Trị hăm tã cho bé đúng cách và khoa học

Hăm tã rất thường gặp ở trẻ em và có nhiều lời khuyên khác nhau để chăm sóc con. Bạn băn khoăn không biết như thế nào là đúng và đang tìm kiếm một phương pháp trị hăm tã an toàn và khoa học. Vậy thì đây chính là bài viết mà bạn đang cần.

Key takeaways

  • Nếu trẻ bị hăm tã lần đầu, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc và dùng thuốc bôi da.
  • Hãy thay tã cho con thường xuyên hơn và để da có thời gian tiếp xúc trực tiếp với không khí.
  • Các sản phẩm dùng cho trẻ cần không mùi, không chất bảo quản, không chứa cồn, không gây kích ứng và có pH trung tính hoặc axit nhẹ.

Hiểu về hăm tã

Trước hết, hãy cùng điểm qua một số điểm đặc biệt về làn da của trẻ:

  • Da của con không hề hoàn thiện ngay từ lúc mới sinh mà trưởng thành dần cho đến khi trẻ được 1 tuổi.
  • Làn da trẻ rất mỏng, dễ bị bong tróc nếu cọ sát mạnh, dễ bị khô, dễ viêm nhiễm và có thể thấm với các chất độc.
  • Do đó, bạn cần giữ cho da không bị mất nước, ít cọ sát và tránh tiếp xúc với các chất độc (phân, nước tiểu và một số hoá chất).

Về hăm tã, đây là một bệnh viêm da do tiếp xúc. Có nhiều yếu tố khiến trẻ bị hăm tã:

Trị hăm tã như thế nào

Giữ vệ sinh và chăm sóc da

Việc đầu tiên bạn cần làm là thay tã cho trẻ thường xuyên hơn, giảm thời gian da tiếp xúc với phân và nước tiểu. Nếu có thể, hãy cho da có thời gian khô thoáng và tiếp xúc trực tiếp với không khí (ví dụ một vài giờ mỗi ngày).

Tiếp đến, hãy lưu ý một số điều khi vệ sinh cho con:

  • Lau cho con bằng khăn mềm và nước ấm. Lau hết sức nhẹ nhàng tránh làm bong tróc da.
  • Tất cả sản phẩm như khăn ướt, xà phòng cần: không chứa cồn (alcohol), không mùi, không chất bảo quản và có pH trung tính hoặc axit nhẹ.
  • Hãy ngừng sử dụng nếu trẻ có dấu hiệu dị ứng với các sản phẩm chăm sóc da. Đôi khi chỉ cần dùng nước ấm là đủ.

Chọn tã cho con

  • Việc quan trọng nhất là đảm bảo kích cỡ của tã phù hợp với trẻ. Hãy cân trẻ trước khi mua tã vì kích thước tuỳ thuộc vào cân nặng của con.
  • Không để trẻ mặc cố định một cỡ tã trong thời gian dài.
  • Tã không được tạo vết hằn trên da của trẻ.
  • Hãy chọn những loại tã có tính thấm tốt. Nếu được hãy mua loại có vạch báo hiệu tã đã đầy.

Hiện không có đủ bằng chứng khoa học chứng minh dùng tã giấy hay tã vải sẽ ít gây hăm tã hơn. Do đó, hãy chọn cách nào phù hợp với bạn nhất.

Thuốc và các sản phẩm chăm sóc da

Dùng thuốc gì để trị hăm tã cho trẻ

Trẻ bị hăm tã nên dùng các loại kem dưỡng ẩm. Thuốc tạo một lớp màng chắn giúp giữ cho da không bị khô và giảm cọ sát. Bạn nên bôi thuốc cho con sau mỗi lần thay tã. Hãy đến gặp bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn dùng thuốc.

Nếu con bị hăm tã nặng, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Họ sẽ đánh giá độ nặng, xem da có bị nhiễm khuẩn không và hướng dẫn bạn cách trị hăm tã.

  • Nếu trẻ chỉ bị viêm da đơn thuần, các bác sĩ sẽ cho con bôi corticosteroid.
  • Nếu bác sĩ nghĩ con nhiễm nấm, trẻ sẽ cần dùng thuốc kháng nấm như clotrimazole hoặc nystatin.

Tuyệt đối không tự mua thuốc bôi da cho trẻ. Hãy nhớ rằng da trẻ nhỏ rất dễ thấm với chất độc. Ví dụ, dùng thuốc bôi da trị hăm tã có chứa corticosteroid hoạt tính mạnh có thể gây suy thượng thận dù chỉ dùng vài ngày.

Lưu ý về thuốc và các sản phẩm chăm sóc da

Bạn không nên dùng bột (phấn rôm) để phủ lên da cho con, bột có thể gây viêm phổi nếu trẻ hít phải. Các loại bột có chứa baking soda hoặc axit boric có thể khiến trẻ bị ngộ độc.

Hãy tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có đặc điểm sau:

  • Có mùi, có chứa chất bảo quản.
  • Có pH kiềm (xà phòng chúng ta tắm hằng ngày có pH kiềm).
  • Có chứa các chất như cồn, neomycin, phenol, benzocaine, salicylate.
  • Là sản phẩm dùng cho người lớn, không được ghi chú có thể dùng cho trẻ em.
  • Đọc thêm: Tắm cho bé – Tất cả những gì bạn cần biết.