Trẻ đi phân vàng nhạt – Bình thường hay bất thường

Phân của trẻ sơ sinh thường có màu vàng, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ đi phân vàng nhạt hoặc có màu trắng. Màu sắc như vậy có bất thường không và nguyên nhân là gì. Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Key takeaways

  • Trẻ đi phân vàng nhạt là bất thường, đây là dấu hiệu của bệnh teo đường mật.
  • Teo đường mật có thể chữa được bằng phẫu thuật trong vòng 2 tháng tuổi đầu tiên.
  • Hãy tải thẻ màu sắc phân và đối chiếu với màu phân của con để sớm phát hiện bệnh nhé.

Màu sắc phân bình thường của trẻ sơ sinh

Trong những ngày tuổi đầu tiên, trẻ sơ sinh sẽ đi tiêu phân su. Phân su có màu xanh đen, nhớt dính và có mùi đặc trưng. Phân su là hỗn hợp nước ối, nhầy nhớt và tế bào biểu mô mà thai nhi đã nuốt khi nằm trong bụng mẹ.

Màu xanh đen sẽ nhanh chóng chuyển thành màu vàng sau vài ngày khi trẻ bắt đầu bú mẹ. Từ thời điểm này trở đi, màu sắc phân thay đổi rất nhiều từ vàng, cam đến màu xanh lá.

Tại sao phân của trẻ thường có màu vàng

Bạn có thể đã nghe đến mật, một loại dịch do gan sản xuất và tiết vào đường ruột để tiêu hoá mỡ. Trong mật có chứa bilirubin, một loại sắc tố. Hệ khuẩn đường ruột chuyển hoá chất này thành stercobilin có màu vàng. Chính stercobilin là chất nhuộm vàng phân.

Nói cách khác, nếu có bất thường khiến gan không thể tổng hợp và tiết mật vào đường ruột sẽ khiến trẻ đi phân vàng nhạt hoặc trắng.

Tại sao trẻ đi phân vàng nhạt

Như đã đề cập ở trên, trẻ đi phân vàng nhạt hoặc trắng là dấu hiệu cho thấy có bất thường trong hoạt động sản xuất và bài tiết mật vào đường tiêu hoá. Nguyên nhân thường gặp gây tình trạng này ở trẻ em là bệnh teo đường mật.

Khi trẻ bị teo đường mật, hệ thống ống dẫn mật từ gan đến ruột bị teo nhỏ hoặc thậm chí không có. Điều này gây hai hậu quả nghiêm trọng (1):

  • Không có mật đi vào đường ruột để tiêu hoá và hấp thu lipid, khiến trẻ bị thiếu các vitamin tan trong lipid.
  • Mật do tế bào gan sản xuất không đi xuống ruột, ứ đọng lại trong gan gây xơ gan, cuối cùng dẫn đến suy gan.

Xơ gan có nghĩa là gì? Hiểu một cách đơn giản là tình trạng gan mất chức năng không thể hồi phục, cuối cùng khiến người bệnh tử vong.

Bệnh teo đường mật có thể chữa được bằng phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật Kasai nối ruột vào gan, giúp gan tiết mật trực tiếp vào ruột mà không cần hệ thống ống dẫn (2).

Và điểm chính yếu là, phẫu thuật Kasai cần được thực hiện trước 2 tháng tuổi để đạt hiệu quả cao nhất. Nếu trễ hơn khoảng thời gian này, phẫu thuật thường thất bại và thậm chí không thể thực hiện.

Nói cách khác, phát hiện sớm là chìa khoá vàng để cứu sống trẻ bị teo đường mật.

Đọc thêm: Phân của trẻ sơ sinh – Hướng dẫn đầy đủ cho cha mẹ.

Thực tế

Khi điều trị cho các bệnh nhi bị teo đường mật, có rất nhiều bé đến bệnh viện sau thời điểm 2 tháng. Khi đó, các bác sĩ gần như không thể phẫu thuật hoặc gan đã xơ. Vậy tại sao bệnh nhân đến trễ?

  • Bệnh diễn tiến âm thầm ít biểu hiện, khiến cha mẹ nghĩ trẻ vẫn bình thường.
  • Cha mẹ không nghĩ trẻ tiêu phân vàng nhạt là bất thường, làm chậm phát hiện bệnh

Bảng màu phân của bé

Nhận biết sớm và đưa trẻ đến gặp bác sĩ trước thời điểm 2 tháng tuổi là chìa khoá để cứu sống trẻ bị teo đường mật.

Chúng ta có thể phát hiện sớm bệnh bằng cách hướng dẫn cha mẹ và nhân viên y tế cách đánh giá màu sắc phân. Cụ thể hơn là xác định màu phân như thế nào là nhạt màu (3).

Cách này cực kỳ đơn giản! Hãy quan sát phân của con.

  • Mỗi ngày từ lúc trẻ chào đời.
  • Trong điều kiện ánh sáng tốt, nếu được hãy chụp ảnh lại phân của con.
  • Nhờ nhiều người cùng quan sát.
  • Và đối chiếu màu sắc phân với hình dưới đây.
trẻ đi phân vàng nhạt

Nếu phân của bé giống với các màu 7, 8, 9, bạn có thể yên tâm tiếp tục chăm sóc con. Nếu màu phân của trẻ thuộc nhóm bất thường (1, 2, 3, 4, 5, 6) hãy đưa con đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể. Đặc biệt nếu con bị vàng da kèm theo.

Cách này có hiệu quả không

Tên của phương pháp này là “Home‑based color card screening” (tầm soát bằng bảng màu sắc phân tại nhà). Cách này đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới (3) (4) (5).

  • Bảng màu phân được in trong cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh, được phát cho tất cả cha mẹ mới sinh con.
  • Cha mẹ tự quan sát màu phân của bé tại nhà và đối chiếu với thẻ màu, nếu có bất thường thì đến gặp bác sĩ.
  • Hoặc cha mẹ sẽ được hỏi về màu sắc phân của con mỗi khi đến bệnh viện.

Trong một nghiên cứu tại Đài Loan, việc áp dụng rộng rãi cách tầm soát này tại nhà đã đạt được nhiều hiệu quả ấn tượng (3).

  • Giảm tỷ lệ nhập viện trễ từ 9.5% xuống còn 4.9%.
  • Tăng tỷ lệ phẫu thuật Kasai sớm trong 60 ngày tuổi đầu tiên từ 68.9% lên 73.6%.

Lời kết

Ở trẻ em, có rất ít bệnh mà thời điểm điều trị có vai trò quan trọng như bệnh teo đường mật. Ngược lại, cách phát hiện sớm bệnh lại cực kỳ đơn giản, có thể thực hiện ngay tại nhà.

Bạn còn chần chừ gì nữa, hãy tải ảnh về và đối chiếu với màu sắc phân của con. Chỉ một hành động đơn giản cũng đủ giúp nhiều trẻ em phát hiện sớm và điều trị bệnh.

  1. Biliary atresia – https://www.uptodate.com/contents/biliary-atresia
  2. Kasai Procedure – https://surgery.ucsf.edu/conditions–procedures/kasai-procedure.aspx
  3. Stool Color Card Screening for Biliary Atresia – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22025588/
  4. A pilot study of the value of a stool color card as a diagnostic tool for extrahepatic biliary atresia at a single tertiary referral center in a low/ middle income country – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33664005/
  5. Home‑based color card screening for biliary atresia: the first steps for implementation of a nationwide newborn screening in Germany – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31346695/