Xử trí trẻ ngã đập đầu

Con bạn đang tập đi, không may bé té ngã và đập đầu nghe thật to. Bạn băn khoăn không biết con có bị chấn thương não hay không, cần theo dõi gì, khi nào đến gặp bác sĩ. Bài viết này sẽ giúp bạn có câu trả lời.

Key takeaways

  • Phần lớn các trường hợp ngã đập đầu ở trẻ là nhẹ, cha mẹ không nên quá hoảng loạn, lo lắng.
  • Các dấu hiệu nguy hiểm cần gặp bác sĩ ngay: thay đổi hành vi, quấy khóc, kém tiếp xúc, ngủ nhiều, ngủ gà, bỏ ăn, nôn ói, than đau đầu, yếu liệt.
  • Nếu trẻ ngã từ bề mặt rất cao, tai nạn giao thông, chấn thương đầu kèm chấn thương ở vùng khác; bạn cần đưa trẻ đi khám ngay.

Tại sao trẻ thường ngã đập đầu

Phần lớn trẻ sẽ ngã đập đầu ít nhất một lần trong những năm đầu đời. Nguyên nhân do sức mạnh cơ vùng cổ còn yếu nên trẻ khó kiểm soát chuyển động đầu tốt như người lớn. Trọng tâm của trẻ nằm gần ở vùng đầu hơn vùng thân mình. Thêm vào đó, trẻ đang học các kỹ năng lăn, bò, đứng, đi nên khó tránh khỏi té ngã.

Trẻ thường ngã đập đầu trong những hoàn cảnh sau:

  • Ngã từ giường, nôi, bàn ghế.
  • Ngã khi tập lăn, bò, đi đứng.
  • Tai nạn giao thông.
  • Bạo hành gia đình.

Một số biểu hiện

90% chấn thương đầu ở trẻ là nhẹ và chỉ cần chăm sóc ở nhà.

Khóc

Đầu tiên trẻ thường khóc thật to, đây là phản ứng tự nhiên với các biến cố đột ngột, gây đau đớn cho trẻ.

Thu mình

Sau khi khóc to, trẻ có thể thu mình, ít hoạt động trong 15 – 30 phút. Đây cũng là một phản ứng bình thường với các chấn thương.

Các biểu hiện tại chỗ

Bạn sẽ thấy da vùng đầu đỏ lên, có thể kèm chảy máu. Đừng hoảng sợ khi thấy máu chảy, chỉ cần một vết thương nhỏ cũng có thể gây chảy máu nhiều. Nguyên nhân do ở trẻ em có nhiều mạch máu nhỏ tập trung ở bề mặt da đầu. Nếu có thể cầm máu bằng cách băng ép thì không cần quá lo lắng.

Trong vòng vài phút, vùng đầu sưng gồ lên một khối tròn như quả trứng do đứt các mạch máu nhỏ dưới da đầu gây tụ máu. Kích thước khối gồ có thể to nhưng thường không ảnh hưởng nhiều nếu trẻ vẫn khoẻ mạnh.

Các dấu hiệu nghiêm trọng

Chảy máu lượng nhiều

Nếu bạn không thể cầm máu bằng cách băng ép hoặc có chảy máu ở vùng khác kèm theo, đây là dấu hiệu nghiêm trọng. Nếu có vết cắt (đứt) sâu rộng ở da đầu, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để xem có cần khâu lại hay không.

Ngã từ nơi cao hoặc tai nạn giao thông

Nếu trẻ ngã từ nơi rất cao hoặc ngã đập đầu trong một vụ tai nạn giao thông, cần đưa trẻ đi khám tại bệnh viện ngay để có đánh giá tổng quát.

Kèm theo tổn thương ở vùng khác

Nếu trẻ than đau hoặc có dấu hiệu tổn thương ở các vùng khác (đặc biệt là cổ và cột sống) thì đây có thể là trường hợp nghiêm trọng.

Thay đổi hành vi

Các thay đổi hành vi kéo dài có thể là dấu hiệu nghiêm trọng như: quấy khóc khó dỗ hoặc ngược lại trẻ thể ít hoạt động, kém giao tiếp, ngủ nhiều. Nếu bạn cảm thấy con khác thường so với mọi ngày sau chấn thương, hãy đưa trẻ đến bệnh viện.

Các dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng

Trẻ bỏ ăn, nôn ói, than đau đầu, yếu liệt hoặc tệ nhất là hôn mê không phản ứng.

Đọc thêm: Xử trí vết thương ngoài da ở trẻ nhỏ đúng cách.

Bạn cần làm gì

Nếu trẻ ngã đập đầu, khóc to, thu mình và trở lại bình thường sau đó, khả năng cao đây chỉ là một chấn thương nhẹ và bạn không cần quá lo lắng. Hãy vỗ về và áp dụng một số phương pháp để giúp trẻ dễ chịu:

  • Băng ép nhẹ nếu có chảy máu.
  • Nếu có vết thương, hãy rửa sạch với nước và xà phòng.
  • Chườm lạnh nơi sưng.
  • Theo dõi trẻ trong 24 – 48h sau chấn thương.
  • Các dấu hiệu cần theo dõi như: bất thường hành vi đã đề cập ở trên, rối loạn vận động (té ngã, run, cầm nắm không chắc), nôn ói, bỏ ăn, than đau đầu, kém tiếp xúc.

Bao giờ cần đến gặp bác sĩ

Nếu trẻ có các dấu hiệu nghiêm trọng đã đề cập ở trên, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay. Họ sẽ hỏi một số câu hỏi và bạn cần chuẩn bị cung cấp chính xác thông tin:

  • Trẻ té ngã đập đầu như thế nào, vào lúc nào.
  • Nơi chấn thương có biểu hiện gì sau khi té ngã.
  • Trẻ còn có biểu hiện bất thường nào khác hay không.
  • Trẻ có các dấu hiệu nghiêm trọng như: kém tiếp xúc, mất trí nhớ, nôn ói, co giật, ngủ nhiều,…

Bác sĩ sẽ đề xuất một số xét nghiệm, hình ảnh học cần thiết nếu thăm khám cho thấy có dấu hiệu nghiêm trọng. Bác sĩ cũng có thể cho trẻ nhập viện để theo dõi và đánh giá thêm.

Nếu khối u gồ không mất đi

Phần lớn các khối u gồ sau ngã đập đầu sẽ giảm kích thước và mất đi sau vài ngày. Khi vết thương lành bạn sẽ thấy một vùng bầm tím – một phần của quá trình lành thương.

Tuy nhiên, vết thương cũng có thể bị nhiễm trùng và có các biểu hiện như: sốt, sưng kèm nóng đỏ, chảy mủ.

Nếu sau vài ngày khối u gồ không giảm kích thước hoặc có biểu hiện nhiễm trùng, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

Phòng ngừa ngã đập đầu

  • Luôn chú ý đến trẻ khi chúng chơi đùa trên bàn ghế, giường hoặc bất kỳ bề mặt cao nào.
  • Các xe tập đi cho trẻ là không an toàn và có thể gây té ngã.
  • Đặt các miếng đỡ mềm ở các cạnh sắc nhọn trong nhà, loại bỏ các bề mặt trơn trượt, đặt các tấm đệm ở vị trí trẻ dễ té ngã.
  • Cài đặt ghế xe đạp, ô tô ở độ cao phù hợp.
  • Nếu trẻ chơi các trò chơi vận động mạnh, hãy đội mũ bảo hiểm cho trẻ.
  • Không đặt trẻ ngồi trong xe đẩy siêu thị.