Vỗ lưng ợ hơi cho trẻ – Chi tiết từng bước cho mẹ
Vỗ lưng ợ hơi là một cách dễ thực hiện để giảm nôn trớ ở trẻ nhỏ. Vậy vỗ lưng ợ hơi như thế nào, bao lâu một lần và cần lưu ý những gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Vỗ lưng ợ hơi là gì
Khi bú mẹ hoặc bú bình, bên cạnh sữa bé còn nuốt không khí. Quá nhiều không khí làm giảm sức chứa dạ dày, vốn đã rất hạn chế ở trẻ nhỏ.
Giảm sức chứa và tăng áp lực dạ dày làm trẻ khó chịu, quấy khóc và dễ nôn trớ sau khi ăn.
Một số bé có thể tự ợ hơi ra ngoài nhưng một số khác thì không và cần cha mẹ hỗ trợ. Vỗ lưng ợ hơi là một cách đơn giản để đuổi lượng không khí không cần thiết này ra ngoài.
Cách vỗ lưng ợ hơi cho trẻ
Thời điểm
Không có một quy tắc nhất định về thời điểm vỗ lưng ợ hơi cho con. Bạn là người hiểu trẻ nhất, hãy quan sát và tìm ra thời điểm thích hợp với con, có thể là giữa hoặc sau cữ bú.
Những dấu hiệu rõ ràng để bạn biết cần vỗ lưng ợ hơi cho bé là:
- Trẻ quấy khóc, khó chịu sau bú. Thông thường, sau khi bú là thời điểm trẻ thoải mái và dễ chìm vào giấc ngủ nhất.
- Trẻ khó chịu và không tiếp tục cữ bú. Bạn có thể thử vỗ lưng ợ hơi cho con, tạo thời gian nghỉ ngắn rồi tiếp cho con bú.
- Trẻ thường ọc ói sau khi bú. Vỗ lưng ợ hơi giúp đuổi không khí ra ngoài, giảm áp lực dạ dày và giảm ọc ói.
Tư thế an toàn
Có 3 tư thế an toàn và dễ thực hiện để vỗ lưng ợ hơi cho trẻ:
- Xoay mặt trẻ vào người và để cằm của con tựa lên vai. Dùng một tay đỡ mông và tay kia vỗ nhẹ vào lưng trẻ.
- Đặt trẻ ngồi trên đùi, một tay đỡ ngực và tay còn lại vỗ lưng trẻ.
- Đặt trẻ nằm sấp trên đùi của bạn, một tay đỡ nhẹ ở vùng cằm mặt, tay còn lại vỗ lưng trẻ.
Dùng tay cọ và vỗ nhẹ vào lưng của con trong khoảng vài phút là đủ đế tống không khí trong dạ dày ra ngoài.
Bao lâu một lần
Không có một quy tắc nhất định về vấn đề này, tần suất vỗ lưng ợ hơi phụ thuộc vào cách bạn cho con bú:
- Đối với trẻ bú mẹ. Có lẽ bạn đã biết cần cho con bú đều cả hai bầu vú để giảm tắc sữa. Thời điểm chuyển tiếp giữa hai bầu vú là lúc thích hợp để vỗ lưng ợ hơi và tạo khoảng nghỉ cho trẻ. Bạn cần lưu ý một số bé không chịu đổi bầu vú vì cái bụng đầy hơi làm trẻ khó chịu, không phải vì bé đã no.
- Đối với trẻ bú bình. Vỗ lưng ợ hơi cho con ít nhất một lần trong suốt cữ bú hoặc sau mỗi 60 – 90ml sữa. Bạn có thể vỗ lưng thường xuyên hơn nếu con quấy khóc khó chịu khi bú.
Làm gì nếu con không ợ hơi
Nếu những cách trên không hiệu quả và trẻ vẫn có dấu hiệu đầy hơi (quấy khóc, cong người, co chân vào bụng, nắm chặt tay); hãy thử để trẻ nằm ngửa, và mát xa bụng cho con. Bạn cũng nên cầm hai chân trẻ và cử động theo tư thế đạp xe. Nếu vẫn không hiệu quả hãy thử đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn về cách chăm sóc con nhé.
Đọc thêm: Mách bạn cách giảm nôn trớ cho trẻ chuẩn khoa học.
- https://www.nhs.uk/start4life/baby/feeding-your-baby/breastfeeding/how-to-breastfeed/burping-your-baby/
- https://www.whattoexpect.com/first-year/baby-care/how-to-burp-your-baby/
- https://www.verywellfamily.com/breastfeeding-and-infant-spit-ups-431719
- https://www.unicef.org/parenting/child-care/how-to-burp-baby
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/how-to-burp-a-baby