Trẻ bị tiêu chảy – Cách nhận biết và tình huống thực tế

Con của bạn đột nhiên đi tiêu phân lỏng dù trước kia tiêu phân đóng khuôn. Có phải trẻ bị tiêu chảy không, những dấu hiệu nào cần đến gặp bác sĩ và cha mẹ cần lưu ý điều gì. Tất cả sẽ được trả lời trong bài viết này, cùng tìm hiểu nhé!

Key takeaways

  • Tiêu chảy là khi trẻ đi tiêu phân lỏng hơn bình thường và/hoặc đi tiêu nhiều hơn 3 lần/ngày.
  • Ở trẻ dưới 1 tuổi, bạn cần so sánh với thói quen đi tiêu hàng ngày của bé để biết con có tiêu chảy hay không.
  • Tiêu chảy là bệnh nặng và có thể đe dọa tính mạng, hãy cảnh giác khi con tiêu chảy.

Nhận biết trẻ bị tiêu chảy

Bạn có thể tìm đọc cách chẩn đoán tiêu chảy ở nhiều trang web, nhưng ở đây chúng ta hãy thực tế hết sức có thể nhé!

Theo định nghĩa của WHO, tiêu chảy là khi: trẻ đi tiêu phân lỏng và/hoặc số lần đi tiêu tăng từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ.

Như vậy, bạn cần để ý hai yếu tố:

  • Số lần đi tiêu của con.
  • Và phân lỏng hay đóng khuôn.

Sẽ rất dễ để nói một em bé đi tiêu phân lỏng nước 10 lần trong một ngày bị tiêu chảy. Nhưng nếu con của bạn tiêu phân sệt sệt hoặc số lần đi tiêu chỉ tăng nhẹ từ 4 – 5 lần/ngày, bé có bị tiêu chảy không?

Tình huống này rất thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, và hầu hết là bình thường. Theo lời khuyên từ ESPGHAN*, trong vài tháng tuổi đầu đời, để biết con có bị tiêu chảy hay không, bạn cần so sánh với thói quen đi tiêu hàng ngày của bé (1).

Tình huống thực tế

Bạn vẫn cảm thấy mơ hồ, hãy cùng xem qua một số ví dụ nhé!

  • Bé A 4 tuổi, đi tiêu 10 lần một ngày. Trong tình huống này bé đã đi tiêu lớn hơn 3 lần/ngày, vậy con bị tiêu chảy.
  • Bé B 2 tuổi, đi tiêu 2 lần/ngày nhưng phân đột nhiên lỏng nước, ít cặn. Mẹ cho biết con thường đi tiêu phân đóng khuôn. Bé B dù đi tiêu không nhiều nhưng phân lỏng hơn bình thường, vậy trẻ bị tiêu chảy.
  • Bé C 2 tháng tuổi, đi tiêu 8 lần/ngày, gần như bú xong bé sẽ đi tiêu, phân sệt không đóng khuôn. Có phải trẻ bị tiêu chảy khong? Câu trả lời là không, đây là kiểu đi tiêu rất thường gặp ở trẻ sơ sinh. Để biết chắc con có bị tiêu chảy hay không, hãy so sánh với cách đi tiêu hàng ngày của bé.
  • Bé C sẽ bị tiêu chảy nếu bình thường con chỉ tiêu 3 lần/ngày, bây giờ số lần đi tiêu tăng lên 8 lần/ngày.

Ngoài ra bạn cũng cần chú ý cách đếm số lần đi tiêu của con. Bạn chỉ nên đếm những lần bé đi phân nhiều, không tính những lần con chỉ “phẹt” ra ít phân.

Ví dụ, mẹ đếm con đi tiêu 8 lần/ngày, nhưng trong số đó chỉ có 4 lần phân tràn tã, những lần còn lại bé chỉ són ra ít phân. Nếu đếm 8 lần sẽ khiến bạn nghĩ con bị tiêu chảy nặng.

Nếu sau tất cả bạn vẫn không chắc con có bị tiêu chảy hay không, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ, kèm chụp ảnh phân của bé để bác sĩ dễ so sánh. Bác sĩ rất cần những bức ảnh như vậy để chẩn đoán ?

Tiêu chảy là bệnh nặng

Nghe lạ quá phải không, nhưng thực tế tiêu chảy là bệnh nặng. Bản thân tiêu chảy không phải bệnh khó chữa (so với viêm phổi, viêm màng não), bệnh thậm chí còn có thể tự thuyên giảm mà không cần uống quá nhiều thuốc.

Tuy nhiên, chính sự thiếu hiểu biết và quan tâm của cha mẹ khiến bệnh trở nặng.

Bạn có biết

Trẻ bị tiêu chảy đến 3 – 6 lần trong một năm là chuyện rất thường gặp (2). Nếu làm cha mẹ, bạn không thể không biết về tiêu chảy.

Hơn thế, tiêu chảy là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tử vong ở trẻ em (sau viêm phổi), đặc biệt ở các nước đang phát triển. Một đợt tiêu chảy nhẹ ban đầu có thể đe dọa tính mạng của con về sau.

Vậy cha mẹ có thể mắc những sai lầm nào?

  • Bạn có thể không quan tâm đủ để biết con đi tiêu bình thường như thế nào. Khi trẻ tiêu chảy bạn không phát hiện sớm.
  • Bạn chần chừ không đưa con đến gặp bác sĩ. Ví dụ, bé tiêu chảy 10 lần/ngày, không sốt, không nôn ói có thể khiến cha mẹ nghĩ bệnh nhẹ và chủ quan.
  • Bạn không biết cách bù nước cho con, không hiểu việc uống oresol có ích lợi gì.
  • Và cuối cùng, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng nếu được nuôi dưỡng không phù hợp.

Nếu bạn không nghĩ tiêu chảy có thể ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của con, bạn sẽ không coi trọng việc phòng ngừa tiêu chảy. Ví dụ bạn không rửa tay khi chuẩn bị thức ăn cho con, không vệ sinh kỹ lưỡng bình sữa.

Trẻ bị tiêu chảy có thể ảnh hưởng tính mạng

Những nguyên nhân sau có thể khiến tính mạng của trẻ bị đe dọa (3):

  • Tiêu chảy quá nhiều gây mất nước, thiếu nước đến một mức độ gây sốc tuần hoàn.
  • Vi khuẩn gây tiêu chảy có thể lây lan đến nhiều vị trí khác cơ thể.
  • Tiêu chảy gây mất điện giải như Na, K.
  • Hoặc tiêu chảy chỉ là biểu hiện bên ngoài của một bệnh nặng. Ví dụ, trẻ bị lồng ruột (một bệnh phải phẫu thuật) có biểu hiện ban đầu là tiêu chảy.

Bao giờ cần đến gặp bác sĩ

Nếu tất cả trẻ tiêu chảy đều đi khám bệnh thì bệnh viện sẽ quá tải mất. Vậy những dấu hiệu nào là thực sự nguy hiểm để bạn đưa con đến gặp bác sĩ (1) (4):

  • Trẻ sốt kéo dài hơn 24 – 48 giờ.
  • Trẻ nôn ói kéo dài hơn 12 – 24 giờ
  • Dịch nôn có màu xanh, đen hoặc có máu.
  • Trẻ bị tiêu chảy rất nhiều, thường là lớn hơn 8 lần/ngày.
  • HÃY NHÌN KỸ PHÂN, phân có máu là dấu hiệu nặng.
  • Bụng của trẻ trông có vẻ trướng to.
  • Trẻ không ăn, không uống.
  • Trẻ có dấu hiệu mất nước (chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở bài khác nhé).

Nếu con bạn không có những dấu hiệu trên, bé có thể được điều trị tại nhà bằng cách bổ sung nước đơn giản.

Đọc thêm: Thuốc điều trị tiêu chảy cho trẻ – Loại nào là an toàn.

* ESPGHAN – European Society for Paediatric Gastroenterology Hepatology and Nutrition – Hiệp hội Tiêu hóa, Gan mật, Dinh dưỡng Nhi khoa Châu Âu.

  1. European Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition/European Society for Pediatric Infectious Diseases Evidence-Based Guidelines for the Management of Acute Gastroenteritis in Children in Europe: Update 2014 – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24739189/
  2. Quantifying risks and interventions that have affected the burden of diarrhoea among children younger than 5 years: an analysis of the Global Burden of Disease Study 2017 – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31678029/
  3. Tiêu chảy cấp – Giáo trình Nhi khoa tập 1 trang 277 – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  4. Diarrhea in Children: What Parents Need to Know – https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/abdominal/Pages/Diarrhea.aspx
  5. Diarrhoea and vomiting caused by gastroenteritis diagnosis, assessment and management in children younger than 5 years – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK63838/