Trẻ nôn trớ nhiều – Có đáng lo không, 6 dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Trẻ nôn trớ nhiều, ọc sữa thường xuyên sau mỗi buổi ăn là lo lắng của nhiều cha mẹ. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì, nôn trớ có phải là một bệnh không và bao giờ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Key takeaways

  • Nôn trớ là tình trạng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản và miệng, chúng ta thường gọi là ọc sữa.
  • Nôn trớ rất phổ biến, 50% trẻ 3 tháng có biểu hiện này.
  • Nôn trớ thường xuất hiện sau 2 tháng tuổi, giảm dần sau 6 tháng và chấm dứt khi trẻ được 1 tuổi.
  • Hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nếu trẻ nôn trớ nhiều ảnh hưởng xấu đến ăn bú, tăng cân và giấc ngủ của con.

Nôn trớ ở trẻ em là gì

Nôn trớ là tình trạng trẻ ọc thức ăn hoặc sữa ra khỏi miệng, thường là sau khi ăn. Thuật ngữ chính xác hơn là trào ngược (regurgitation).

Đặc điểm để nhận biết nôn trớ ở trẻ em là:

  • Trẻ ọc nhẹ thức ăn hoặc sữa ra khỏi miệng, thường không kèm theo co thắt cơ bụng.
  • Lượng ọc ra thường ít.
  • Thường là sau khi ăn.
  • Lặp lại nhiều lần giống nhau và bạn có thể dự đoán trước.
  • Có yếu tố kích thích rõ ràng như cho ăn quá nhiều, cười đùa, chèn ép lên bụng của trẻ.
  • Đặc biệt, sau khi ọc trẻ vẫn vui vẻ và khoẻ mạnh.

Bên cạnh nôn trớ, ói cũng khá thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên chúng có một số điểm khác biệt bạn cần biết:

  • Ói thường rất rầm rộ, trước khi ói trẻ có buồn nôn, tiếng ói to và bạn có thể thấy rõ cơ bụng co thắt tống thức ăn ra ngoài.
  • Lượng ói ra thường nhiều, có khi thành vòi.
  • Ói có thể xảy ra vào những thời điểm không phải buổi ăn.
  • Thường không lặp lại và khó đoán trước.
  • Sau khi ói, nhìn trẻ có vẻ mệt.

Tại sao bạn cần phân biệt nôn trớ và ói? Cả nôn trớ và ói đều thường gặp và ít gây hại cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ói cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh, cùng tìm hiểu thêm ở phần tiếp theo nhé.

Đọc thêm: Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em – bình thường hay bất thường.

Tại sao trẻ nôn trớ nhiều

Hệ tiêu hoá ở trẻ nhỏ có vài điểm khác biệt so với người lớn:

  • Sức chứa dạ dày nhỏ hơn nên chỉ thích hợp với lượng thức ăn vừa phải.
  • Dạ dày nằm theo chiều ngang chứ không theo chiều xuôi như người lớn.
  • Cơ thắt ngăn cách giữa dạ dày và thực quản còn yếu, dịch dạ dày có thể vượt qua cơ thắt này đi lên thực quản và miệng.

Tất cả những yếu tố trên khiến trẻ nhỏ dễ nôn trớ, đặc biệt sau khi ăn. Hiện tượng này hoàn toàn bình thường và không gây hại cho trẻ.

Nôn trớ thường gặp đến mức nào?

Theo các nghiên cứu, nôn trớ rất thường gặp; có khoảng 50% trẻ 3 tháng và 23% trẻ 6 tháng tuổi gặp vấn đề này (1). Nôn trớ bắt đầu xuất hiện lúc 2 tháng tuổi và giảm dần khi trẻ được 1 tuổi

Bên cạnh là một hiện tượng sinh lý, cũng có nhiều yếu tố khác khiến trẻ nôn trớ nhiều hơn (2):

  • Cho trẻ ăn bú quá nhiều.
  • Trẻ nuốt không khí khi bú mẹ hoặc bú bình.
  • Kích thích trẻ quá mức sau khi ăn.

Trẻ nôn trớ nhiều có đáng lo không

Có hai trường hợp nôn trớ có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ của con (3).

Nôn trớ thật sự nhưng quá thường xuyên

Dù là một tình trạng tự nhiên và lành tính, nhưng nếu nôn trớ quá thường xuyên cũng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.

  • Ọc ói thường xuyên khiến trẻ ăn bú kém, khó nuôi, chậm tăng cân.
  • Dịch dạ dày có thể đi vào thực quản gây viêm loét.
  • Dịch dạ dày đi vào đường hô hấp gây khò khè, viêm phổi.
  • Các đợt nôn trớ khiến trẻ cong người, vặn vẹo, tím tái.
  • Và cuối cùng là cha mẹ quá lo lắng về tình trạng của con.

Không phải nôn trớ thông thường

Như đã đề cập ở trên, bạn có thể lầm lẫn giữa ói và nôn trớ. Trẻ ói quá nhiều có thể là dấu hiệu của các bệnh như:

Hẹp môn vị

Đây là một dị tật bẩm sinh đường tiêu hoá, trong đó điểm nối giữa dạ dày và ruột non bị hẹp. Trẻ thường nôn nhiều và mạnh sau khi ăn, ngay sau đó trẻ rất đói và đòi ăn thường xuyên. Bệnh có thể chữa được bằng phẫu thuật, do đó cần nhận biết và đưa bé đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Bao giờ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ

Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ trong những trường hợp sau:

  • Nôn trớ bắt đầu xuất hiện sau 6 tháng tuổi hoặc kéo dài không hết sau 1 tuổi (nôn trớ lành tình thường xuất hiện sau 2 tháng và giảm dần sau 6 tháng tuổi).
  • Nôn trớ thường xuyên khiến trẻ khó nuôi, chậm tăng cân.
  • Trẻ quấy khóc, khó dỗ yên cả ngày.
  • Trẻ có vẻ nôn thường xuyên hơn khi chuyển từ sữa mẹ sang dùng sữa công thức. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh dị ứng đạm sữa bò.
  • Dịch nôn không phải là thức ăn mà có màu đỏ máu, xanh rêu hoặc vàng sậm.
  • Bạn đối chiếu với các đặc điểm nêu trên và nghĩ con bị ói chứ không phải nôn trớ.

Đọc thêm: Mách bạn cách giảm nôn trớ cho trẻ chuẩn khoa học.

  1. Gastroesophageal reflux in infants – https://www.uptodate.com/contents/gastroesophageal-reflux-in-infants?search=gerd&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1
  2. Why Babies Spit Up – https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/Why-Babies-Spit-Up.aspx
  3. Gastroesophageal Reflux in Infants and Children – https://www.aafp.org/afp/2015/1015/p705-s1.html
  4. Is All This Baby Spit-Up Normal?- https://www.healthline.com/health/baby/baby-spit-up
  5. Nôn trớ trẻ em – Giáo trình Nhi khoa Tập 1 – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.