Xử trí phản vệ ở trẻ em
Phản vệ (anaphylaxis) là một phản ứng diễn ra nhanh chóng và có thể đe doạ tính mạng. Phản vệ có thể gây tử vong ở bất kỳ độ tuổi nào. Do đó, nếu bạn biết cách nhận biết các dấu hiệu và xử trí kịp thời, bạn có thể cứu sống con trong thời điểm nguy hiểm nhất.
Key takeaways
- Phản vệ là tình trạng dị ứng diễn ra rất nhanh chóng và đe doạ tính mạng.
- Phản ứng này có thể gây ra do thức ăn, thuốc và côn trùng chích.
- Nếu trẻ có biểu hiện bất thường hết sức đột ngột + sau khi tiếp xúc với một điều gì đó, hãy nghĩ đến phản vệ.
- Adrenalin là thuốc hàng đầu để điều trị phản vệ.
Phản vệ là gì
Phản vệ là một biểu hiện dị ứng của cơ thể. Nhưng khác với dị ứng thông thường, nó xảy ra nhanh chóng trong vòng vài giây đến vài phút sau khi tiếp xúc với dị ứng nguyên.
Dị ứng nguyên là bất kỳ điều gì từ môi trường bên ngoài có thể khiến bạn dị ứng. Ví dụ như đậu phộng, ong chích, tôm cá, thịt. Dị ứng nguyên không giống nhau ở tất cả mọi người và không thể dự đoán được.
Tại sao phản vệ diễn ra nhanh chóng và đe doạ tính mạng? Phản ứng này diễn ra như sau:
- Dị ứng nguyên đi vào cơ thể kích thích hệ thống miễn dịch (các tế bào bạch cầu).
- Bạch cầu giải phóng các chất gây viêm như histamine với số lượng cực lớn. Bạn có thể tưởng tượng như một “dòng thác” histamine ồ ạt được phóng thích vào máu. Đây là lý do phản vệ diễn ra nhanh chóng
- Histamine gây hạ huyết áp, tắc nghẽn đường dẫn khí và nhiều đáp ứng khác. Đây là lý do phản vệ đe doạ tính mạng.
Biểu hiện
Biểu hiện rất đa dạng
- Khó thở, khò khè, nặng ngực.
- Nổi mề đay, tím tái, sưng môi và lưỡi.
- Hắt hơi, sổ mũi.
- Nôn ói, tiêu chảy, đau bụng.
- Mạch nhanh nhẹ, hạ huyết áp.
- Chóng mặt, ngất.
- Lú lẫn, kích động, hô mê.
Biểu hiện phản vệ ở trẻ nhỏ
- Không chịu ngủ.
- Quấy khóc liên tục, khó dỗ.
- Đột nhiên chảy nước mũi nhiều.
Điều duy nhất bạn cần nhớ là: trẻ có dấu hiệu bất thường xuất hiện một cách đột ngột + sau khi tiếp xúc với một điều gì đó, hãy nghĩ đến phản vệ.
Phản vệ mức độ nhẹ: chỉ có biểu hiện ở da như nổi mề đay, ngứa.
Phản vệ mức độ nặng: trẻ có biểu hiện ở da kèm với bất thường ở bất kỳ cơ quan khác (ví dụ trẻ nổi mề đay và thở khò khè).
Dị ứng nguyên phổ biến
- Thức ăn: đậu phộng, trứng, sữa, tôm, cá (như cá ngừ, cá hồi).
- Côn trùng cắn: ong, kiến lửa.
- Thuốc: các thuốc kháng sinh, kháng viêm, chống động kinh thường gây phản vệ.
Trẻ có thể bị phản vệ với thức ăn, do đó khi ăn dặm, bạn nên cho con ăn mỗi lần một loại thực phẩm để xác định dị ứng tiềm ẩn. Đồng thời, một số chuyên gia khuyến cáo không cho trẻ ăn dặm các thực phẩm dễ gây dị ứng trước 6 tháng (tôm cá, đậu phộng, sản phẩm có chứa gluten).
Xử trí phản vệ
Xử trí chung
- Cho trẻ nằm xuống, đầu bằng, nâng chân cao (để chống sốc).
- Gọi ngay cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
- Tiêm adrenalin nếu bạn đã chuẩn bị sẵn. Đây là thuốc chính yếu để điều trị phản vệ. Tiêm ở đùi, phần trên, mặt ngoài.
- Cho trẻ uống thuốc kháng histamine: nếu trẻ có thể uống, dùng bất kỳ loại thuốc kháng histamine nào có trong tay (tốt nhất nên dùng diphenhydramine).
- Chườm đá nếu trẻ bị ong chích, đá lạnh làm chậm hấp thu nọc độc, gỡ kim chích ra khỏi da.
Thuốc adrenalin tự chích
Nếu trẻ từng bị phản vệ, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên chuẩn bị sẵn thuốc adrenalin tự chích hay còn gọi là EpiPen. Đây là dụng cụ được nạp sẵn adrenalin, thuận tiện cho người dùng tự chích. Một mũi adrenalin đúng vào thời điểm phản vệ có thể cứu sống trẻ. Bạn hãy đảm bảo:
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, xác định đúng liều cho trẻ.
- Để thuốc ở nơi an toàn, nhiệt độ phòng, dễ tiếp cận.
- Kiểm tra hạn sử dụng.
- Chuẩn bị ít nhất 2 liều (vì đôi khi 1 liều là không đủ để giảm phản vệ).
Phòng ngừa phản vệ
Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tránh cho trẻ tiếp xúc với dị ứng nguyên đã biết. Ví dụ, nếu trẻ từng phản vệ với tôm, bạn hãy dạy con cách chú ý đến thành phần thức ăn có tôm hay không và tránh xa.
Rất tiếc, bạn không thể dự đoán trẻ sẽ dị ứng với cái gì cho đến khi phản vệ thực sự xảy ra.
Nếu trẻ đã từng phản vệ, hãy chuẩn bị EpiPen và dạy trẻ cách xử trí khi phản vệ xuất hiện.
Đọc thêm: Hồi sức tim phổi cho trẻ sơ sinh
- Pediatric Telephone Advice – Anaphylaxis – Barton D. Schmitt M.D.
- https://www.healthychildren.org/English/health-issues/injuries-emergencies/Pages/Anaphylaxis.aspx
- https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Allergic_and_anaphylactic_reactions/
- https://www.redcross.org.uk/first-aid/learn-first-aid-for-babies-and-children/allergic-reaction#5