Trẻ chậm nói – Chỉ thoáng qua hay bất thường thật sự

Bạn đang lo lắng khi trẻ chậm nói và hỏi ý kiến những người xung quanh. Sau đó bạn nhận được một số câu trả lời như “con tôi cũng chậm nói nhưng lớn lên thì nói đến nhức cả đầu” hoặc “đừng lo quá, đến tuổi đi học trẻ sẽ nói nhiều ngay”. Họ có thể đúng hoặc không. Vậy làm sao để bạn biết chính xác có gì bất thường không? Dấu hiệu nào là đáng lo?

Mỗi đứa trẻ là khác nhau

Bạn cần hiểu rằng trẻ em phát triển ngôn ngữ trong một khoảng thời gian hơn là chính xác vào một thời điểm nhất định.

Phần lớn trẻ sẽ bắt đầu nói lúc 18 tháng đến 3 tuổi. Một số trẻ nói sớm hơn nhưng cũng có trẻ trễ hơn, hoàn toàn không có một “thời hạn” chính xác cụ thể. Hơn nữa, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Khả năng học ngôn ngữ bẩm sinh: nhiều trẻ có năng khiếu tiếp thu ngôn ngữ nhanh chóng đáng ngạc nhiên.
  • Sự phát triển chung của trẻ: bao gồm vận động, nhận thức và ý thức xã hội.
  • Mức độ tiếp xúc với ngôn ngữ hàng ngày: môi trường xã hội nghèo nàn, ít giao tiếp sẽ khiến trẻ chậm nói.
  • Cách người lớn phản ứng lại những gì trẻ nói và thể hiện: những phản ứng tích cực của cha mẹ khi con bập bẹ nói sẽ khuyến khích trẻ giao tiếp nhiều hơn.

Vì tất cả những lý do trên, việc xác định liệu trẻ có thực sự chậm nói so với tuổi hay không là rất khó.

Trẻ chậm nói thoáng qua hay bất thường thật sự

Ở vị trí là cha mẹ và không có kiến thức chuyên môn như bác sỹ, làm sao để bạn biết trẻ chậm nói thực sự là bất thường? Mẹo đơn giản là để ý đến 3 khía cạnh sau:

  • Khả năng hiểu ngôn ngữ: Trẻ em có thể hiểu ý nghĩa của lời nói trước khi nói được. Ví dụ, trẻ hiểu và làm theo những yêu cầu đơn giản của cha mẹ (lấy mẹ chiếc áo, cầm thìa lên) hoặc trẻ phản ứng lại khi nghe gọi tên. Bạn có thể yên tâm nếu trẻ chậm nói nhưng vẫn hiểu được ngôn ngữ.
  • Sử dụng ngôn ngữ không lời: Trẻ có thể dùng cử chỉ, hành vi để giao tiếp với bạn; ví dụ như chỉ tay, chào tạm biệt hoặc đưa hai tay lên cao đòi bế. Trẻ càng sử dụng nhiều cử chỉ để giao tiếp, càng ít khả năng trẻ chậm nói là bất thường thực sự. Nếu trẻ không biết cách dùng ngôn ngữ cơ thể thì đây là dấu hiệu đáng lo ngại.
  • Học thêm từ mới: Trẻ có thể chậm nói hơn so với bạn bè nhưng con vẫn cố gắng học thêm nhiều từ mới. Nếu con của bạn có biểu hiện này, trong tương lai trẻ sẽ sớm biết cách xâu chuỗi các từ thành một câu hoàn chỉnh. Ngược lại, sẽ là đáng lo nếu con chậm nói và không học được thêm từ mới nào.

Cần lưu ý rằng, các dấu hiệu nêu trên chỉ gợi ý, nó không thể trả lời chính xác được tình trạng chậm nói của con có thực sự là bất thường hay không và nguyên nhân là gì. Bạn cần đưa con đến gặp bác sĩ để có chẩn đoán chính xác nhất.

Bạn cần ví dụ?

  • Không biết dùng cử chỉ: Trẻ tự kỷ có biểu hiện chậm nói và không biết sử dụng ngôn ngữ không lời. Nhiều cha mẹ nhận thấy con không bao giờ đòi bế, không biết chỉ tay vào vật mà con thích.
  • Không hiểu được lời nói: Trẻ chậm nói do giảm thính lực (thường là hậu quả của viêm tai giữa) sẽ tỏ ra nghễnh ngãng. Trẻ không đáp ứng khi nghe gọi tên hoặc khi được cha mẹ yêu cầu làm gì đó.
  • Không học thêm từ mới: Bệnh Down gây chậm phát triển trí tuệ và ảnh hưởng đến khả năng học từ mới của con. Trẻ vẫn hiểu được và nói được vài từ nhưng không thể nói nhiều như bạn bè.

Bạn cần làm gì

Bạn là người hiểu con nhất và hãy tin vào trực giác của mình. Bất kỳ lúc nào bạn cảm thấy có gì đó không ổn với sự phát triển ngôn ngữ của con, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia ngôn ngữ trẻ em.

Nếu có gì đó thực sự không ổn khiến trẻ chậm nói, thì đây thường là những nguyên nhân ảnh hưởng lâu dài (tự kỷ, giảm thính lực, chậm phát triển trí tuệ, hở hàm ếch). Do đó, phát hiện và can thiệp sớm luôn là cách tốt nhất để con có được sự phát triển phù hợp.