Xử trí trẻ co giật

Co giật là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em, phổ biến ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi. Bạn cũng có thể đã nghe đến sốt co giật (trẻ sốt cao kèm sau đó là co giật). Nếu bạn thấy con mình ― hoặc bất kỳ đứa trẻ nào― bị co giật, bạn có biết cách xử trí không?

Key takeaways

  • Phần lớn co giật ở trẻ em là thoáng qua và lành tính, cha mẹ không nên quá hoảng sợ.
  • Co giật là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
  • Nếu con bạn co giật, đưa trẻ ở nơi an toàn, đặt trẻ nằm nghiêng, KHÔNG nhét bất kỳ thứ gì vào miệng trẻ, KHÔNG cố gắng kiềm chế hoặc giữ trẻ nằm yên trong cơn co giật.
  • Đưa trẻ đến bệnh viện nếu đây là cơn co giật lần đầu, co giật kéo dài hơn 5 phút, co giật liên tiếp mà trẻ không tỉnh giữa cơn.

Tại sao trẻ co giật

Co giật gây ra do sự gia tăng hoạt động điện của não một cách đột ngột. Trẻ em thường co giật khi sốt là do cấu trúc vỏ não chưa đạt đến độ hoàn thiện như người lớn, các phân khu vỏ não có khuynh hướng liên kết với nhau. Do đó, khi một vùng phát xung điện đột ngột, nó sẽ lan toả ra toàn bộ vỏ não và khiến trẻ co giật.

Biểu hiện của co giật dễ thấy nhất là trẻ ngã xuống, rung lắc hoặc co giật dữ dội. Nhưng cũng có những biểu hiện khác khó nhận ra, ví dụ như mấp máy môi, mắt liếc cố định sang bên hoặc trẻ đột ngột mất ý thức.

Co giật là một triệu chứng, khác với động kinh là một bệnh. Co giật có thể do nhiều nguyên nhân, ví dụ trẻ sốt cao gây co giật. Động kinh thường được nghĩ đến nếu trẻ co giật tái phát nhiều lần mà không tìm thấy nguyên nhân kích thích.

Phần lớn nguyên nhân gây co giật là lành tính và các cơn co giật thường thoáng qua. Do đó, cha mẹ không nên quá hoảng sợ khi trẻ co giật.

Xử trí trẻ bị co giật

  • Nếu bạn không chắc liệu trẻ có bị co giật hay không, hãy chạm nhẹ và gọi tên con, trẻ co giật sẽ không đáp ứng.
  • Không để trẻ một mình. Bạn nên kêu gọi giúp đỡ từ mọi người xung quanh.
  • Đặt trẻ nằm trên đất hoặc một mặt phẳng cứng chắc. Đảm bảo không có vật cứng hoặc sắc nhọn gần đó.
  • Xoay trẻ nằm nghiêng. Điều này sẽ giúp con không bị sặc do đàm nhớt.
  • KHÔNG cố gắng kiềm chế hoặc giữ trẻ nằm yên trong cơn co giật.
  • KHÔNG cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ.
  • KHÔNG cố gắng cạy miệng trẻ.
  • Nhìn đồng hồ. Cố gắng tính thời gian cơn co giật kéo dài bao lâu, thông tin này rất cần thiết cho bác sĩ.
  • Khi cơn co giật qua, trẻ có thể lú lẫn hoặc buồn ngủ và cần được che chở.
  • Nhét thuốc hạ sốt qua hậu môn nếu trẻ sốt.
  • Đọc thêm: Sơ cứu trẻ sốt co giật làm sao cho đúng

Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất

  • Đây là cơn co giật đầu tiên của trẻ.
  • Nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút.
  • Con bạn không tỉnh táo sau cơn co giật.
  • Trẻ bị thương trong cơn co giật.
  • Trẻ khó thở, tím tái.

Theo dõi sau cơn co giật

Bạn luôn cần đưa con đến gặp bác sĩ khi trẻ đã hết co giật. Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân gây co giật là gì. Hoặc phức tạp hơn, họ sẽ xác định con bị động kinh hay không. Ngoài xác định nguyên nhân và điều trị, bác sĩ còn giúp bạn lập kế hoạch xử trí nếu trẻ co giật trong những lần tiếp theo.