Trẻ bị bỏng – Những điều cần biết khi xử trí ban đầu

Bỏng là một tai nạn nguy hiểm đối với trẻ em. Các tổn thương do bỏng có thể đe doạ tính mạng, để lại sẹo và gây mất chức năng vận động vĩnh viễn. Vậy làm sao để phòng tránh và sơ cứu trẻ bị bỏng? Bài viết sẽ giúp bạn có câu trả lời.

Nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng

Bỏng có thể chia thành hai loại: bỏng khô và bỏng ướt. Cả hai loại nguyên nhân đều được điều trị như nhau.

  • Bỏng do nguồn nhiệt khô như kim loại nóng, bàn ủi, ống pô, củi lửa.
  • Bỏng do nguồn nhiệt ướt như nước sôi, hơi nước.
  • Ngoài ra còn có bỏng do điện và hoá chất.

Mức độ bỏng

Cấu tạo da

Độ nặng vết bỏng được đánh giá dựa vào lớp da bị tổn thương

Da có 3 lớp:

  • Thượng bì – Lớp ngoài cùng của da.
  • Bì – Chứa mạch máu, đầu thần kinh và tuyến mồ hôi.
  • Lớp mỡ dưới da.

Bốn mức độ bỏng

  • Bỏng lớp thượng bì nông. Vết bỏng trở nên đỏ, sưng nhẹ và hơi đau, không có bóng nước.
  • Bỏng lớp bì nông. Vết bỏng màu hồng, đau, có bóng nước nhỏ.
  • Bóng lớp bì sâu. Vết bỏng màu đỏ, rất đau hoặc không đau, nhiều bóng nước
  • Bỏng toàn bộ lớp da. Tổn thương toàn bộ 3 lớp da

Sơ cứu trẻ bị bỏng

  1. Ngay lập tức tách trẻ ra khỏi nguồn nhiệt, đưa trẻ đến nơi an toàn.
  2. Làm mát vết bỏng với dòng nước chảy liên tục trong 20 phút. KHÔNG dùng đá, nước đá, các loại kem để bôi lên vết bỏng.
  3. Loại bỏ quần áo, trang sức ở vùng da bị bỏng (bất kỳ thứ gì bạn nghĩ có thể dính vào da). Nếu quần áo dính vào da đừng cố gắng lột, thay vào đó nên cắt bớt những vùng quần áo xung quanh.
  4. Giữ ấm cho trẻ bằng mền, chú ý không cọ xát lên vết bỏng.
  5. Che phủ vết bỏng bằng màng bọc thực phẩm, túi ni lông (Bất kỳ vật liệu nào sạch, dễ tháo gỡ và không dính vào vết bỏng).
  6. Có thể giảm đau cho trẻ bằng paracetamol hoặc ibuprofen.
  7. Nếu bỏng ở vùng mặt hoặc mắt, cố gắng cho trẻ ngồi nếu có thể, nằm xuống khiến khu vực bị bỏng sưng to hơn.
  8. Nếu bỏng hoá chất, hãy cố gắng rửa sạch hoá chất bằng nước nhiều nhất có thể.

Bao giờ cần đến bệnh viện

Hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu:

  • Trẻ nhỏ hơn 5 tuổi.
  • Bỏng sâu từ độ 3 trở lên. Vết bỏng màu trắng hoặc cháy đen, nổi bóng nước.
  • Diện tích bỏng lớn hơn 10% diện tích da (1 bàn tay người bị bỏng tương ứng với 1% diện tích da).
  • Bỏng ở mặt, bàn tay, cánh tay, chân, bàn chân, cơ quan sinh dục, các khớp gây nổi bóng nước.
  • Nguyên nhân bỏng do điện hoặc hoá chất.
  • Trẻ có dấu hiệu nguy hiểm như ngất xỉu, ngưng thở, tay chân lạnh.

Bỏng do điện và hoá chất

Bỏng do điện có thể nhẹ hoặc cực kỳ nặng. Nếu trẻ bị thương bởi nguồn điện áp thấp (220 – 240V) như nguồn điện sinh hoạt, hãy ngắt nguồn điện một cách an toàn. Tách trẻ ra khỏi nguồn điện bằng vật liệu không dẫn điện (một thanh gỗ hoặc một chiếc ghế gỗ). Không đến gần người được kết nối với nguồn điện áp cao (1.000V trở lên).

Bỏng do axit và hóa chất rất nguy hiểm và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Bạn nên có quần áo hộ hoặc che chắn thích hợp và sau đó:

  • Cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn trên người.
  • Nếu hóa chất khô, hãy phủi sạch da.
  • Sử dụng dòng nước chảy để loại bỏ hóa chất khỏi khu vực bị cháy.

Những điều không nên làm

  • Lột quần áo dính vào da.
  • Phá vỡ bóng nước.
  • Dùng đá, nước đá để làm mát.
  • Bôi kem đánh răng, dầu, cồn, nước mắm, con giấm lên vết bỏng.
  • Nếu vết bỏng lớn, KHÔNG làm mát vùng da bỏng lâu hơn 20 phút, điều này có thể làm trẻ bị hạ thân nhiệt.

Cách phòng tránh bỏng

  • Cài đặt thiết bị phát hiện khói báo cháy trong nhà.
  • Hãy đảm bảo gia đình biết cách phòng cháy chữa cháy.
  • Dạy trẻ thoát khỏi phòng nếu có cháy hoặc nghe mùi khói.
  • Không để nồi nấu, nước sôi, dầu ăn nóng trên bếp mà không có sự chú ý.
  • Cất giữ bình thuỷ, nồi nước sôi, chai hoá chất tránh xa tầm tay trẻ em.
  • Lắp đặt ổ điện ở vị trí cao, đảm bảo che lấp ổ điện không để trẻ sờ tay vào.
  • Không châm thêm dầu, cồn khi đang cháy.
  • Không sử dụng bình ga mini trong nhà.