Trẻ 9 tháng tuổi – Một cái nhìn tổng quan

Bài viết dành cho giai đoạn từ 7 tháng đến khi trẻ 9 tháng tuổi. Đây là thời điểm đánh dấu nhiều bước tiến, đặc biệt là về vận động của trẻ.

Phát triển ở trẻ 9 tháng tuổi

Cân nặng và chiều cao

Trẻ vẫn có vẻ ngoài đáng yêu với đầu to, tay và chân ngắn, mũm mĩm. Tuy nhiên, khi trẻ tăng cường vận động, các cơ bắp ở tay chân sẽ phát triển và phần mỡ thừa giảm đi. Khi được 9 tháng tuổi, trung bình trẻ đạt được:

  • Tăng thêm khoảng 25cm chiều dài kể từ khi sinh ra.
  • Có tốc độ tăng cân chậm hơn, cân nặng của trẻ đã tăng gấp 3 lần so với lúc mới sinh.

Trẻ 9 tháng tuổi có thể làm gì

Khi đạt 9 tháng tuổi, trẻ sẽ mất các phản xạ sơ sinh, thay vào đó trẻ phát triển mạnh mẽ về mặt vận động thô:

  • Tự ngồi được mà không cần hỗ trợ.
  • Bắt đầu trườn rồi tập bò.
  • Tự kéo mình đứng lên từ tư thế ngồi khi có điểm tựa.
  • Trẻ có thể lần đi.
  • Nhặt được các đồ vật nhỏ bằng 2 ngón tay (biểu hiện của phát triển vận động tinh).
  • Cầm đồ vật đập vào nhau.

Phát triển trí não

  • Trẻ có thể nhìn thấy màu sắc.
  • Phát triển khẩu vị, trẻ có những món ăn ưa thích riêng.
  • Phản ứng lại khi nghe gọi tên.
  • Bắt đầu bắt chước các từ.
  • Nói được các từ đơn như “ma”, “ba”.
  • Có thể vẫy tay chào tạm biệt.
  • Trẻ thể hiện sự tò mò, thích khám phá mọi thứ xung quanh.
  • Biết nhớ cha mẹ, cảm thấy buồn khi phải rời xa cha mẹ.

Những dấu hiệu đáng quan tâm

Mỗi trẻ đều có tốc độ phát triển khác nhau, nhưng nếu trẻ 9 tháng có các biểu hiện sau bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ:

  • Không cố gắng với lấy các vật xung quanh.
  • Trẻ không đáp lại tình cảm từ bạn.
  • Dường như không phản hồi với âm thanh.
  • Không đưa được đồ chơi vào miệng.
  • Không thể phát ra âm thanh, không nói ra từ đơn.
  • Trẻ không cười hoặc tạo ra những tiếng động biểu hiện sự thích thú.
  • Đặc biệt, trẻ không ngồi được.

Ở độ tuổi này, cha mẹ quan tâm nhiều đến việc trẻ có bò được hay không. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ có tốc độ phát triển khác nhau. Một số trẻ được bế nhiều có thể bỏ hẳn việc bò và chuyển sang tập đi.

Cho ăn và dinh dưỡng

Khi được 8 – 9 tháng, trẻ sẽ bắt đầu dùng thức ăn dặm. Lúc này trẻ đã phát triển khả năng cầm nắm các vật nhỏ. Điều này giúp bạn giới thiệu các loại thức ăn mới cho con. Bạn có thể bắt đầu cho trẻ ăn đậu ngọt nấu chín, trái cây thái hạt lựu nhỏ, thịt cắt nhỏ. Trẻ sẽ thích thú khám phá các món ăn mới qua việc cầm nắm.

Mặc dù được ăn dặm, trẻ vẫn cần một lượng calo nhất định cung cấp từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Trẻ nên uống khoảng 720 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày.

Bạn nên tăng sự đa dạng trong chế độ ăn của trẻ với nhiều loại kết cấu và mùi vị. Sau đây là một số mẹo hữu ích cho bạn:

  • Hãy kiên nhẫn khi trẻ từ chối một loại thức ăn vào lúc đầu. Bạn cần phải cho trẻ ăn một loại nhiều lần để trẻ là quen với mùi vị và kết cấu mới
  • Bắt đầu với 1 – 2 thìa thức ăn, 2 – 3 lần mỗi ngày. Sau đó từ từ tăng dần lên khoảng 4 – 5 thìa cho mỗi lần.
  • Đừng bao giờ ép trẻ ăn hết khẩu phần.
  • Chú ý các loại thức ăn dễ gây mắc nghẹn.
  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi không nên uống mật ong.
  • Cho trẻ ăn mỗi lần một loại thức ăn, như vậy bạn có thể theo dõi được các dị ứng tiềm ẩn với từng loại thức ăn ở trẻ.
  • Phân và xì hơi ở trẻ sẽ khác khi ăn thức ăn rắn. Đọc thêm: Táo bón ở trẻ em – Hiểu đúng, xử trí đúng.

Giấc ngủ ở trẻ 9 tháng tuổi

Đến 9 tháng tuổi, hầu hết trẻ đều ngủ suốt đêm và ngủ từ 2 đến 3 giấc ban ngày, mỗi giấc kéo dài từ 1 đến 2 giờ. Có nhiều yếu tố làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm của trẻ như bệnh tật, mọc răng và cơn đau do tốc độ phát triển nhanh. Một số mẹo hữu ích để giúp trẻ ngủ ngon là:

  • Bắt đầu cho trẻ đi ngủ đúng giờ, đều đặn.
  • Tránh cho trẻ bú hoặc cho ăn để đi ngủ.
  • Tạo các tín hiệu báo hiệu giờ đi ngủ như bật quạt, mát xa cho trẻ.
  • Bạn có thể bắt đầu cho trẻ ngủ ở phòng riêng. Nhiều gia đình nhận thấy nếu trẻ khó ngủ suốt đêm, việc cho ngủ phòng riêng có thể giúp trẻ ngủ ngon hơn.
  • Đọc thêm: Trẻ ngủ không sâu giấc – Bạn có thể làm gì.

Chăm sóc cơ bản

Trẻ sẽ tiếp tục mọc răng liên tục trong vài tháng tới. Đừng quên vệ sinh răng miệng cho trẻ, bắt đầu ngay cả trước khi trẻ mọc răng. Khi những chiếc răng đầu tiên xuất hiện, bạn có thể dùng thêm một lượng nhỏ kem đánh răng.

Khi trẻ học cách nhặt đồ vật, nghẹt thở sẽ trở thành một mối nguy lớn, do đó bạn nên:

  • Đảm bảo sàn nhà sạch sẽ.
  • Không bao giờ để bé ăn mà không có người giám sát.
  • Tìm kiếm và loại bỏ các vật nhỏ có nguy cơ gây mắc nghẹn như đồng xu, đá cuội, xúc xích, nho và bỏng ngô.
  • Cố định mọi đồ đạc nặng dễ ngã, chẳng hạn như tủ đựng quần áo, giá đỡ.
  1. https://www.verywellfamily.com/your-7-month-old-baby-development-and-milestones-4172912
  2. vận động – Giáo trình nhi khoa – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.