Trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy – Mách bạn cách xử trí

Trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy là một vấn đề thường gặp. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì, nó có nguy hiểm không và bạn nên xử trí như thế nào? Bài viết sẽ giúp bạn có câu trả lời.

Key takeaways

  • Tiêu chảy do sử dụng kháng sinh khá phổ biến ở trẻ em. Trong phần lớn trường hợp bệnh thường nhẹ.
  • Trẻ bị tiêu chảy nhẹ nên hoàn tất số ngày dùng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu trẻ tiêu chảy, hãy cho trẻ uống nước nhiều hơn so với bình thường.
  • Bạn không nên cho trẻ dùng probiotic hoặc các loại thuốc khác khi không có ý kiến từ bác sĩ.

Tiêu chảy do sử dụng kháng sinh là gì

Đây là tình trạng tiêu chảy xảy ra trong hoặc sau khi sử dụng kháng sinh, mà không có nguyên nhân khác gây tiêu chảy.

Tiêu chảy có thể xảy ra sau khi bắt đầu dùng kháng sinh từ vài ngày đến vài tuần. Trẻ tiêu phân lỏng nước, kéo dài từ 1 đến 7 ngày.

Tuy nhiên, ngoài kháng sinh cũng có nhiều nguyên nhân khác như:

  • Nhiễm vi khuẩn đường ruột.
  • Nhiễm virus đường ruột.
  • Sử dụng thuốc tẩy xổ.
  • Dị ứng, ngộ độc thức ăn.

Tại sao trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy

Cơ chế chính xác tại sao kháng sinh gây tiêu chảy vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng rối loạn hệ khuẩn đường ruột có thể là nguyên nhân chính.

Đại tràng là nơi tái hấp thu nước chủ yếu trong đường ruột. Khi các vi khuẩn có lợi tại đây bị tổn thương do kháng sinh, chúng sẽ giảm chuyển hoá acid béo và carbohydrate. Điều này làm thay đổi pH và nồng độ thẩm thấu. Kết quả là quá trình tái hấp thu nước ở đại tràng bị rối loạn gây ra tiêu chảy.

Loại kháng sinh nào dễ gây tiêu chảy? Đó là các kháng sinh đường uống và có phổ kháng khuẩn rộng. Hiện nay có ba loại kháng sinh thường gây tiêu chảy là amoxicillin, augmentin và erythromycin.

Bệnh có nguy hiểm không

Gián đoạn điều trị

Tiêu chảy gây nhiều phiền toái cho trẻ và cha mẹ:

  • Khiến trẻ phải nghỉ học, cha mẹ nghỉ làm để chăm sóc con.
  • Cha mẹ lo lắng và có thể tự ý ngưng kháng sinh cho con.
  • Khiến bác sĩ gặp khó khăn trong điều trị. Trẻ có thể phải đổi loại thuốc kháng sinh.

Biến chứng nguy hiểm

Trên lý thuyết có hai nguy cơ chính cần quan tâm:

  • Trẻ mất nước do tiêu chảy nặng. Mất nước cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Trẻ bị nhiễm Clostridium difficile. Loại vi khuẩn này có thể gây tiêu chảy nặng nề hơn và viêm đại tràng giả mạc.

Thực tế

Thật may mắn, một nghiên cứu đã chỉ ra tiêu chảy do kháng sinh thường không gây hậu quả nặng nề [1]:

  • Nghiên cứu theo dõi 650 trẻ em sử dụng kháng sinh trong 11 tháng.
  • Có 11% trẻ dùng kháng sinh bị tiêu chảy.
  • Phần lớn ở lứa tuổi còn mang tã (18% trẻ dưới 2 tuổi).
  • Đặc biệt, không trẻ nào bị tiêu chảy nặng, chỉ có một trẻ cần phải đổi loại kháng sinh.
  • Viêm đại tràng do Clostridium difficile không phổ biến ở trẻ em.

Như vậy, tiêu chảy do kháng sinh ít gây biến chứng nguy hiểm và thường tự khỏi sau khi ngưng kháng sinh.

Tôi nên làm gì

Tiếp tục dùng kháng sinh

Nếu trẻ chỉ tiêu chảy nhẹ, ngắn ngày, bạn nên tiếp tục cho trẻ dùng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc tự ý ngưng kháng sinh có thể khiến trẻ không khỏi bệnh và gây kháng thuốc.

Bổ sung nước đầy đủ cho con

Trẻ tiêu chảy mất nước nhiều nên được bổ sung thêm nước. Bạn cần khuyến khích con uống nước nhiều hơn bình thường. Lưu ý, không cho trẻ uống nước trái cây hoặc nước ngọt, chúng khiến tiêu chảy nặng hơn.

Đọc thêm: Nhu cầu nước hàng ngày ở trẻ em

Vấn đề sử dụng probiotic

Probiotic là các lợi khuẩn được bào chế ở dạng uống. Các nhà khoa học cho rằng dùng probiotic có thể làm giảm tiêu chảy. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đủ bằng chứng ủng hộ cho việc này.

Bạn có thể bổ sung lợi khuẩn từ thức ăn như yogurt nhưng không nên cho trẻ dùng probiotic nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, không nên cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy như loperamide. Làm vậy này có thể khiến tình trạng viêm ruột của trẻ nặng hơn.

Bao giờ cần gặp bác sĩ

Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu trẻ có các dấu hiệu sau:

  • Trẻ tiêu chảy nặng.
  • Trẻ rất mệt, không thể uống nước.
  • Có dấu hiệu mất nước: tiểu ít, mệt đừ, khóc không có nước mắt, môi khô, thóp trũng.
  • Sốt mới khởi phát.
  • Có máu trong phân.
  • Bạn cần đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay nếu: trẻ đau bụng dữ dội, có máu trong phân lượng nhiều.