- Trẻ ngủ không sâu giấc về đêm là do sự chuyển tiếp giữa các chu kỳ giấc ngủ.
- Hầu hết trẻ sẽ thức giấc 5 – 7 lần/đêm, có thể kéo dài đến năm 2 tuổi và đây là một hiện tượng bình thường.
- Hãy đặt con vào nôi khi trẻ còn tỉnh, điều này giúp trẻ ít thức giấc vào ban đêm hơn.
- Nếu trẻ thức dậy và khóc, hãy để trẻ có thời gian để tự trấn an và đi vào giấc ngủ trở lại.
Sự chuyển tiếp chu kỳ giấc ngủ
Trong những tháng đầu, chu kỳ thức ngủ của trẻ tương ứng với chu kỳ ăn sữa. Trẻ dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ và thường thức dậy để bú mẹ. Thông thường, trẻ bú mẹ mỗi 2 – 3 giờ (8 – 12 lần bú mỗi ngày) bất kể ngày đêm.
Khi trẻ lớn hơn, thời gian thức tăng lên và giấc ngủ ban đêm ít gián đoạn hơn. Lúc này, cấu trúc giấc ngủ của trẻ cũng bắt đầu hình thành.
- Một giấc ngủ được chia thành nhiều chu kỳ. Có hai loại: chu kỳ hoạt động và chu kỳ yên lặng.
- Trong chu kỳ hoạt động, trẻ có các vận động như bú miệng, cười, di chuyển tay chân, nhịp thở không đều.
- Trong chu kỳ yên lặng, trẻ nằm yên, nhịp thở đều.
- Hai loại chu kỳ này luân phiên nối tiếp nhau, chính tại những điểm chuyển tiếp trẻ có thể thức giấc.
Các nhà khoa học cho biết, thường từ 6 tháng tuổi trẻ mới bắt đầu ngủ suốt đêm. Tuy nhiên, tình trạng thức giấc có thể kéo dài đến năm 2 tuổi hoặc hơn nữa.
Trẻ ngủ không sâu giấc
Hầu hết là bình thường
Như đã giải thích ở trên, nhìn chung trẻ thức giấc về ban đêm là một hiện tượng sinh lý bình thường. Một số cha mẹ may mắn khi con ngủ ngon suốt đêm, tuy nhiên đó chỉ là ngoại lệ.
Phần lớn trẻ nhỏ sẽ thức giấc khoảng 5 – 7 lần một đêm, mỗi lần kéo dài khoảng 5 – 10 phút. Một số trẻ có thể tự ngủ lại nhưng một số khác thì không.
Các nguyên nhân lành tính
Ngoài ra, cũng có một số nguyên nhân khiến trẻ thường thức giấc như:
- Hiện tượng thoái lui giấc ngủ thoáng qua.
- Do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.
- Các thay đổi về lối sống ngày càng năng động hơn.
- Trẻ hoạt động quá nhiều vào ban ngày.
- Nỗi sợ phải xa cách cha mẹ.
Các nguyên nhân bệnh lý
Nhiều bệnh lý cũng khiến trẻ khó ngon giấc vào ban đêm:
- Các bệnh nhiễm trùng gây sốt khiến trẻ khó chịu.
- Bệnh thiếu máu thiếu sắt.
- Các bệnh lý hô hấp như: ngưng thở khi ngủ, phì đại amiđan.
Nếu trẻ thức giấc về đêm thường xuyên và có các triệu chứng bất thường như sốt, ngủ ngáy, ho, sổ mũi, bạn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Giấc ngủ không phải là tất cả
Trên thực tế, hầu hết trẻ thức giấc về đêm là một hiện tượng sinh lý bình thường hoặc do các nguyên nhân lành tính. Do đó, nếu trẻ vẫn tăng cân đều đặn, vui vẻ và năng động vào ban ngày thì bạn có thể yên tâm dù giấc ngủ của trẻ không sâu.
Làm sao để giúp trẻ ngủ ngon hơn
Các nghiên cứu đã chỉ ra hầu hết trẻ sẽ thức giấc vào ban đêm, tuy nhiên chúng sẽ ngủ lại nếu xung quanh không có gì thay đổi. Do đó, bạn nên để trẻ có cơ hội tự ngủ lại (Self-Soothing) mà không cần hỗ trợ từ cha mẹ.
Giúp con dễ đi vào giấc ngủ
- Cho trẻ dùng núm vú giả.
- Gãi vào đầu, tai, lưng của trẻ.
- Quấn khăn cho trẻ.
- Trò chuyện, tạo các tiếng động êm ái.
Đặt trẻ vào nôi khi còn đang tỉnh táo
Nếu bạn đặt con vào nôi khi còn đang tỉnh táo, trẻ thường tự ngủ lại nếu thức giấc giữa đêm (vì môi trường xung quanh không thay đổi).
Ngược lại, trẻ thường thức giấc và quấy khóc nếu bạn đặt chúng vào nôi khi đã ngủ.
Do đó, khi con có dấu hiệu buồn ngủ, bạn nên nhanh chóng đưa con lên giường và để trẻ học cách tự đi vào giấc ngủ.
Tập cho trẻ tự đi vào giấc ngủ
Sau khi thực hành một số hoạt động giúp con dễ đi và giấc ngủ, bạn nên nghĩ đến việc rời đi thay vì ở bên con cho đến khi chúng ngủ hoàn toàn.
Ban đầu có thể sẽ khó khăn nếu bạn rất quan tâm lo lắng cho con. Tuy nhiên, đây là một việc cần thiết để giúp cho trẻ tự học cách đi vào giấc ngủ.
Khuyến khích trẻ tự ngủ lại
Nếu trẻ thức giấc, bạn không nên vội vàng đến bên và bế trẻ lên. Hãy để con có thời gian tự trấn an và ngủ trở lại.
Lời kết
Sẽ có những đêm trẻ ngủ ngon, nhưng cũng có đêm bạn phải thức dậy nhiều lần. Không sao cả, đó là một phần của quá trình nuôi con. Tuy nhiên, hãy thử qua nhiều qua nhiều cách để bạn và con có cơ hội được tận hưởng một giấc ngủ trọn vẹn.