Trẻ tập nói như thế nào – Các mốc phát triển dễ nhận biết

Con đã bắt đầu kêu baba và bạn rất vui, nhưng làm sao để chắc chắn trẻ tập nói đúng theo phát triển bình thường? Những nguyên nào thường gặp khiến trẻ chậm nói? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Key takeaways

  • Khả năng ngôn ngữ là kết quả phối hợp của thính lực, hoạt động trí não và mong muốn được nói.
  • Hãy theo dõi các cột mốc phát triển ngôn ngữ để đảm bảo trẻ đang phát triển bình thường.
  • Nếu bạn lo lắng vì con chậm nói, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể nhé, đừng chờ đợi.

Trẻ tập nói thế nào

Hiểu và vận dụng ngôn ngữ là một kỹ năng thiết yếu mà trẻ cần học được trong quá trình lớn lên. Vậy để con nói tốt cần có những yếu tố nào?

  • Thính lực tốt để nghe âm thanh và ngôn ngữ.
  • Khả năng ghi nhớ từ vựng.
  • Não có thể diễn giải ý nghĩa của ngôn từ.
  • Vận động cơ ở miệng bình thường.
  • Và mong muốn dùng ngôn ngữ để thể hiện điều mình muốn.

Khi trẻ đã có đủ các điều kiện trên, con sẽ liên tục tích góp các yếu tố liên quan đến ngôn ngữ như: từ vựng, mẫu câu, cử chỉ và hình ảnh. Quá trình này diễn ra liên tục, đến một thời điểm sẽ đủ để trẻ hiểu và tham gia vào các giao tiếp phức tạp.

Quá trình trẻ tập nói có thể được chia thành hai khía cạnh:

  • Nghe hiểu (receptive language): trẻ có thể hiểu được ngôn ngữ, cử chỉ hoặc thái độ của người đối diện.
  • Biểu đạt (expressive language): trẻ có thể dùng ngôn ngữ để thể hiện điều mình muốn.
  • Khả năng nghe hiểu thường phát triển trước, tạo nền tảng cho việc vận dụng ngôn ngữ.

Đọc thêm: Bao giờ trẻ bắt đầu nói – Hiểu đúng để yên tâm hơn.

Theo dõi trẻ tập nói qua các mốc thời gian

Khả năng nghe hiểu

  • 1 tháng tuổi: nghe được âm thanh.
  • 2 tháng: mỉm cười xã giao với cha mẹ.
  • 4 tháng: xoay đầu về phía có âm thanh.
  • 10 tháng: phân biệt được khen và cấm. Hiểu ý nghĩa “Không được!”
  • 12 tháng: thực hiện được mệnh lệnh có một bước.
  • 18 tháng: xác định được các bộ phận trên cơ thể.
  • 24 tháng: thực hiện được mệnh lệnh có hai bước.
  • 30 tháng: hiểu được khái niệm “một”

Khả năng biểu đạt

  • 3 tháng tuổi: thỏ thẻ những tiếng sơ khởi.
  • 4 tháng: mỉm cười với điều mình thích.
  • 6 tháng: bập bẹ được một vài âm.
  • 9 tháng: nói được âm đơn như dada, mama nhưng không đúng đối tượng.
  • 10 tháng: nói dada, mama đúng với cha mẹ.
  • 12 tháng: nói được cụm hai từ.
  • 18 tháng: vốn từ vựng tăng lên 7 – 10 từ.
  • 24 tháng: vốn từ vựng tăng lên 50 từ, trẻ bắt đầu thích nói và nói rất nhiều.

Con của bạn có đạt được các cột mốc trên theo đúng theo dự kiến không? Nếu không, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể nhé.

Đọc thêm: Làm gì khi trẻ chậm nói – Phát hiện và can thiệp sớm.

Có những loại rối loạn phát triển ngôn ngữ nào

Có ba loại rối loạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ em:

Rối loạn biểu đạt: trẻ không biết cách dùng ngôn ngữ (bằng cả ngôn từ và cử chỉ) để thể hiện mong muốn của mình. Ngoài ra còn có các rối loạn về phát âm. Cha mẹ thường chú ý đến khi con không nói được nhiều như những đứa trẻ cùng trang lứa.

Rối loạn nghe hiểu: trẻ không thể nghe hiểu ngôn ngữ, thường sẽ đi kèm với mất khả năng biểu đạt. Cha mẹ thường chú ý đến khi con không thể hiểu và làm theo những yêu cầu đơn giản.

Không hiểu được ngữ cảnh: trẻ không hiểu được các giao tiếp không lời như âm điệu, sắc thái lời nói, cử chỉ hoặc vẻ mặt. Dạng rối loạn này thường gặp ở trẻ bị tự kỷ hoặc rối loạn giao tiếp xã hội.

Trẻ tập nói không được vì nguyên nhân gì

Như bạn đã biết, khả năng ngôn ngữ là kết quả phối hợp của nhiều yếu tố. Bất thường ở bất kỳ yếu tố nào cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận dụng ngôn ngữ của con. Hãy xem qua một số ví dụ nhé:

  • Trẻ bị viêm tai giữa nhiều lần gây giảm thính lực, làm con chậm nói.
  • Các bệnh gây chậm phát triển trí tuệ như bệnh Down ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ và hiểu ngôn ngữ.
  • Trẻ bị tự kỷ bị thiếu hụt các liên kết xã hội, điều này khiến con không thích các mối quan hệ xã hội và không hiểu được ngôn ngữ không lời.

Đọc thêm: Trẻ chậm nói có phải là dấu hiệu của bệnh tự kỷ không.

Nếu con của bạn đang gặp vấn về phát triển ngôn ngữ, trang web có một chuỗi các bài viết có thể giải đáp thắc mắc cho bạn, hãy tham khảo qua nhé.

  1. Developmental Evaluation – Developmental and Behavioral Pediatrics – American Academy of Pediatrics.
  2. Sự phát triển tâm thần – vận động ở trẻ em – Giáo trình nhi khoa – Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  3. https://www.understood.org/articles/en/what-are-language-disorders
  4. https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=language-disorders-in-children-160-238#:~:text=Children%20who%20have%20a%20language,that%20they%20hear%20and%20read.
  5. https://www.cdc.gov/ncbddd/childdevelopment/language-disorders.html