Trẻ bị cảm lạnh nên làm gì – Hướng dẫn đầy đủ cho cha mẹ

Bài viết giúp bạn có câu trả lời đầy đủ nhất cho vấn đề trẻ bị cảm lạnh nên làm gì. Bệnh kéo dài bao lâu? Cần theo dõi gì? Có nên cho trẻ uống thuốc không và dùng như thế nào cho an toàn?

Key takeaways

  • Bệnh cảm lạnh sẽ tự thuyên giảm trong khoảng 10 ngày mà không cần điều trị gì. Do đó, chờ đợi và theo dõi cũng là một việc mà cha mẹ nên làm.
  • Đầu tiên, bạn nên áp dụng các phương pháp hỗ trợ không cần dùng thuốc. Các cách này hiệu quả, rẻ tiền và rất an toàn cho trẻ.
  • Nhiều tổ chức y tế lớn khuyến cáo không nên dùng các thuốc không kê đơn (OTC) để điều trị cảm lạnh cho trẻ.

Trẻ bị cảm lạnh nên làm gì

Vai trò của cha mẹ

Bệnh cảnh lạnh thường tự thuyên giảm nên điều trị chủ yếu là theo dõi và hỗ trợ cho trẻ. Vì vậy, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Điều này đã được khẳng định bởi các tổ chức y tế như Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và Hiệp hội Lồng ngực Anh quốc (BTS).

Hiểu về bệnh cảm lạnh

  • Cảm lạnh gây nên bởi virus, chủ yếu là rhinovirus. Do đó, kháng sinh không giúp điều trị bệnh.
  • Khi trẻ bị lạnh, triệu chứng ở mũi rất nổi bật như nghẹt mũi, hắt hơi, chảy mũi. Các triệu chứng khác là ho, đau họng, sốt và chán ăn.
  • Bệnh thường nặng nhất vào ngày thứ 2 – 3 và cải thiện dần qua 10 – 14 ngày. Thời gian khỏi bệnh trung bình là 7 – 10 ngày.
  • Ho có thể kéo dài nhưng nên giảm dần và khỏi hẳn trong vòng 4 tuần.

Hiện không có thuốc điều trị cảm lạnh nên không có cách nào để giúp trẻ khỏi bệnh sớm hơn. Các thuốc thường dùng hiện nay chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng: hạ sốt, giảm ho, giảm nghẹt mũi.

Theo dõi dấu hiệu nặng

Trong quá trình theo dõi tại nhà, bạn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu sau:

  • Trẻ sốt cao.
  • Khó thở, thở nhanh hoặc nuốt khó.
  • Bệnh kéo dài hơn dự kiến, thường là quá 14 ngày.
  • Các triệu chứng của bệnh không giảm hoặc ngày càng nặng hơn.

Hiểu rõ về cảm lạnh sẽ giúp cha mẹ yên tâm hơn và tránh sử dụng quá nhiều thuốc. Phần lớn các thuốc bạn biết không thực sự có hiệu quả và có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Điều trị hỗ trợ cho con

Các tổ chức y tế khuyên cha mẹ nên áp dụng những phương pháp hỗ trợ không dùng thuốc đầu tiên.

Bổ sung nước đầy đủ

Trẻ uống nước đầy đủ sẽ giúp đàm loãng hơn, dễ tống xuất hơn. Nước cũng làm dịu niêm mạc đường hô hấp đang bị kích ứng giúp trẻ giảm ho. Bên cạnh đó, trẻ cần bổ sung nước thì dùng thuốc long đàm mới hiệu quả.

Nước có thể là bất kỳ loại chất lỏng nào, nước sạch, nước hoa quả hoặc súp cháo đều được. Nếu bạn đang cho con bú, hãy cho trẻ bú thường xuyên hơn để đảm bảo cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng nhé.

Các loại dịch ấm như trà, mật ong nóng và súp cũng giúp ích rất nhiều. Chúng giúp làm dịu niêm mạc kích ứng, loãng đàm và giảm nghẹt mũi.

Đọc thêm: Nhu cầu nước hàng ngày của trẻ.

Nhỏ mũi với nước muối sinh lý

Đây là một cách đơn giản, rẻ tiền, an toàn và hiệu quả. Nước muối giúp làm sạch chất tiết ở mũi, gây co mạch máu ở niêm mạc (giảm nghẹt mũi).

Bạn nên dùng nước muối sinh lý NaCl 0.9% cho trẻ. Ngoài ra, dụng cụ chứa nước muối và bơm hút mũi cũng cần sạch sẽ. Đã có một số trường hợp viêm não amip do nhỏ mũi bằng nước từ vòi.

Đọc thêm: Có nên rửa mũi cho trẻ – Góc nhìn khoa học

trẻ bị cảm lạnh nên làm gì

Soup nóng giúp làm dịu niêm mạc hô hấp, cải thiện triệu chứng cảm lạnh

Trà và mật ong là những phương pháp hiệu quả và an toàn cho trẻ em

Có nên cho trẻ uống thuốc không

Thuốc OTC là gì

Bạn có thể mua thuốc điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại các hiệu thuốc. Phần lớn những thuốc này là không kê đơn (OTC – Over the counter). Đây là các thuốc giảm triệu chứng như:

  • Hạ sốt/giảm đau.
  • Kháng histamine.
  • Giảm triệu chứng mũi.
  • Giảm ho.
  • Long đàm.
  • Hoặc phối hợp của các loại thuốc trên.

Cẩn thận khi sử dụng thuốc cho trẻ

Chưa rõ hiệu quả

Hầu hết các thuốc giảm triệu chứng không thực sự hiệu quả và không có đủ bằng chứng khoa học ủng hộ.

Nguy cơ cao đối với trẻ em

Có 3 nguy cơ chính trẻ có thể gặp phải khi dùng thuốc OTC. Đầu tiên, các loại thuốc này có thể gây tử vong nếu quá liều, đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi. Tiếp đến, chức năng gan thận của trẻ em chưa hoàn thiện khiến nồng độ thuốc trong máu khó dự đoán. Cuối cùng, hiện nay vẫn chưa có khoảng liều an toàn của các loại thuốc trên ở trẻ em.

Liều thuốc ở trẻ em được tính dựa trên cân nặng. Không chỉ vậy, một dược chất có thể có mặt trong nhiều loại thuốc khác nhau. Do đó, dùng quá liều thuốc là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngưỡng tuổi sử dụng thuốc OTC

Do hiệu quả không rõ ràng và nguy cơ cao, nhiều tổ chức y tế đã khuyến cáo độ tuổi sử dụng thuốc OTC cho trẻ em như sau:

  • Trẻ dưới 6 tuổi. Ngoại trừ thuốc hạ sốt, các bậc cha mẹ cần tránh sử dụng thuốc OTC điều trị cảm lạnh cho con.
  • Từ 6 – 12 tuổi. Ngoại trừ thuốc hạ sốt, không khuyến cáo sử dụng thuốc OTC cho trẻ.
  • Lớn hơn 12 tuổi. Có thể sử dụng thuốc OTC để giảm nghẹt mũi, chảy mũi cho trẻ.

Giảm nghẹt mũi cho trẻ

Như đã đề cập ở trên, đầu tiên bạn nên áp dụng các điều trị hỗ trợ mà không cần dùng thuốc:

  • Hút mũi.
  • Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
  • Cho trẻ uống nước đầy đủ và sử dụng các loại thức uống nóng.

Bạn chỉ nên dùng đến thuốc nếu trẻ không cải thiện với các cách trên. Các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo như sau:

  • Trẻ dưới 12 tuổi. Không dùng thuốc OTC để giảm nghẹt mũi do hiệu quả không được chứng minh và có thể gây tác dụng phụ cho trẻ.
  • Trẻ lớn hơn 12 tuổi. Bạn có thể dùng các thuốc OTC để giảm nghẹt mũi cho trẻ. Thuốc có thể ở dạng uống hoặc dạng xịt, hãy tham khảo dược sĩ và tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Giảm ho cho trẻ

Đọc thêm: Thuốc ho cho trẻ em – Nên hay không nên

Ho ảnh hưởng đến giấc ngủ, học tập và vui chơi của trẻ. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng ho là một phản xạ giúp làm sạch đường dẫn khí. Nếu sử dụng thuốc để giảm ho, các chất tiết ở đường hô hấp có thể ứ đọng và làm tình trạng bệnh nặng hơn.

Bạn nên áp dụng các biện pháp hỗ trợ không dùng thuốc đầu tiên:

Hiện nay hầu hết các tổ chức y tế (WHO, AAP, FDA) đều khuyến cáo không sử dụng các loại thuốc như codein, dextromethorphan để điều trị ho do cảm lạnh. Nguyên nhân do các loại thuốc này không giúp giảm ho hiệu quả và có thể gây hại cho trẻ.

Riêng WHO khuyến cáo dextromethorphan có thể dùng trong những trường hợp ho kéo dài gây ảnh hưởng nặng đến cuộc sống của trẻ.

trẻ bị cảm lạnh nên làm gì

Codein đơn chất

Điều trị cảm lạnh

Codein phối hợp với paracetamol, do đó bạn nên đọc kỹ thành phần để tránh trùng lắp dược chất

Tôi muốn sử dụng thuốc cho trẻ

Nếu bạn vẫn chọn sử dụng thuốc OTC để giảm các triệu chứng cảm lạnh cho con, hãy tham khảo các gợi ý sau để đảm bảo an toàn:

  • Hãy đọc kỹ hoặc hỏi dược sĩ để chắc chắn loại thuốc bạn mua là phù hợp cho trẻ em. Tránh cho trẻ dùng chế phẩm của người lớn.
  • Bạn nên chọn một loại thuốc để giảm nhẹ triệu chứng nặng nề nhất. Ví dụ trẻ bị ho, nghẹt mũi và đau họng nhưng ho là nặng nhất. Bạn nên mua một thuốc giảm ho cho trẻ. Như vậy có thể tránh nguy cơ con bị tác dụng phụ do dùng nhiều loại thuốc.
  • Hãy chọn các loại thuốc đơn chất. Hoặc nếu dùng nhiều loại, hãy kiểm tra thành phần để tránh một dược chất có mặt trong nhiều loại thuốc.
  • Đảm bảo dùng đúng liều như hướng dẫn của dược sĩ và cất giữ thuốc an toàn tránh xa tầm tay trẻ em.