• Trong phần lớn các trường hợp, vắt sữa mẹ ra máu là lành tính và tự hết sau vài ngày.
  • Nếu sữa chỉ lẫn một ít máu thì trẻ bú mẹ vẫn an toàn. Bạn không cần phải đổ bỏ sữa đi mà hãy tiếp tục cho con bú.
  • Các tình huống bạn nên đến gặp bác sĩ
    • Có máu trong sữa và bầu vú có dấu hiệu viêm (sưng, nóng, đỏ đau).
    • Phân của trẻ lẫn máu và bạn không thấy máu trong sữa mẹ.
    • Bạn không thấy rõ nguồn chảy máu và tình trạng không chấm dứt sau vài ngày.

Sữa mẹ có màu máu

Sữa mẹ thật sự có thể thay đổi màu sắc theo màu của thức ăn. Do đó, nếu bạn thấy sữa có màu đỏ, hãy nhớ lại xem mình có dùng thực phẩm có màu đỏ/hồng hay không. Các thực phẩm như thịt bò, nước ngọt, trái cây có thể là nguyên nhân cho tình trạng này.

Cuối cùng, máu có thể làm thay đổi màu sắc của sữa mẹ sang màu đỏ, hồng, nâu hoặc rỉ sét. Bạn không nên quá lo lắng, thông thường tình trạng này sẽ sớm chấm dứt sau vài ngày.

Đọc thêm: Sữa mẹ có màu gì và nó thay đổi ra sao.

Nguyên nhân vắt sữa mẹ ra máu

Nhìn chung, xuất hiện máu trong sữa mẹ thường không quá đáng lo. Các nguyên nhân có thể là:

Tổn thương ở núm vú

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Các tổn thương có thể là nứt, nổi bóng nước, chàm, xây xước ở quầng vú hoặc núm vú. Khi trẻ bú, máu từ núm vú pha lẫn vào sữa mẹ khiến nó có màu đỏ. Tình trạng này sẽ sớm thuyên giảm khi núm vú lành thương.

Hội chứng ống nước rỉ sét (Rusty pipe syndrome)

Sau khi sinh, bầu vú căng lên do máu tập trung về nhiều. Lượng máu này có thể thấm từ mạch máu vào ống tuyến sữa, khiến sữa non có màu nâu và rỉ sét (như nước chảy từ ống nước rỉ sét).

Sữa có thể trông không ngon mắt và đáng lo, nhưng thực sự chất lượng sữa vẫn đảm bảo. Bạn không nên đổ sữa đi mà hãy tiếp tục cho bú. Hội chứng ống nước rỉ sét thường gặp ở các phụ nữ làm mẹ lần đầu, không gây đau, lành tính và tự chấm dứt.

Vỡ mao mạch

Các mao mạch ở bầu vú có thể bị vỡ do dùng máy hút sữa sai cách hoặc do chấn thương. Máu từ các mao mạch đi vào dòng sữa và gây thay đổi màu sắc.

Viêm vú

Viêm vú do nhiễm trùng có thể khiến máu đi vào dòng sữa. Các triệu chứng khác của viêm vú là: sưng, nóng, đỏ, đau và sốt.

Khối u lành tính

Nếu có máu trong sữa mà bầu vú của bạn không có biểu hiện viêm và núm vú không tổn thương, thì nguyên nhân có thể do khối u lành tính. U nhú trong ống tuyến sữa khá thường gặp và đây không phải là ung thư.

Ung thư vú

Thông thường, tình trạng máu trong sữa mẹ sẽ tự hết. Nếu không, hãy đến gặp bác sĩ. Có một số bệnh ung thư vú có thể gây xuất huyết vào sữa mẹ như carcinoma ống tuyến hoặc bệnh Paget.

Ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh

Một lượng nhỏ máu có trong sữa thường không ảnh hưởng đến trẻ, nhưng vẫn có một số bé gặp phải các vấn đề.

Trẻ từ chối bú mẹ

Một lượng lớn máu có thể làm thay đổi mùi vị của sữa mẹ. Trẻ có thể không thích mùi vị mới và từ chối bú.

Nôn ói

Một lần nữa, quá nhiều máu trong sữa có thể khiến trẻ nôn ói khi bú mẹ.

Thay đổi tính chất phân

Nếu trẻ bú sữa mẹ có lẫn máu, phân của trẻ có thể chuyển sang đậm màu hoặc có máu nhìn thấy được. Nếu bạn chắc chắn rằng đây là máu từ sữa mẹ thì không sao cả.

Ngược lại, nếu trong phân của trẻ có lẫn máu nhưng bạn không nhìn thấy máu trong sữa mẹ, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay. Trẻ có thể bị xuất huyết tiêu hoá.

Bạn cần phải làm gì

  • Bạn không cần phải ngừng việc cho con bú. Trẻ vẫn có thể bú mẹ nếu chỉ có một ít máu trong sữa mẹ. Nếu bạn thực sự lo lắng, hãy gọi cho bác sĩ để hỏi thêm thông tin.
  • Nếu bạn thấy rõ máu chảy từ núm vú (hoặc núm vú bị tổn thương), hãy xem lại và thực hành cho con bú đúng cách. Bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc sữa mẹ để hỗ trợ sự lành thương của núm vú.

Trẻ ngậm bắt núm vú kém là nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương núm vú.

  • Nếu việc cho con bú gây đau nhiều, bạn nên ngừng lại, để núm vú có thời gian lành thương. Trong thời gian này, bạn có thể cho con bú bình, với sữa mẹ vắt hoặc sữa công thức.
  • Nếu bạn không thấy rõ nguồn chảy máu, hãy đợi vài ngày để tình trạng tự thuyên giảm.
  • Nếu sau vài ngày mà tình trạng máu trong sữa mẹ không hết, hãy đến gặp bác sĩ ngay.
  • Hãy đến gặp bác sĩ nếu bầu vú có dấu hiệu viêm (sưng, nóng, đỏ, đau).
  • Máu có thể làm thay đổi mùi vị của sữa, đặc biệt nếu bạn trữ đông. Do đó, nếu bạn dùng sữa lẫn máu lúc còn tươi, trẻ sẽ ít từ chối hơn.
  1. Biến chứng ở tuyến vú thời kỳ hậu sản – Giáo trình sản khoa – Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  2. Lawrence, Ruth A., MD, Lawrence, Robert M., MD. Breastfeeding A Guide For The Medical Profession Seventh Edition. Mosby. 2011.
  3. https://www.verywellfamily.com/blood-in-breast-milk-431550
  4. https://www.breastfeeding.asn.au/bfinfo/unusual-appearances-breastmilk