Xử trí điện giật ở trẻ em

Điện giật là một tai nạn cực kỳ nghiêm trọng ở trẻ em. Dòng điện cường độ cao chạy qua cơ thể gây tổn thương cơ quan nội tạng, bỏng và đe doạ tử vong. Do đó, biết cách xử trí điện giật và phòng tránh là cực kỳ cần thiết đối với các bậc cha mẹ.

Nguyên nhân gây điện giật

Điện giật là tình trạng sốc do dòng điện chạy xuyên qua cơ thể, gây tổn thương cơ quan nội tạng và bề mặt da bên ngoài.

Nguyên nhân gây giật điện do trẻ sờ vào công tắc điện, ổ cắm điện, chỗ nối điện, dây điện tróc vỏ. Một số thiết bị rò điện ra bên ngoài gây giật mà không thấy rõ chỗ hở.

Giật do nguồn điện gia dụng thường ít nghiêm trọng, tuy nhiên vẫn có thể nguy hiểm nếu trẻ cắn, nhai dây điện hoặc đưa miệng vào ổ điện.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của giật điện:

  • Điện thế.
  • Thời gian tiếp xúc với nguồn điện.
  • Tình trạng sức khoẻ chung.
  • Đường đi của dòng điện qua cơ thể.
  • Dòng điện xoay chiều nguy hiểm hơn một chiều (nó khiến cơ co thắt làm nạn nhân không thể tách khỏi nguồn điện).

Biểu hiện của điện giật

Các triệu chứng xuất hiện tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng:

  • Bất tỉnh.
  • Co thắt cơ.
  • Tê, mất cảm giác.
  • Suy hô hấp.
  • Đau đầu.
  • Bất thường thị giác.
  • Bỏng.

Dòng điện gây tổn thương cơ khiến chi sưng lên, chèn ép vào mạch máu gây thiếu máu nuôi chi. Tình trạng này không xuất hiện ngay sau khi giật điện, do đó bạn cần tiếp tục theo dõi vị trí bị tổn thương.

Xử trí điện giật

Cần làm gì đầu tiên

Hãy đảm bảo an toàn cho bạn đầu tiên, nếu không bạn cũng sẽ trở thành nạn nhân:

  • Hãy quan sát kỹ lưỡng nguồn điện gây giật.
  • Không chạm vào trẻ nếu trẻ vẫn còn tiếp xúc với nguồn điện.
  • Tuyệt đối không lại gần hệ thống điện áp cao (các dây điện cao thế trần ngoài trời). Tránh xa ít nhất 6 mét.
  • Gọi ngay cấp cứu nếu trẻ bị điện giật từ nguồn cao thế.

Xử trí ban đầu

  1. Ngắt cầu dao, tách trẻ khỏi nguồn điện bởi vật khô (không dẫn điện).
  2. Kiểm tra mức độ tỉnh táo, nhịp thở, vết bỏng.
  3. Gọi ngay cấp cứu, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu:
    • Bỏng nặng (da cháy đen hoặc trắng, nổi bóng nước).
    • Mất tỉnh táo, hôn mê (dù chỉ là một vài giây).
    • Thở mệt, thở rất nhanh hoặc rất chậm, thở không đều.
    • Ngưng tim, ngưng thở, nhịp tim không đều.
    • Co thắt cơ.
    • Co giật.
  1. Kiểm tra mạch và nhịp thở, thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) nếu cần thiết cho đến khi đội cấp cứu tới nơi.
  2. Sơ cứu bỏng.
  3. Giữ ấm cho trẻ.

Biến chứng

Giật điện nhẹ vẫn có thể gây rối loạn nhịp tim. Do đó, nếu trẻ bị giật điện nhẹ bạn vẫn nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra.

Dòng điện còn gây tổn thương bề mặt da và mô mềm bên ngoài.

Trong trường hợp nghiêm trọng, dòng điện có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng bên trong.

Giật điện cũng có thể gây tổn thương lâu dài; ví dụ bỏng gây sẹo, biến dạng cơ quan. Dòng điện đi qua mắt gây đục thuỷ tinh thể.

Điều trị điện giật

Dù trẻ chỉ bị tổn thương nhỏ, bạn vẫn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra các tổn thương bên trong và rối loạn nhịp tim.

Tuỳ thuộc vào độ nặng, các phương thức điều trị có thể là:

  • Điều trị bỏng.
  • Thuốc giảm đau.
  • Truyền dịch.
  • Tiêm vắc – xin uốn ván nếu cần thiết.
  • Theo dõi rối loạn nhịp tim.

Phòng tránh điện giật

  • Kiểm tra định kỳ các thiết bị điện trong nhà xem chúng có bị rò điện hay không.
  • Không để dụng cụ điện, ổ cắm ngang tầm với của trẻ.
  • Đảm bảo không dùng thiết bị điện ở nơi ẩm ướt.
  • Không dùng dây điện, ổ cắm, phích cắm mà bạn biết có nguy cơ rò điện.
  • Giáo dục cho trẻ lớn về an toàn khi sử dụng và lắp đặt điện
  • Đọc thêm: Cách chuẩn bị hộp sơ cấp cứu.