Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì, loại thực phẩm nào cần tránh

Dinh dưỡng rất quan trọng trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng giúp bé sớm khỏi bệnh và không bị suy kiệt. Vậy trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì, bú mẹ ra sao và cần tránh những thực phẩm nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Đọc thêm: Trẻ bị tiêu chảy – Cách nhận biết và tình huống thực tế.

Key takeaways

  • Cho con ăn sớm ngay khi trẻ thèm ăn giúp rút ngắn thời gian tiêu chảy và phòng ngừa suy dinh dưỡng.
  • Không kiêng ăn, trẻ bị tiêu chảy nên ăn như bình thường với số buổi ăn nhiều hơn.
  • Thức ăn cho trẻ bị tiêu chảy cũng giống với lúc con khỏe mạnh.
  • Tiếp tục cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu của con.

Có nên kiêng ăn không

Cha mẹ thường làm gì

Bạn có thể nghĩ cần kiêng ăn uống khi con tiêu chảy, thức ăn có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Nhiều gia đình thay đổi chế độ ăn khi con bị tiêu chảy:

  • Không cho con ăn một số loại thực phẩm.
  • Pha loãng thức ăn hoặc sữa.
  • Đổi loại sữa công thức cho con.

Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng.

Kiêng ăn khiến bệnh kéo dài hơn

Đúng vậy, các nghiên cứu chỉ ra kiêng ăn hoặc pha loãng thức ăn cho trẻ làm kéo dài thời gian tiêu chảy. Ngoài ra, con còn bị suy dinh dưỡng khi tiêu chảy thuyên giảm.

Ngược lại, cho trẻ ăn sớm, với lượng thức ăn nhiều hơn có nhiều lợi ích (1) (2):

  • Tăng cường tái tạo niêm mạc đường ruột bị tổn thương khi tiêu chảy.
  • Rút ngắn thời gian bệnh.
  • Phòng ngừa suy dinh dưỡng, phục hồi cân nặng nhanh chóng.

Trẻ bị tiêu chảy nên ăn uống lại vào thời điểm nào

Câu trả lời là càng sớm càng tốt, ngay khi trẻ có thể ăn uống được (2).

Thông thường, khi đã bù đủ nước con sẽ bắt đầu thèm ăn trở lại. Một số bé bị tiêu chảy phân máu thường ăn kém kéo dài cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn. Trong trường hợp này, hãy cố gắng cho con ăn dù vất vả bạn nhé.

Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm là quan trọng nhất

Nguyên nhân chính của tiêu chảy là thức ăn bị nhiễm khuẩn. Thay đổi chế độ ăn cho con sẽ vô nghĩa nếu vệ sinh không được cải thiện. Hãy rửa tay khi chuẩn bị thức ăn và sữa cho con. Chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đọc thêm: Tất cả những gì bạn cần biết khi vệ sinh bình sữa cho con.

Tôi có nên cho trẻ bú mẹ không

Vẫn là nguyên tắc cũ: sữa mẹ (hoặc sữa công thức) là loại dịch duy nhất cần thiết cho trẻ dưới 6 tháng tuổi (2) (3).

  • Hãy tiếp tục cho con bú mẹ khi trẻ bị tiêu chảy. Bú mẹ song song với bù nước cho con.
  • Cho con bú mẹ lâu hơn và nhiều lần hơn so với mọi ngày.
  • Bạn có thể cho con uống thêm oresol bên cạnh bú mẹ, tùy theo mức độ khát nước của trẻ.

Đối với trẻ không bú mẹ hoàn toàn (2) (3):

  • Bạn có thể cho con dùng sữa công thức. Chỉ cần dùng loại bình thường, không cần dùng loại sữa quá đặc biệt.
  • Nếu cho con uống một loại dịch không phải sữa, hãy dùng cốc thay vì bú bình để giảm nguy cơ nôn ói.
  • Đối với trẻ trên 6 tháng mà chưa ăn dặm, bạn nên bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm (bột ngũ cốc, hoa quả, thịt cá) càng sớm càng tốt. Tiếp tục cho con dùng sữa như nguồn dinh dưỡng chính.

Đọc thêm: Thuốc điều trị tiêu chảy cho trẻ – Loại nào là an toàn.

Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì

Trẻ bị tiêu chảy nên ăn thực phẩm ít đường lactose

Đường lactose có nhiều trong sữa bò tươi. Loại đường này được chuyển hóa bởi men lactase nằm ở niêm mạc ruột. Khi bị tiêu chảy, niêm mạc ruột bị tổn thương làm mất men lactase. Kết quả là lactose không tiêu hóa được. Cho con dùng nhiều thực phẩm chứa đường lactose có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng thêm (1).

Những loại thức ăn cần tránh

  • Hạn chế sữa bò tươi. Bạn nên cho dùng sữa chua vì nó chứa ít đường lactose.
  • Nước giải khát công nghiệp.
  • Nước trái cây chứa nhiều đường.

Nên cho trẻ loại thực phẩm nào

Nhìn chung, buổi ăn cho trẻ bị tiêu chảy cũng giống như lúc trẻ khỏe mạnh. Cho trẻ ăn nhiều cữ hơn và lượng thức ăn nhiều hơn hàng ngày.

Ăn gì phụ thuộc vào điều kiện gia đình và sở thích ăn uống của trẻ. Sau đây là một số gợi ý cho bạn (4):

  • Tăng cường thức ăn giàu chất béo. Chất béo giúp rút ngắn thời gian tiêu chảy, ngoài ra đây là nguồn năng lượng dồi dào cho con. Bổ sung chất béo bằng cách thêm dầu mỡ và bơ trong thức ăn.
  • Các sản phẩm từ sữa: sữa nguyên béo, yaourt, phô mai.
  • Ăn thêm thịt: gà, heo, bò.

Chế độ ăn BRAT có cần thiết cho trẻ không

Có thể bạn đã nghe về chế độ ăn BRAT giúp giảm tiêu chảy. BRAT (banana, rice, apple, toast) là chế độ gồm chuối, gạo, táo và bánh mì. BRAT chưa được nghiên cứu kỹ, hiệu quả chưa được khẳng định. Các tổ chức y tế lớn khuyến cáo không áp dụng chế độ ăn BRAT cho trẻ em (1).

  1. European Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition/European Society for Pediatric Infectious Diseases Evidence-Based Guidelines for the Management of Acute Gastroenteritis in Children in Europe: Update 2014 – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24739189/
  2. Tài liệu hướng dẫn xử trí tiêu chảy ở trẻ em – Bộ Y tế Việt Nam (2009)
  3. https://rehydrate.org/ors/low-osmolarity-ors-tech-qa.htm#2
  4. Dietary Management of Toddler Diarrhoea – https://www.swft.nhs.uk/application/files/2414/7626/8750/Dietary_Management_of_Toddler_Diarrhoea.pdf
  5. Approach to the child with acute diarrhea in resource-limited countries – https://www.uptodate.com/contents/approach-to-the-child-with-acute-diarrhea-in-resource-limited-countries?search=diarrhea&source=search_result&selectedTitle=3~150&usage_type=default&display_rank=3