Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi – Một cái nhìn tổng quan

Nếu bạn lần đầu làm cha mẹ, một tuần đầu tiên trong cuộc đời của con có thể là khoảng thời gian đầy thách thức. Mặc dù là trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi nhưng con có rất nhiều bước tiến trong quá trình tăng trưởng và phát triển.

Tăng trưởng thể chất

Các chỉ số thể chất bình thường

  • Cân nặng: 3000 – 3500g
  • Chiều dài: 48 – 50cm
  • Vòng đầu: 34 – 35cm
  • Đường kính thóp: 2 – 3cm

Nhưng tại sao phải quan tâm đến vòng đầu và đường kính thóp? Các bác sĩ đo chỉ số này như một cách đơn giản để đánh giá sự phát triển của não. Vòng đầu nhỏ và đường kính thóp hẹp có thể là chỉ điểm cho bất thường ở não.

Đối với trẻ sinh non

  • Cân nặng: thường dưới 2500g
  • Chiều dài: dưới 47cm
  • Vòng đầu: dưới 33cm

Kích thước của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi sẽ không phản ánh chính xác thể chất của con khi trưởng thành. Ví dụ, một trẻ sinh nhẹ cân nhưng vẫn trong giới hạn bình thường, không có nghĩa lúc lớn trẻ đó sẽ gầy yếu.

Hiện tượng sụt cân sinh lý

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết hầu hết trẻ sơ sinh sụt khoảng 10% trọng lượng ban đầu trong ba đến bốn ngày đầu đời. Cân nặng sẽ trở lại trong vòng 7 ngày. Sau khi đạt cân nặng lúc sinh trở lại, trẻ 1 tuần tuổi tăng cân rất nhanh khoảng 0.1 đến 0.2kg mỗi tuần trong vài tháng đầu tiên.

Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi có thể làm gì

Các giác quan

  • Trẻ có thể nghe được, giật mình với tiếng động lớn hoặc đáp ứng với lời nói của mẹ.
  • Vị giác cũng hoạt động. Trẻ thích vị ngọt, ghét vị đắng và chua.
  • Bạn cần kích thích xúc giác của trẻ với phương pháp da kề da.
  • Đặc biệt, trẻ chủ yếu dựa vào khứu giác (ngửi mùi sữa mẹ) để tìm đến bầu vú.
  • Cuối cùng, trẻ có thể nhìn được các vật trong tầm 30 – 40cm. Đây cũng là khoảng cách để trẻ nhìn thấy mặt của mẹ.

Hoạt động tay chân

  • Trương lực cơ (khả năng cơ tự co ở một mức độ nhất định) của trẻ tăng ở tay chân, giảm ở cổ và thân mình. Vì vậy khi bồng bế bạn sẽ cảm giác trẻ thật mềm, giữ cổ không vững. Trong khi đó, tay chân có khuynh hướng co lại.

Hãy chú ý, các vận động và vị trí tay chân của trẻ là tự phát và không tuân theo khuôn mẫu nào. Khi nằm ngửa, các chi ở tư thế khác nhau. Nếu bạn thấy cổ, tay, chân của trẻ giữ yên tại một tư thế kéo dài, đó có thể là dấu hiệu bất thường về vận động.

Các phản xạ

  • Nở nụ cười tự phát. Trẻ cười trong những ngày đầu tiên và phải xuất hiện khi con được 10 tuần tuổi. Nụ cười tự phát không giống với cười xã giao để đáp lại điều gì đó, chẳng hạn khi bạn nói hoặc hát cho con nghe. Trẻ phát triển nụ cười xã hội muộn hơn, khi chúng được 1-2 tháng tuổi.
  • Các phản xạ nguyên phát ở trẻ sơ sinh. Hai phản xạ chính là bú và nắm tay. Bàn tay của trẻ tự động nắm lại khi có vật đặt vào lòng bàn tay. Miệng trẻ sẽ tự động bú khi bạn chạm vào cằm hoặc môi.

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Nguyên tắc giấc ngủ an toàn của AAP

  • Không ngủ chung dưới bất kỳ hình thức nào.
  • Ở chung phòng với con trong sáu tháng đầu.
  • Để con ngủ trong nôi hoặc cũi gần giường của mẹ, không để trẻ ngủ trên giường.
  • Luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ (không nằm nghiêng hoặc nằm sấp), bề mặt ngủ chắc chắn, được lót khăn mềm vừa vặn.
  • Không nên có bất cứ thứ gì trong nôi, kể cả những đồ vật mềm như gối hoặc đồ chơi.
  • Quấn khăn xung quanh trẻ sẽ giúp con có cảm giác được vỗ về.
  • Đọc thêm: Có nên cho trẻ nằm nôi.
  • Đọc thêm: Giấc ngủ của trẻ sơ sinh.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Bạn có thể chọn cho trẻ bú sữa mẹ, sữa mẹ vắt ra từ bình, sữa công thức từ bình, hoặc hỗn hợp sữa mẹ và sữa công thức. (Đọc thêm: Kết hợp sữa mẹ và sữa công thức sao cho đúng)

Sữa mẹ

Sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau nên bạn có thể chọn một chiến lược cho con bú phù hợp.

Nếu bạn cần trợ giúp về việc nuôi con bằng sữa mẹ, đừng ngần ngại gọi cho chuyên gia tư vấn cho con bú, y tá hoặc bác sĩ khi bạn đang ở bệnh viện và sau khi xuất viện.

Thời gian đầu cho con bú có thể không thoải mái, đặc biệt là khi sữa về nhiều và ngực căng lên, nhưng việc này không nên gây đau hoặc chảy máu. Nếu bạn bị sốt hoặc có bất kỳ nốt đỏ, cứng nào ở vú, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức.

Đọc thêm: Sữa mẹ có màu gì và nó thay đổi ra sao.

Đọc thêm: Cho bé bú đúng cách – Khuyến cáo từ WHO.

Những lời khuyên hữu ích

  • Cho trẻ bú 8 – 12 lần mỗi ngày trong vài tuần đầu tiên.
  • Cố gắng cho trẻ bú đều cả hai vú, mỗi lần cho trẻ bú hoàn toàn một bên vú. Có nhiều loại sữa khác nhau được tiết ra trong thời gian đầu, giữa cữ và cuối cữ bú. Ví dụ, dòng sữa ở phần cuối cữ bú đặc biệt chứa rất nhiều chất béo cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ.
  • Tránh dùng sữa công thức nếu bạn có thể cho con bú sữa mẹ, trừ khi bác sĩ nhi khoa cho rằng dùng sữa công thức là cần thiết.
  • Tìm hiểu thêm về sữa mẹ cách chọn bình sữa cho con.

Sữa công thức

Nếu không thể bú sữa mẹ, trẻ 1 tuần tuổi có thể uống sữa công thức. Trẻ sẽ dùng khoảng một đến hai ounce (30 – 60ml) mỗi lần, sau mỗi hai đến ba giờ, trong vài ngày đầu tiên. Lượng sữa sẽ tăng dần lên hai đến bốn ounce (60 – 120ml) vào cuối tuần đầu tiên.

Cho trẻ bú bao nhiêu lần mỗi ngày

Trong những tuần đầu tiên, tốt nhất bạn nên cho con bú theo nhu cầu, thường là mỗi 2 đến 3 giờ tức 8 – 12 lần trong 24h. Nếu trẻ không tự thức dậy sau khoảng 3 giờ để bú, bạn nên đánh thức trẻ.

Chăm sóc trẻ cơ bản

Chăm sóc rốn

Không nên bôi bất kỳ thứ gì lên rốn của con đến khi nó rụng đi. Thay vào đó, AAP khuyến nghị các bậc cha mẹ thực sự không nên làm gì cả! Dây rốn của con bạn sẽ tự rụng sau khoảng một tuần.

Tắm trẻ

Để tránh làm cuống rốn quá ướt (và giúp rốn khô nhanh hơn) bạn có thể sử dụng phương pháp tắm dành cho trẻ sơ sinh không nhúng vùng rốn. Trước tiên hãy rửa bằng nước xà phòng, sau đó là nước ấm để làm sạch da của trẻ.

Bạn có thể thấy nhiều mảng trắng trên da bé. Đó là chất vernix bảo vệ làn da của con khi còn trong bụng mẹ và hoàn toàn bình thường. Da của em bé có thể bị khô và nứt nẻ vào thời điểm này, đây là một hiện tượng bình thường khi trẻ không còn trong bụng mẹ.

Thay tã

Trong những ngày đầu tiên, trẻ 1 tuần tuổi vẫn sẽ đi ngoài phân su (hỗn hợp các tế bào da, chất nhờn và các chất khác mà bé ăn phải trong khi sinh), điều này làm cho phân có màu xanh sẫm, dính, giống hắc ín.

Khi con bạn được 5-7 ngày tuổi, trẻ nên có 6 tã ướt trở lên và 3 đến 4 lần phân lỏng màu vàng mỗi ngày.

Đọc thêm: Nước tiểu trẻ sơ sinh – Tất cả những gì bạn cần biết.

Ợ hơi

Bạn nên giúp trẻ ợ hơi sau mỗi lần bú để tránh đầy hơi và quấy khóc. Trẻ bú sữa mẹ không cần ợ hơi thường xuyên như trẻ bú bình vì không nuốt nhiều không khí trong khi bú.

Những mối lo thường gặp

Một trong những lo lắng phổ biến nhất của cha mẹ là vàng da sơ sinh.

Vàng da sơ sinh vừa là một tình trạng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là bệnh lý.

Khi ra khỏi bụng mẹ, trẻ cần phải đào thải hồng cầu thai nhi để thay thế bằng hồng cầu thích hợp với môi trường bên ngoài. Quá trình đào thải giải phóng bilirubin, chất này thường được gan xử lý và loại bỏ qua chuyển động của ruột. Tuy nhiên, nếu các bước trên bị rối loạn, bilirubin có thể tích tụ và gây vàng da.

Khi nào cần gặp bác sĩ

  • Nếu da hoặc mắt của con bạn ngày càng vàng (vàng đậm ngả về màu cam, vàng da đến dưới rốn).
  • Trẻ không bú mẹ hoặc bú bình tốt.
  • Trẻ không có đủ tã ướt (thường là dưới 6 tã một ngày)
  • Con khó đánh thức hoặc quấy khóc khó dỗ.
  1. https://www.verywellfamily.com/your-one-week-old-baby-development-and-milestones-4169487
  2. Sự phát triển thể chất trẻ em – Giáo trình Nhi khoa tập 1 – Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  3. Healthy Children.org. (2009). Tracking your baby’s weight and measurements. American Academy of Pediatrics.