Xử trí vết thương ngoài da

Trẻ em năng động khám phá thế giới nên không thể tránh khỏi té ngã, xây xước. Vậy làm sao để xử trí những vết thương nhỏ này đúng cách, bài viết sẽ gợi ý cho bạn một số mẹo hữu ích.

Các loại vết thương

Hai loại vết thương ngoài da phổ biến nhất là vết xước và vết cắt. Các tổn thương này rất thường gặp trong cuộc sống do nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Té ngã.
  • Da bị cắt bởi vật sắc nhọn (gọt trái cây, va chạm với miếng thuỷ tinh).
  • Va đập vào vật cứng.

Vết thương gây nguy hiểm gì

Ngoài gây đau, chảy máu và hoảng sợ; vết thương cũng gây một số biến chứng nếu không được xử trí đúng cách. Hai biến chứng nguy hiểm nhất là: nhiễm trùng và uốn ván.

Các dấu hiệu cho thấy vết thương bị nhiễm trùng:

  • Sưng, nóng, đỏ tại vết thương.
  • Đau ngày càng tăng.
  • Sốt.
  • Chảy mủ.
  • Vết thương có mùi hôi.

Nhiễm trùng tại vết thương có thể diễn tiến nặng thành nhiễm trùng huyết và viêm mô tế bào, đều là những bệnh lý nghiêm trọng. Không nên đắp các loại lá cây lên vết thương, nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng cao hơn nữa.

Uốn ván là biến chứng hết sức nặng nề, đặc biệt nếu vết thương gây ra do các bề mặt dơ bẩn. Do đó, để có thể yên tâm cho trẻ chơi đùa bạn nên chú ý đến việc tiêm phòng uốn ván cho con.

Xử trí vết thương nhẹ

  1. Rửa tay: để phòng tránh nhiễm trùng.
  2. Cầm máu: các vết xước, vết cắt nhỏ sẽ tự cầm máu, bạn chỉ cần đè nhẹ lên vết thương khoảng 5 đến 10 phút. Nếu cần, nâng vị trí vết thương lên cao để cầm máu.
  3. Làm sạch vết thương: sau khi đã cầm máu, rửa sạch vết thương với nước và xà phòng trong 5 phút, đảm bảo làm sạch mọi bụi bẩn. Nhớ rửa cả bề mặt xung quanh vết thương. Bạn không nên dùng hydrogen peroxide (oxy già) hoặc iodine (thuốc đỏ) để rửa vết thương. Nếu bạn không thể làm sạch dị vật hãy đến gặp bác sĩ.
  4. Bôi kem kháng sinh: nếu có, bạn nên bôi kem kháng sinh lên vết thương để ngăn nhiễm trùng, tạo độ ẩm và ngừa sẹo.
  5. Che phủ vết thương: với vết thương lớn bạn nên che phủ bằng băng gạc sạch. Thay băng ít nhất một lần mỗi ngày hoặc khi băng ướt và bẩn.
  6. Tiêm vắc-xin uốn ván: nếu bạn chưa tiêm hoặc không rõ, hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn tiêm phòng uốn ván. Xin đừng chủ quan, uốn ván là bệnh lý hết sức nặng nề. (Đọc thêm: Phòng ngừa chó cắn cho trẻ).
  7. Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng: nếu có các dấu hiệu nhiễm trùng đã liệt kê ở trên, bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay. Đọc thêm: Cách chuẩn bị hộp sơ cứu

Xử trí vết thương nghiêm trọng

Vết thương cần chăm sóc y tế

  • Chảy máu không cầm kéo dài hơn 10 phút.
  • Vết cắt hở miệng nếu không được đè ép.
  • Vết thương tại vị trí có các mạch máu, gân nằm nông.
  • Gây lộ cơ (màu đỏ) hoặc mô mỡ (màu vàng).
  • Vẫn lấm bẩn sau khi đã rửa sạch.

Vết thương cần khâu lại

  • Vết cắt sâu xuyên hết lớp da.
  • Vết cắt hở miệng không thể khép lại được.
  • Bất kỳ vết cắt nào hở miệng, thấy được lớp cơ và mỡ bên dưới.
  • Vết cắt dài hơn 1.5 – 2cm.
  • Vết cắt sâu, hở miệng ở khu vực ảnh hưởng đến diện mạo và sắc đẹp nên được khám và tư vấn bởi bác sĩ.