Trẻ chậm nói bao giờ cần can thiệp
Trong những bài viết trước, bạn đã hiểu về sự phát triển ngôn ngữ bình thường, các dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói và nguyên nhân. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi quan trọng chưa được trả lời “bao giờ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ và có can thiệp?”
Key takeaways
- Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về phát triển ngôn ngữ của con.
- Trẻ cần các kỹ năng ngôn ngữ nhất định để có thể hoà nhập với môi trường lớp học. Hãy can thiệp sớm trước khi trẻ đi học.
- Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ không có nghĩa là trẻ kém thông minh.
- Hãy chú ý đến việc con có thể nghe hiểu lời nói hay không.
Bạn có cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ không
Trẻ có thể học nói một cách tự nhiên bằng cách lặp lại những gì nghe được. Tuy nhiên, phát triển ngôn ngữ bao gồm nhiều vấn đề hơn thế. Chậm phát triển ngôn ngữ có thể chia thành 3 loại chính:
- Rối loạn nghe hiểu ngôn ngữ (Receptive Language Problem): Trẻ không thể ghi nhớ và hiểu những gì nghe được.
- Rối loạn ngôn ngữ biểu đạt (Receptive Language Problem): Trẻ gặp khó khăn trong việc nói ra các từ và dùng ngôn ngữ để thể hiện suy nghĩ.
- Bất thường phát âm: Trẻ nghe hiểu được, nói được nhưng phát âm sai.
Bất thường phát âm có thể tự cải thiện với sự giúp đỡ của gia đình. Các loại rối loạn còn lại cần được đánh giá bởi chuyên gia để có cách xử trí phù hợp.
Sau đây là một số lý do bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ khi trẻ có dấu hiệu chậm nói.
- Các nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra trẻ chậm nói nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ phát triển các kỹ năng học tập tốt hơn trong tương lai.
- Chậm phát triển ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến sự tự nhận thức bản thân của trẻ, do đó cần can thiệp sớm.
- Khi không có sự hỗ trợ của chuyên gia, bạn có thể cảm thấy bất lực khi cố gắng giúp trẻ cải thiện. Đơn giản vì bạn không biết nguyên nhân nằm ở đâu để có cách xử trí phù hợp.
- Trong nhiều trường hợp, chuyên gia sẽ giúp bạn đỡ lo lắng khi nhận định trẻ vẫn đang trong giới hạn phát triển bình thường.
Có nên đợi đến khi trẻ đi học
Nhiều ý kiến cho rằng nên đợi đến khi trẻ đi học rồi hãy can thiệp; vì môi trường lớp học có thể giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, những lý do sau đây sẽ khiến bạn suy nghĩ lại:
- Để có thể tuân theo hướng dẫn của giáo viên, trẻ cần có khả năng tập trung, nghe tốt, hiểu và ghi nhớ lời nói.
- Để kể một câu chuyện hay giải thích một vấn đề, trẻ cần biết cách nối các từ thành câu, và nối các câu thành một đoạn hội thoại sao cho người khác hiểu được.
- Trẻ cần nghe tốt, nhớ được các từ và đủ thông minh để hiểu cách các từ ngữ phối hợp với nhau.
- Khả năng giao tiếp bằng cử chỉ và chú ý đến người khác rất cần thiết để trẻ hoà nhập với một môi trường khác lạ.
Như vậy, trẻ cần các kỹ năng ngôn ngữ nhất định để có thể thích nghi tốt với môi trường lớp học. Nếu không, việc hoà nhập và bắt kịp tốc độ trên lớp sẽ rất khó khăn và khiến tình trạng xấu hơn.
Chậm phát triển ngôn ngữ có khiến trẻ kém thông minh
Đây là lo lắng thường gặp của các cha mẹ có con chậm nói. Trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể gặp khó khăn khi giao tiếp, tuy nhiên một đứa trẻ chậm nói không có nghĩa bé kém thông minh. Có rất nhiều lý do khiến trẻ chậm nói, và chỉ một số ít có liên quan đến suy giảm trí tuệ.
Dù trông khá liên quan nhưng trí thông minh IQ và khả năng ngôn ngữ là hay khái niệm tách biệt nhau. Nhiều cha mẹ lo lắng khi con bị gắn nhãn “cần được giáo dục đặc biệt”, họ không muốn con mình bị gọi là một đứa trẻ kém thông minh. Bạn cần hiểu rằng “cần giáo dục đặc biệt” và trí thông minh là hoàn toàn khác nhau. Do đó, đừng quá lo lắng khi con cần sự giúp đỡ của chuyên gia và cộng đồng.
Chính xác vào lúc nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ
Câu trả lời là không có một cột mốc hay một dấu hiệu cụ thể nào cả. Bạn là người hiểu con nhất và hãy tin vào trực giác của mình. Hãy đưa con đến gặp chuyên gia ngay khi bạn lo lắng, sớm nhất luôn là cách tốt nhất. Một số dấu hiệu sau sẽ giúp bạn có quyết định sớm và chính xác hơn.
Dấu hiệu rối loạn nghe hiểu ngôn ngữ
- Trẻ gặp vấn đề với khả năng đọc hiểu khi đến tuổi biết đọc.
- Trẻ gặp khó khăn trong việc làm theo hướng dẫn của cha mẹ, đặc biệt là các hướng dẫn có nhiều bước. Trẻ có thể đối phó bằng cách bắt chước người khác, giả vờ hiểu nhưng không làm hoặc tìm cách trốn tránh.
- Bạn nhận thấy con không hiểu khi bạn đọc truyện cho con Bạn có thể nghĩ là trẻ không hứng thú. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự là trẻ bị bối rối và không thể xử lý các thông tin nghe được.
- Đôi lúc con hiểu lầm ý nghĩa lời nói của người đối diện. Điều này khiến trẻ nổi nóng và cư xử kỳ lạ; ví dụ đá, đấm, ném đồ vật vào người khác. Những đứa trẻ như vậy thường hay đánh bạn bè trên lớp kèm với giao tiếp kém.
Dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ biểu đạt
- Trẻ hiếm khi giao tiếp với người khác và thường trả lời cụt ngủn. Điều này có thể bị hiểu lầm là trẻ xấu hổ.
- Trẻ chỉ dùng một từ để gọi tên nhiều thứ khác nhau. Ví dụ, trẻ gọi nước chanh, nước cam, sữa đều bằng một tên “nước”
- Trẻ không thể ghi nhớ tên người, nơi chốn, đồ vật.
- Trẻ gặp khó khăn trong việc ghép các từ thành câu hoặc chọn từ ngữ đúng với hoàn cảnh.
- Childhood Speech, Language, and Listening Problems : What Every Parent Should Know – Hamaguchi, Patricia McAleer – John Wiley & Sons, Inc. (US)
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK356271/
- https://www.asha.org/practice-portal/clinical-topics/late-language-emergence/