăn và dinh dưỡng

Bắt đầu cho ăn dặm ở trẻ 6 tháng tuổi

Khi được 5 tháng tuổi, bạn có thể cân nhắc cho trẻ ăn thức ăn đặc. Trên thực tế, trẻ có thể phát triển tốt với nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức trong 6 tháng đầu đời (Tìm hiểu cụ thể hơn thời điểm bắt đầu cho ăn dặm)

Hiện nay, chưa có thống nhất về thời điểm cho ăn dặm. Vậy làm thế nào bạn biết được trẻ đã sẵn sàng? Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên bạn theo dõi những dấu hiệu sau:

  • Trẻ có thể giữ đầu ổn định ở tư thế thẳng.
  • Bạn nhận thấy trẻ mở miệng khi có thức ăn ở gần hoặc thể hiện sự quan tâm, chăm chú đối với thức ăn.
  • Trẻ di chuyển thức ăn từ thìa vào miệng.
  • Trẻ đã tăng gấp đôi trọng lượng so với lúc sinh.

Lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức mà trẻ tiêu thụ phụ thuộc vào việc trẻ có ăn dặm hay không và ăn bao nhiêu. Trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tháng, trẻ thường uống 120 – 250ml sữa công thức mỗi lần bú hoặc bú mẹ sau mỗi 3 – 5 giờ.

Chuẩn bị

Những gì bạn cần chuẩn bị để bắt đầu cho trẻ ăn dặm:

  • Bạn có thể tự làm thức ăn để tiết kiệm tiền và đảm bảo sự tươi sạch.
  • Nếu không thể tự nấu, bạn có thể mua. Hãy chọn các sản phẩm ít qua chế biến sẵn, ít đường, không chất bảo quản và có nguồn gốc hữu cơ (organic food). Đọc thêm: Ngũ cốc ăn dặm cho con.
  • Ghế ngồi giúp trẻ giữ tư thế thẳng.
  • Yếm và khăn.
  • Thìa nhỏ.

Bất kể bạn dùng loại thức ăn nào, hãy cho trẻ ăn mỗi lần một loại. Điều này giúp bạn theo dõi các dị ứng tiềm ẩn ở trẻ với từng loại thức ăn. Sau đây là một số mẹo hữu ích:

  • Bạn thường phải cho trẻ ăn một loại thực phẩm mới vài lần trước khi bé chấp nhận. Trẻ từ chối lúc đầu không có nghĩa là con ghét món ăn đó. Trẻ có thể cần thời gian để quen với mùi vị và kết cấu mới.
  • Việc đi tiêu của trẻ sẽ hơi khác khi chúng ăn nhiều thức ăn đặc.
  • Bắt đầu với 1 – 2 thìa thức ăn nhỏ. Sau đó 2 – 3 thìa mỗi ngày và từ từ tăng lên khoảng 4 – 5 thìa mỗi lần.
  • Đừng bao giờ ép trẻ ăn hết một khẩu phần ăn.
  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi không nên ngậm mật ong.
  • Chú ý các loại thực phẩm dễ gây mắc nghẹn cho trẻ.
trẻ 6 tháng tuổi

Sử dụng ghế ngồi để giữ trẻ ở tư thế thẳng. Khi trẻ hứng thú với thức ăn, đó là dấu hiệu bắt đầu cho ăn dặm.

Giấc ngủ ở trẻ 6 tháng tuổi

Khi được 6 tháng, trẻ có thể ngủ suốt đêm và ngủ hai đến ba giấc vào ban ngày. Nếu trẻ không ngủ suốt đêm, điều này không có gì bất thường. Sự tăng trưởng nhanh chóng, nhiễm trùng hoặc mọc răng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ.

Một số cha mẹ nhận thấy trẻ bắt đầu ngủ ngon hơn về đêm sau khi bắt đầu ăn dặm — Đó là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang lớn nhanh!

AAP khuyến nghị cha mẹ luôn đặt con nằm ngửa khi ngủ. Để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh, bạn có thể:

  • Ngừng sử dụng khăn quấn. Nó có thể gây nguy hiểm nếu bị lỏng khi bé trở nên hiếu động hơn. Đọc thêm: Cách quấn khăn cho trẻ.
  • Không để bất cứ thứ gì mềm trên giường, bao gồm chăn, mền, gối hoặc thú nhồi bông.
  • Không sử dụng đệm lót cũi.
  • Chạy quạt trong phòng.
  • Giữ nhiệt độ mát mẻ và thoải mái.
  • Đọc thêm: Có nên cho trẻ nằm nôi?

Chăm sóc trẻ cơ bản

Khi con đi nhà trẻ, bạn sẽ gặp phải câu hỏi mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng đối mặt. Đó là, nếu trẻ ốm bạn nên để con ở nhà hay tiếp tục gửi trẻ.

Đây thực sự là câu hỏi khó, nó phụ thuộc nhiều vào điều kiện gia đình và đặc điểm công việc của cha mẹ. Nói chung, trẻ nên ở nhà nếu:

  • Trẻ sốt.
  • Phát ban.
  • Hay quấy khóc và cáu kỉnh, đòi hỏi sự chú ý thường xuyên.
  • Ho liên tục hoặc thở mệt.
  • Nôn hai lần trở lên trong 24 giờ.
  • Tiêu chảy nhiều, đặc biệt nếu kèm theo máu.
  • Con bạn thường không phải nghỉ nhà trẻ nếu chỉ bị cảm lạnh đơn thuần mà không sốt – Ngay cả khi trẻ ho và chảy nước mũi vàng xanh. Các triệu chứng cảm lạnh thường kéo dài từ 10 đến 14 ngày. Bệnh tự hết mà không cần điều trị bằng thuốc.