Trẻ bị tiêu chảy nên làm gì – Mách bạn từng bước

Tiêu chảy rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Là cha mẹ, bạn không thể không quan tâm đến căn bệnh này. Vậy trẻ bị tiêu chảy nên làm gì, những dấu hiệu nào là nặng, cần bù nước cho con ra sao? Cùng tìm hiểu từng bước trong bài viết này nhé

Key takeaways

  • Điều trị chính yếu khi trẻ bị tiêu chảy là bổ sung nước cho con.
  • Bạn cần biết cách pha gói oresol. Đây là thuốc điều trị tiêu chảy quan trọng nhất ở trẻ em
  • Hãy tiếp tục cho con bú và bắt đầu ăn uống trở lại càng sớm càng tốt.
  • Liên tục theo dõi các dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Xác định trẻ bị tiêu chảy

Tiêu chảy là khi con đi tiêu phân lỏng hơn so với bình thường hoặc số lần đi tiêu lớn hơn hoặc bằng 3 lần/ngày. Do đó, bạn cần biết con đi tiêu bình thường hàng ngày như thế nào.

Ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, việc so sánh với thói quen đi tiêu hàng ngày của trẻ càng đặc biệt quan trọng vì (1):

  • Trẻ có thể đi tiêu nhiều lần trong ngày, nhiều trẻ đi tiêu sau mỗi lần bú.
  • Phân của con thường sệt sệt, ít khi đóng khuôn.

Đọc thêm: Trẻ bị tiêu chảy – Cách nhận biết và tình huống thực tế.

Hãy quan sát kỹ tính chất phân của con, nếu được hãy chụp ảnh. Đặc điểm phân của trẻ giúp bạn biết được con có bị tiêu chảy hay không, độ nặng, và đôi khi là nguyên nhân gây bệnh.

Tiêu chảy gây nguy hiểm gì cho trẻ

Bạn đã có thể xác định con bị tiêu chảy, tiếp đến là học cách nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm.

Nhìn chung, tiêu chảy có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ bằng ba cách:

  • Ngoài đường tiêu hóa, nhiễm trùng còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác.
  • Trẻ tiêu chảy, nôn ói nhiều, ăn uống kém gây suy dinh dưỡng.
  • Và quan trọng nhất, tiêu chảy khiến trẻ mất nước.

Hãy quan sát từ trên xuống dưới để tìm các dấu hiệu nguy hiểm sau (1) (2):

Nếu con có một trong số các dấu hiệu trên, bạn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nhé.

Bác sĩ sẽ làm gì

Bạn nhận thấy các dấu hiệu nặng và đưa con đến bệnh viện (bạn đã làm rất tốt!). Phần việc còn lại là của bác sĩ, họ sẽ:

  • Hỏi bệnh và làm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây tiêu chảy.
  • Xác định trẻ tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn hay virus. Kháng sinh chỉ dùng để điều trị bệnh do vi khuẩn.
  • Quyết định bé có cần nhập viện không, hay có thể điều trị tại nhà.
  • Hướng dẫn cha mẹ bù nước cho con. Hướng dẫn cách nuôi dưỡng khi trẻ khỏi bệnh.

Nhìn vậy mà không phải vậy

Tiêu chảy có thể là biểu hiện của một bệnh khác nặng hơn, không phải là viêm ruột đơn thuần. Ví dụ viêm màng não, lồng ruột, tắc ruột cũng gây tiêu chảy.

Viêm màng não là bệnh nặng cần điều trị đúng cách càng sớm càng tốt. Nếu bị tắc ruột, lồng ruột trẻ cần phải được phẫu thuật. Do đó, hãy cẩn trọng khi con bị tiêu chảy.

Cách pha gói oresol

Trẻ có thể uống những loại dịch nào

Cách điều trị chủ yếu khi trẻ bị tiêu chảy là bù nước cho con. Bạn có thể cho con uống các loại dịch sau (3):

  • Dịch oresol.
  • Nước cháo muối, nước cơm có muối.
  • Súp gà, súp thịt.
  • Nước sạch.
  • Nước dừa.
  • Nước trái cây không đường.

Những loại dịch cần tránh là: nước giải khát có gas, nước trái cây công nghiệp. Lượng đường nhiều trong các loại nước này khiến tiêu chảy nặng hơn.

Oresol là gì

Gói oresol khi pha với nước tạo thành một dung dịch chứa đường và điện giải. Cho trẻ uống oresol giúp bù đắp lại lượng nước và điện giải bị mất do tiêu chảy.

Cách bổ sung nước cho con

Bạn nên cho trẻ uống oresol bằng cách đút bằng thìa, so với cách bú bình, đút bằng thìa có nhiều ưu điểm hơn:

  • Bạn kiểm soát được tốc độ uống của con, nếu con nôn ói, bạn có thể đút nước chậm lại.
  • Giúp bạn đánh giá nhu cầu của bé. Mức độ khát nước của con giảm dần cho thấy bé giảm mất nước.

Lượng dịch cần uống

Nguyên tắc chung là cho trẻ uống theo nhu cầu, hãy cho con uống bất kỳ lúc nào bé cảm thấy khát.

  • Trẻ dưới 2 tuổi: uống 50 – 100ml sau mỗi lần tiêu lỏng.
  • Trẻ 2 – 10 tuổi: uống 100 – 200ml sau mỗi lần tiêu lỏng.
  • Trẻ lớn: uống theo nhu cầu.

Đọc thêm: Thuốc điều trị tiêu chảy cho trẻ – Loại nào là an toàn.

Trẻ bú mẹ và không bú mẹ

Nếu con đang bú mẹ, hãy cho con bú nhiều cữ hơn và lâu hơn bình thường. Bạn có thể cho con uống thêm oresol bên cạnh những cữ bú chính.

Với trẻ không bú mẹ, bên cạnh oresol, hãy tích cực cho con uống thêm các loại dịch như nước cháo, nước cơm, nước súp, nước sạch.

Tiếp tục cho con ăn uống như bình thường. Khi bệnh giảm và bé có thể ăn uống tốt, hãy cho con ăn thêm các buổi phụ để bù đắp dinh dưỡng đã mất khi trẻ tiêu chảy.

Đọc thêm: Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì, loại thực phẩm nào cần tránh.

  1. European Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition/European Society for Pediatric Infectious Diseases Evidence-Based Guidelines for the Management of Acute Gastroenteritis in Children in Europe: Update 2014 – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24739189/
  2. Diarrhea in Children: What Parents Need to Know – https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/abdominal/Pages/Diarrhea.aspx
  3. Tài liệu hướng dẫn xử trí tiêu chảy ở trẻ em – Bộ Y tế Việt Nam (2009)
  4. Tiêu chảy cấp – Giáo trình Nhi khoa tập 1 trang 277 – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  5. Diarrhoea and vomiting caused by gastroenteritis diagnosis, assessment and management in children younger than 5 years – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK63838/